Ngành Hàng hải chuẩn hóa thủ tục hành chính

Ngày 22/02/2018
Bằng những giải pháp quyết liệt trong cải cách hành chính, ngành hàng hải đã chuẩn hóa được hầu hết các thủ tục hành chính, qua đó giảm tối đa thời gian đi lại, chi phí cho người dân và doanh nghiệp.

Ảnh minh họa

Ông Nguyễn Xuân Sang, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam cho biết, đến nay, trong số 107 thủ tục hành chính được công bố trong lĩnh vực hàng hải, Cục Hàng hải Việt Nam đã cung cấp 57 thủ tục hành chính mức độ 2; 35 thủ tục hành chính được cung cấp trực tuyến mức độ 3; trong đó có 24 thủ tục hành chính về đăng ký tàu biển, 6 thủ tục hành chính về quản lý thuyền viên, 5 thủ tục hành chính về thủ tục tàu biển. Riêng 5 thủ tục hành chính về tàu biển được thực hiện trên Cổng thông tin một cửa Quốc gia.

Cụ thể, về thủ tục hành chính, sau khi Bộ luật Hàng hải Việt Nam năm 2015 được thông qua, Cục Hàng hải Việt Nam đã rà soát, đề xuất và tổ chức xây dựng các văn bản hướng dẫn thực hiện Bộ luật Hàng hải Việt Nam; trong đó đặc biệt rà soát quy định các thủ tục hành chính cấp phép cho tàu thuyền vào, rời cảng biển theo hướng thống nhất các loại giấy tờ phải nộp, xuất trình; đồng thời quy định phương thức thực hiện thủ tục điện tử đối với các thủ tục hành chính để triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến được hiệu quả.

“Để tạo điều kiện cho người làm thủ tục theo phương thức điện tử, Cục Hàng hải Việt Nam đã chủ động xây dựng cơ sở dữ liệu điện tử về tàu biển, thuyền viên và đề xuất Bộ Giao thông Vận tải quy định việc sử dụng dữ liệu điện tử về tàu thuyền, thuyền viên của Cục Hàng hải, Cục Đường thủy nội địa, Cục Đăng kiểm để kiểm tra, đối chiếu khi xử lý thủ tục cho tàu thuyền Việt Nam, không yêu cầu người làm thủ tục phải xuất trình giấy tờ bản chính tại địa điểm làm thủ tục”, Cục trưởng Nguyễn Xuân Sang chia sẻ.

Về triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến, Cục Hàng hải Việt Nam là cơ quan đi đầu trong việc tham gia thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia ngay từ giai đoạn 1 (năm 2014) với 3 thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực hàng hải: Thủ tục tàu thuyền Việt Nam và tàu thuyền nước ngoài nhập cảnh; Thủ tục tàu thuyền Việt Nam và tàu thuyền nước ngoài xuất cảnh; Thủ tục tàu thuyền nước ngoài quá cảnh. Đến nay, 3 thủ tục hành chính này đã được triển khai tại 10 khu vực cảng biển, nơi tập trung lưu lượng tàu thuyền lớn trong cả nước…

Chia sẻ về hoạt động cải cách hành chính của đơn vị, ông Lê Văn Thức, Giám đốc Cảng vụ Hàng hải Vũng Tàu cho biết, hiện nay cảng vụ đang thực hiện 30 thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động hàng hải. Đơn vị đã thực hiện công khai, minh bạch tất cả các thủ tục hành chính tại tất cả các địa điểm làm thủ tục. Đồng thời, công khai số điện thoại đường dây nóng và giao nhiệm vụ cụ thể cho từng lãnh đạo cơ quan chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát, hướng dẫn giải quyết khó khăn vướng mắc cho người làm thủ tục ngay tại mỗi địa điểm làm thủ tục, bảo đảm tạo điều kiện tối đa cho các tổ chức, cá nhân khi làm thủ tục hành chính tại cảng biển.

“Kết quả thời gian làm thủ tục tại cảng biển Vũng Tàu được rút ngắn, tối đa không quá 30 phút (thực tế chỉ còn 15 phút). Tàu vào cập bến cầu xong là triển khai làm hàng được ngay (trước kia là khi tàu vào cập cầu, phải chờ hoàn thành thủ tục mới được làm hàng). Cải cách này được nhiều doanh nghiệp ghi nhận và đánh giá cao”, ông Thức cho biết.

Anh Nguyễn Việt Khoa, người đang đến làm thủ tục cho tàu của doanh nghiệp mình vào khu vực cảng biển Vũng Tàu nhận xét, nhờ cải cách hành chính mà quy trình làm thủ tục cho tàu ra vào cảng ở khu vực Vũng Tàu nói riêng, cả nước nói chung được rút gọn nhiều.

Đặc biệt các chủ tàu, chủ hàng đều có thể đăng ký làm thủ tục trực tuyến trước khi tàu cập, rời cảng nên đã rút ngắn được thời gian, tránh được các phiền hà cho doanh nghiệp. Hiện nay doanh nghiệp không mất nhiều thời gian lên cảng vụ hoàn thiện thủ tục vì trước đó đã trao đổi thông tin với cán bộ cảng vụ từ trước.

