“Mở toang cửa” cho doanh nghiệp nhờ Cơ chế một cửa quốc gia

Ngày 19/06/2018
Dự kiến từ 1/11/2018, Bộ GTVT sẽ hoàn thành 100% kế hoạch xây dựng và cung cấp thủ tục hành chính (TTHC), tham gia Cơ chế một cửa quốc gia.

Ngay trong tháng 7 tới đây, Cục Hàng hải VN sẽ triển khai thủ tục điện tử
cho tàu thuyền xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh trên Cổng thông tin một cửa quốc gia
tại toàn bộ 25 cảng vụ (Trong ảnh: Bốc xếp hàng tại cảng Hải Phòng) - Ảnh: Tạ Tôn

“Thông” thủ tục trực tuyến, “thoáng” cho doanh nghiệp

Vừa nhấn phím “enter”, hoàn tất việc nhập dữ liệu xin cấp phép vận tải, ông Thịnh (phụ trách dịch vụ vận tải hàng hóa bằng đường thủy tuyến TP HCM đi Campuchia của Công ty AnphaTrans) nói: “Từ hồi có dịch vụ cấp phép trực tuyến, việc của mình nhàn hơn hẳn. Chỉ vài phút bấm máy tính là xong thủ tục và chờ được cấp phép. Nếu có phải bổ sung giấy tờ gì cũng hoàn toàn qua mạng, không phải long đong, lận đận nộp hồ sơ thủ công như trước đây”.

“Xin cấp phép qua mạng, ngồi nhà mình cũng có thể biết được hồ sơ đang thực hiện ở khâu nào, ai giải quyết, giảm được quá nhiều thời gian, chi phí so với thủ tục thông thường trước kia”, ông Thịnh nói và cho biết, mỗi năm có khoảng 300 nghìn lượt phương tiện thuỷ qua lại trên tuyến Việt Nam - Campuchia với hơn 1 triệu tấn hàng và hơn 100.000 lượt người. Nói vậy mới biết DN đỡ được bao nhiêu công sức đi lại, nhàn hơn đến mức nào.

Cũng được hưởng lợi rất nhiều nhờ việc làm thủ tục trực tuyến, ông Đào Quang Tùng, Giám đốc Chi nhánh Công ty CP Vận tải và thuê tàu Quảng Ninh (Vietfrach) nói: Việc cơ quan quản lý nhà nước tại cảng triển khai thực hiện thủ tục trực tuyến cho tàu thuyền vừa xóa bỏ được tình trạng người làm thủ tục phải đến hàng loạt các cơ quan biên phòng, hải quan, kiểm dịch y tế, kiểm dịch động vật, thực vật… chỉ để xin một cái giấy phép, vừa giúp doanh nghiệp tránh được những khoản “lộ phí đen” trong quá trình hoàn thiện giấy tờ cho tàu.

“Hiện tại, chỉ trong khoảng 15 - 30 phút, thủ tục đã được xét duyệt cho tàu vào cảng làm hàng. Sự tinh gọn này đã rút ngắn được thời gian, tiết kiệm cho doanh nghiệp hàng trăm triệu tiền thuê tàu mỗi tháng”, ông Tùng thông tin.

Làm thủ tục xuất bến tại Cảng vụ Quảng Ninh - Ảnh: Tạ Tôn

Thêm hàng loạt thủ tục sắp được triển khai

Trao đổi với PV, lãnh đạo Cục Đường thuỷ nội địa VN cho biết, toàn bộ việc cấp giấy phép vận tải cho phương tiện thủy qua biên giới đang được thực hiện theo Cơ chế một cửa quốc gia. Cơ quan này cũng đang thí điểm để tiến tới kết nối Cơ chế một cửa quốc gia các thủ tục cho tàu biển Việt Nam và nước ngoài xuất, nhập cảng thủy, phương tiện thủy nước ngoài trên tuyến vào, rời cảng thủy; gia hạn thời gian cho phương tiện thủy Campuchia ở cảng thủy Việt Nam…

Phía Cục Hàng hải VN, bà Vũ Quỳnh Anh, Phó Trưởng phòng Pháp chế cho biết, cơ quan này đang cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 trên Cổng thông tin một cửa quốc gia đối với 3 thủ tục hành chính cho tàu thuyền Việt Nam, nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh và quá cảnh tại 9/25 cảng vụ gồm: Quảng Ninh, Hải Phòng, Đà Nẵng, TP HCM, Vũng Tàu, Nha Trang, Quy Nhơn, Quảng Ngãi, Đồng Nai và 2 thủ tục hành chính cho tàu biển Việt Nam hoạt động tuyến nội địa vào, rời cảng biển tại toàn bộ 25 cảng vụ hàng hải.

