‘Cởi trói’ cho doanh nghiệp giao thông ‘dễ thở’

Ngày 04/05/2018
Những điều kiện kinh doanh bất hợp lý hiện đã được Bộ GTVT bãi bỏ gần 68% trong tổng số các điều kiện theo chỉ đạo của Chính phủ. Điều này đã và đang bắt đầu tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp giao thông “dễ thở”.

Bỏ điều kiện “hành" doanh nghiệp

Bà Lê Thị Mỹ Lệ, chủ hãng xe Lệ Sơn chạy tuyến Hà Nội - Điện Biên cho biết, nhiều năm nay nhà xe phải góp 2 xe khách giường nằm của mình vào một công ty cổ phần vận tải để kinh doanh. Vì theo Nghị định 86/2014/CP về điều kiện kinh doanh vận tải, nhà xe Lệ Sơn không đáp ứng điều kiện về số lượng xe tối thiểu. 

Nhiều điều kiện kinh doanh vận tải được cắt giảm "cởi trói" cho doanh nghiệp xe khách.

“Chi phí đầu tư 2 xe khách giường nằm khoảng 10 tỉ đồng, một số vốn không nhỏ đối với các doanh nghiệp nhỏ. Nếu bỏ được điều kiện số lượng xe tối thiểu cho doanh nghiệp vận tải khách, thì nhà xe Lệ Sơn có thể thành lập doanh nghiệp, tự chủ kinh doanh và không mất chi phí đóng cho công ty khác”, bà Lệ chia sẻ.

Theo Nghị định 86/2014 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải quy định phải có số lượng phương tiện tối thiểu. Cụ thể: Doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định từ 300 km trở lên phải có từ 20 xe trở lên đối với đơn vị có trụ sở đặt tại các thành phố trực thuộc Trung ương; từ 10 xe trở lên đối với đơn vị có trụ sở đặt tại các địa phương còn lại và từ 5 xe trở lên đối với đơn vị có trụ sở đặt tại huyện nghèo. Tương tự, kinh doanh vận tải hành khách bằng taxi phải có số xe tối thiểu là 10 xe, đối với đô thị loại đặc biệt là 50 xe.

Nhà xe Lệ Sơn chỉ là một trong số hàng nghìn trường hợp phải “núp bóng” đơn vị khác để kinh doanh. Trong khi, thống kê của Bộ GTVT, số đơn vị kinh doanh vận tải trên cả nước có quy mô nhỏ hơn 5 xe khoảng trên 17.000 đơn vị, chiếm trên 70% tổng số đơn vị kinh doanh vận tải. 

Nếu thực hiện theo đúng quy định này, hầu hết các đơn vị vận tải sẽ dừng hoạt động do không đáp ứng được quy định về quy mô. Do đó, quy định này cần được bãi bỏ, thay vào đó nên quy định theo hướng doanh nghiệp phải đảm bảo số lượng, chất lượng, niên hạn sử dụng của phương tiện tùy theo hình thức kinh doanh và quy mô của doanh nghiệp.

Về vấn đề này, bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, điều kiện nêu trên trong lần sửa đổi Nghị định 86/CP tới sẽ được cắt giảm, để tạo thông thoáng hơn cho doanh nghiệp vận tải khách. 

Bên cạnh đó, việc cắt giảm các điều kiện kinh doanh vận tải được thực hiện theo 2 mục tiêu là cắt bỏ những điều kiện không phù hợp với quy định tại Luật Đầu tư, gây khó khăn cho doanh nghiệp trong quá trình gia nhập thị trường như các điều kiện về quy mô, xe tối thiểu, các quy định can thiệp sâu vào tổ chức hoạt động của doanh nghiệp. Đồng thời, chuyển những điều kiện mang tính quản lý về nội dung quản lý để giảm bớt điều kiện kinh doanh cho doanh nghiệp, tránh các trường hợp doanh nghiệp phải đầu tư dàn trải ngay từ khi chưa đủ điều kiện được gia nhập thị trường. 

Tạo điều kiện tối đa cho người dân và doanh nghiệp

Theo Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ GTVT) Trịnh Thị Hằng Nga, Bộ GTVT đã ban hành Quyết định số 767/QĐ-BGTVT phê duyệt, cắt giảm, đơn giản hóa 384/570 điều kiện kinh doanh, đạt tỷ lệ 67,36%. Trong đó, lĩnh vực đường bộ cắt giảm, đơn giản 68,5% điều kiện kinh doanh. Lĩnh vực đường thủy nội địa cắt giảm, đơn giản 67,34% điều kiện kinh doanh. Lĩnh vực hàng không dân dụng cắt giảm, đơn giản 74,36% điều kiện kinh doanh.

Đối với lĩnh vực hàng hải, Bộ GTVT cắt giảm, đơn giản 65,08% điều kiện kinh doanh. Đối với lĩnh vực đăng kiểm cơ giới đường bộ: cắt giảm, đơn giản 61,43% điều kiện kinh doanh. Đối với lĩnh vực đường sắt: cắt giảm, đơn giản 73,08% điều kiện kinh doanh. Và lĩnh vực dịch vụ vận tải đa phương thức và kinh doanh dịch vụ vận chuyển hàng nguy hiểm cắt giảm, đơn giản 61,74% điều kiện kinh doanh. Bộ GTVT cũng kiến nghị Chính phủ trình Quốc hội bãi bỏ 04 ngành nghề kinh doanh có điều kiện thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ GTVT.
 
“Việc cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện đầu tư kinh doanh trong thời điểm này theo yêu cầu của Chính phủ là hoàn toàn cần thiết, nhằm phá bỏ các rào cản không cần thiết cho doanh nghiệp gia nhập thị trường trong nước, khu vực và toàn cầu; khắc phục những bất cập của hệ thống các quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực giao thông vận tải”, Vụ trưởng Trịnh Thị Hằng Nga cho biết.

Còn theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, việc rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh tới đây sẽ là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục. Giảm rồi, phải tiếp tục nghiên cứu, rà soát để giảm nữa, mục tiêu là tạo thuận lợi tối đa cho người dân và doanh nghiệp. 

“Điều kiện nào cần thiết vẫn bổ sung, nhưng không cần thiết thì tuyệt đối phải cắt bỏ. Không thể để có thông tư lại thêm thủ tục. Sắp tới, Bộ GTVT sẽ đăng tải công khai các Thông tư mới, lấy ý kiến rộng rãi xem chất lượng so với các Thông tư cũ như thế nào, có thông thoáng hơn không. Thông tư sửa đổi, bổ sung, thay thế phải tốt hơn, dễ dàng, thông thoáng, sát thực tiễn hơn”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh.

Đăng Sơn/Báo Tin tức