Theo ghi nhận của phóng viên, hiện tại, quy trình thủ tục hành chính, các giấy tờ đều được các cảng vụ hàng hải Vũng Tàu, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng nói riêng, các cảng vụ hàng hải nói chung trên toàn quốc niêm yết công khai tại trụ sở làm việc. Nếu doanh nghiệp đã nộp các giấy tờ qua thủ tục điện tử thì chỉ mất 10-15 phút, thậm chí ít hơn, cán bộ các cơ quan đã hoàn tất thủ tục cho tàu cập, rời cảng.

Đại diện đại lý tàu biển Vietfrach (trụ sở tại TP. Hồ Chí Minh), Đào Trọng Hùng chia sẻ, khai báo hồ sơ qua phòng “một cửa” hiện đã đơn giản khá nhiều chỉ còn phải nộp rất ít giấy tờ so với trước kia.

Nhiều doanh nghiệp đánh giá, với những cải cách trên chỉ tính riêng tiền thuê tàu, thì mỗi doanh nghiệp kinh doanh vận tải biển cũng tiết kiệm được trung bình hàng trăm triệu đồng/tháng nhờ rút ngắn được thời gian làm thủ tục. Cùng với đó doanh nghiệp cũng giảm được các chi phí cầu cảng, cầu bến, đi lại, nhân công…

Là một trong những đơn vị đi đầu trong cải cách hành chính, ông Nguyễn Hải Nam, Giám đốc Cảng vụ Hàng hải TP. Hồ Chí Minh cho biết, Cảng vụ Hàng hải TP. Hồ Chí Minh đã thực hiện nhiều giải pháp cải cách thủ tục tạo điều kiện cho chủ tàu, chủ hàng vào các cảng biển khu vực TP. Hồ Chí Minh.

Hiện việc làm thủ tục cho tàu thuyền đã được Cảng vụ triển khai nghiêm túc 24/24h đảm bảo giải quyết thủ tục kịp thời, nhanh chóng với thời gian ngày càng được rút ngắn. Cảng vụ thường xuyên rà soát, kiểm tra, đơn giản hóa thủ tục hành chính hiện có, lấy chất lượng phục vụ làm tiêu chí để hoạt động và phát triển.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Hải Nam cũng thừa nhận, trong quá trình triển khai nội dung trên cũng gặp một số tồn tại, khó khăn cần khắc phục để đạt hiệu quả hơn nữa. Việc thanh toán phí, lệ phí hàng hải hiện nay chủ yếu bằng tiền mặt được người làm thủ tục nộp ngay tại trụ sở cảng vụ. Mặc dù đã triển khai thủ tục hành chính điện tử nhưng cảng vụ chưa thể cấp giấy phép rời cảng trực tuyến do chưa triển khai chữ ký số…

Ông Hà Quang Thắng, Trưởng phòng Thủ tục tàu biển, Cảng vụ Hàng hải Hải Phòng cho hay, những năm gần đây đơn vị đã thường xuyên đầu tư áp dụng công nghệ thông tin trong việc thực hiện thủ tục cho tàu thuyền vào, rời cảng biển nói riêng và cải cách thủ tục hành chính của cơ quan nói chung. Việc cơ quan quản lý nhà nước tại cảng tập trung thực hiện thủ tục hành chính cho tàu thuyền vào, rời cảng tại trụ sở cảng vụ hàng hải đã xóa bỏ tình trạng người làm thủ tục phải đến trụ sở các cơ quan như: biên phòng, hải quan, kiểm dịch y tế, kiểm dịch động vật, kiểm dịch thực vật hoặc các cơ quan này phải tổ chức thành đoàn để lên tàu làm thủ tục, gây mất thời gian đi lại, tốn kém chi phí.

“Ngoài việc loại bỏ những giấy tờ không cần thiết, còn cho phép sử dụng giấy tờ khai báo theo mẫu thống nhất có tham khảo chuẩn mực quốc tế (FAL-65), nhằm tránh trùng lặp và mâu thuẫn về nội dung hoặc tùy áp đặt các loại mẫu biểu khai báo khác nhau gây phiền hà cho đối tượng quản lý và khó khăn khi sử dụng công nghệ thông tin…”, ông Hà Quang Thắng chia sẻ.

Cục trưởng Nguyễn Xuân Sang cho hay, để phục vụ tốt nhất cho doanh nghiệp và người dân, thời gian tới ngành hàng hải sẽ tiếp tục triển khai một số giải pháp. Chẳng hạn, tiếp tục rà soát, đề nghị Bộ Giao thông Vận tải công bố các thủ tục hành chính trong lĩnh vực được sửa đổi, bổ sung, thay thế theo quy định của văn bản quy phạm pháp luật mới được ban hành, làm cơ sở phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai thống nhất và hoàn thiện hệ thống công nghệ thông tin để triển khai mở rộng cơ chế một cửa quốc gia đối với những thủ tục hành chính đã đề nghị đưa lên cung cấp tại Cổng thông tin một cửa quốc gia.

Nguồn: TTXVN