“Ngay trong tháng 7 tới, Cục Hàng hải VN sẽ triển khai tiếp 11 thủ tục hành chính (thủ tục tàu thuyền xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh tại cảng biển; Tàu biển hoạt động tuyến nội địa vào - rời cảng biển; Tàu biển vào - rời cảng dầu khí ngoài khơi và hoạt động trong vùng biển Việt Nam; Thủ tục tàu biển nhập cảnh tại cảng dầu khí ngoài khơi và hoạt động trong vùng biển Việt Nam; Tàu biển xuất cảnh tại cảng dầu khí ngoài khơi; Tàu biển nước ngoài đã nhập cảnh, sau đó vào - rời cảng biển khác của Việt Nam) trên Cổng thông tin một cửa quốc gia tại toàn bộ 25 cảng vụ”, bà Quỳnh Anh thông tin.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN Phan Thị Thu Hiền cũng cho biết đã rà soát lần 2 danh mục thủ tục hành chính đường bộ tham gia Cơ chế một cửa quốc gia và Cơ chế một cửa ASEAN. Theo đó, giai đoạn 2018 - 2020, ngành Đường bộ dự kiến cung cấp 65 thủ tục, nhiều nhất trong 5 lĩnh vực của ngành GTVT.

Đáng lưu ý, Tổng cục đã ký thống nhất quy trình nghiệp vụ giải quyết các thủ tục hành chính tham gia Cơ chế một cửa quốc gia lĩnh vực đường bộ với Tổng cục Hải quan.

“Bắt đầu từ 1/7, 36/65 thủ tục vận tải quốc tế sẽ được thí điểm tham gia Cơ chế một cửa quốc gia”, bà Hiền nói và cho biết, Cơ chế một cửa quốc gia và một cửa ASEAN có tác động rất tốt tới doanh nghiệp khi giảm thiểu thời gian và chi phí. Trước đây, doanh nghiệp muốn xin giấy phép vận tải đường bộ quốc tế; giấy phép liên vận; chấp thuận đăng ký khai thác vận tải hành khách tuyến cố định quốc tế hay chấp thuận thay thế, bổ sung phương tiện… phải cầm hồ sơ, chứng từ đến trực tiếp cơ quan nhà nước để làm thủ tục. Hơn nữa, doanh nghiệp còn phải photo hồ sơ, chứng từ thành nhiều bản để xác nhận. Bây giờ, doanh nghiệp chỉ cần thực hiện một lần, trên cổng thông tin điện tử nên tạo thuận lợi hơn rất nhiều cho hoạt động vận tải, sản xuất, kinh doanh.

Theo ông Lê Thanh Tùng, Phó giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin (Bộ GTVT), lãnh đạo Bộ GTVT đặc biệt quan tâm đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN.

“Dự kiến đến ngày 1/11/2018, Bộ GTVT sẽ hoàn thành 100% kế hoạch xây dựng và cung cấp thủ tục hành chính của Bộ (sau khi được rà soát) tham gia Cơ chế một cửa quốc gia theo Quyết định số 2185 ngày 26/11/2016 của Thủ tướng Chính phủ”, ông Tùng khẳng định.

Bộ GTVT là cơ quan đầu tiên kết nối vào Cơ chế một cửa quốc gia năm 2014 với ba thủ tục hành chính một cửa quản lý tàu biển xuất, nhập cảnh tại cảng biển quốc tế Hải Phòng. Sau đó, năm 2015, Cơ chế một cửa quốc gia được triển khai mở rộng tại 5 cảng biển quốc tế thuộc Hải Phòng, Quảng Ninh, Đà Nẵng, TP HCM và Bà Rịa - Vũng Tàu, hướng tới mở rộng tại tất cả các cảng biển và cảng đường sông quốc tế cho toàn bộ doanh nghiệp (DN). Hiện, gần như tất cả các lĩnh vực từ đường bộ, hàng không, hàng hải, đường thủy nội địa, đường sắt đều đã tham gia Cơ chế một cửa quốc gia.

Nhóm P.V