Quảng Nam: Nỗ lực khắc phục thông xe sau mưa lũ

Ngày 14/11/2017
Các đơn vị quản lý đường thuộc tỉnh Quảng Nam đã nỗ lực vượt qua trở ngại của quá trình khắc phục hậu quả mưa lũ trên các tuyến tỉnh lộ (ĐT), quốc lộ (QL) Trung ương ủy thác nhằm đảm bảo lưu thông xe bước đầu nhanh chóng.

Công nhân tiến hành xúc dọn tại lý trình Km89+500 trên QL24C tỉnh Quảng Nam.

Khắp nơi hư hỏng

Sạt lở taluy âm - dương, xói cuốn trôi bề mặt, xói tứ nón mố cầu, sụn lún nền, đất lấp rãnh dọc, cây cối ngã chắn ngang… là thực trạng mà đợt mưa lũ vừa qua gây ra cho hệ thống đường tỉnh (ĐT). Nước còn tràn qua nhiều vị trí, chảy mạnh, ngập sâu làm chia cắt lưu thông khá lâu. Công ty CP Công trình giao thông vận tải (GTVT) Quảng Nam đã nhanh chóng chặt hạ cây cối ngã đổ, dọn dẹp đất sạt lở từ taluy dương xuống nền đường. Tại các điểm sụt lún, sạt lở taluy âm hay mặt đường bê tông nhựa bị cuốn trôi dài hàng chục mét như ĐT609 và ĐT609B, xói tứ nón mố cầu Chánh Cửu (ĐT609B) và mố cầu Quan Âm (ĐT609), xói lở taluy hạ lưu ngầm Sông Ngang (ĐT617) thì thiết lập hàng rào chắn mềm, đặt biển báo nguy hiểm… cảnh báo người điều khiển phương tiện chú ý lưu thông đảm bảo an toàn giao thông (ATGT).

“Trong đợt mưa lũ vừa qua, khối lượng đất đá sạt lở chưa từng có trên tất cả 5 tuyến quốc lộ (QL) mà Trung ương ủy thác cho tỉnh quản lý” - Tổng Giám đốc Công ty CP Công trình GTVT Quảng Nam, ông Nguyễn Tuấn Anh chia sẻ. Cụ thể, đó là các QL 14B, 14D, 14E, 40B, 24C và phần lớn ở địa bàn miền núi. Bị hư hại ít nhất, song taluy dương QL14B cũng xảy ra sụt trượt ở 7 vị trí, 8 chỗ sạt lở taluy âm. Trên QL14D, taluy dương sạt lở 36.595m3, lý trình km71+200 ách tắc kéo dài. Kết nối đường 129 với đường Hồ Chí Minh, QL14E bị tổn thương nghiêm trọng đoạn qua Hiệp Đức và Phước Sơn, tổng khối lượng taluy dương sạt lở ước tính 86.270m3. Tại lý trình Km84+500 (xã Phước Hòa, Phước Sơn), đất đá sạt lở (chiếm 30.000m3) vùi lấp 4 người khi họ đang lưu thông trên tuyến. Hàng trăm vị trí taluy dương trên QL40B sạt lở, kéo dài từ Tiên Phước lên Nam Trà My, giáp với huyện Tu Ma Rông (Kon Tum) với sơ bộ 184.737m3; đất tràn, xói lún mặt đường, sạt lở taluy âm rất nghiêm trọng. Trên QL24C, lý trình từ Km80 - Km89+600 bị ách tắc do có 460.220m3 đất đá đổ xuống án ngữ lòng đường.

Nỗ lực khắc phục

Trưởng phòng Kế hoạch - tài chính, Sở GTVT Quảng Nam - ông Võ Công Phúc cho hay, đợt mưa lũ vừa qua đã gây thiệt hại nặng nề. Trong đó, hệ thống ĐT là 16 tỷ đồng, QL ủy thác 66 tỷ đồng, đường thủy nội địa 1,2 tỷ đồng, đường huyện khoảng 70 - 80 tỷ đồng. Theo ông Phúc, đây mới là con số sơ bộ, bởi Tây Giang, Nam Giang, Bắc Trà My, Nam Trà My chưa thống kê hết được; luồng Cửa Đại cũng chưa khảo sát mức độ bồi lấp.

Trước thiệt hại nêu trên, trước mắt Giám đốc Sở GTVT Lê Văn Sinh - Phó Trưởng ban Thường trực Ban ATGT tỉnh Quảng Nam sẽ đi thăm hỏi một số nạn nhân và gia đình có nạn nhân mất bởi tai nạn giao thông nhân “Ngày thế giới tưởng niệm các nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông”. Đồng thời phân công cho Văn phòng Ban ATGT tỉnh lãnh đạo ngành trực tiếp đến hiện trường chỉ đạo công tác khắc phục. “Các đơn vị phải huy động toàn bộ nhân lực, trang thiết bị, xe máy vào vị trí. Trước mắt, xúc dọn đất đá sạt lở từ taluy dương phá vỡ thế cô lập, đồng thời đảm bảo ATGT tại nơi mà nền đường bị sự cố” - ông Lê Văn Sinh cho hay.

Sau hơn một tuần bu bám, khắc phục mọi khó khăn, trở ngại về thời tiết, địa hình phức tạp, đến ngày 10/11 vừa qua, QL14D đã thông xe toàn tuyến. Làm việc xuyên đêm, QL40B cũng đã thông suốt đến lý trình Km103+000 thuộc địa phận Tắc Pỏ (Nam Trà My). Tổng Giám đốc Công ty CP Xây dựng giao thông Quảng Nam (quản lý QL40B đoạn Km85+000-Km147+500, giáp với Kon Tum) - ông Phạm Công Hải cho hay, đơn vị bố trí lực lượng và 13 phương tiện chia làm 2 mũi. Trong đó, một mũi xúc dọn ở Bắc Trà My lên, một mũi khác đi đường vòng từ trên các huyện Ngọc Hồi, Tu Ma Rông (Kon Tum) đến giáp Nam Trà My triển khai xuống. Địa hình chật hẹp rất khó đưa nhiều xe máy vào làm cùng một lúc, nên khoảng 10 ngày nữa mới khai phóng toàn tuyến.

Trên tuyến QL14E, ách tắc chỉ còn tại lý trình Km84+500. Lẽ ra, công tác khắc phục đã hoàn thành nhưng do địa phương và gia đình 4 nạn nhân bị vùi lấp đề nghị chỉ thực hiện bằng đào thủ công, san gạt từ từ để tìm kiếm thi thể người xấu số. Kỹ sư Đoàn Văn Dũng - Chỉ huy trưởng Công trường số 2 (Công ty CP Công trình GTVT Quảng Nam) cho biết thêm, địa hình mái taluy dương cao 300-400m, nước thấm vào đất rất dễ sạt lở tiếp. Vì vậy, đơn vị chỉ có thể triển khai từ 7 giờ sáng đến 6 giờ tối để đảm bảo an toàn. Trong chiều 13/11 hoặc chậm nhất đến hôm nay, lý trình Km84+500 sẽ thông xe bước một. Có mặt tại lý trình Km89+500 QL24C (thôn 2, xã Trà Giang, Bắc Trà My), chúng tôi chứng kiến khối lượng đất đá sạt lở xuống không khác gì đồi núi (150.000m3). Suốt hơn 7 ngày qua, công nhân máy xúc gạt Đoàn Văn Đức cùng với đồng nghiệp căng mình làm nhiệm vụ. Vậy nhưng, khối lượng sạt lở cả đoạn tuyến qua Quảng Nam rất lớn, do đó sẽ mất nhiều ngày nữa mới hoàn thành. Chiều ngày 12/11, Tổng Giám đốc Nguyễn Tuấn Anh thông tin, một máy đào cỡ lớn đã di chuyển qua được địa phận huyện Trà Bồng (Quảng Ngãi) xúc dọn ngược lại. Ngoài 12 phương tiện đã tập kết, công ty sẽ tăng cường một máy xúc lật với dung tích gầu 4.0m3 lên QL 24C. “Máy kia chúng tôi vừa mới mua tại TP.Hồ Chí Minh ngày 11.11 vừa qua. Mục tiêu không gì khác hơn là để nhanh thông xe bước một, khôi phục lưu thông và ổn định đời sống nhân dân” - ông Nguyễn Tuấn Anh cho biết.

Nguồn: Báo Quảng Nam