Vinh danh Đường Hồ Chí Minh là công trình mang tầm vóc thế kỷ

Ngày 30/07/2018
Đường Hồ Chí Minh là 1 trong 8 công trình được vinh danh tại Chương trình "Vinh quang Việt Nam - Dấu ấn những công trình”.

Sáng 28/7, Chương trình "Vinh quang Việt Nam - Dấu ấn những công trình” đã được tổ chức tại Cung Văn hóa Hữu nghị Việt Xô (Tp. Hà Nội). Thông qua nhiều vòng bình chọn theo đúng quy chế, 8 công trình đã được chọn vinh danh tại Chương trình gồm: "Đường Hồ Chí Minh"; đường dây 500kV Bắc - Nam; vệ tinh viễn thông của Việt Nam (VINASAT-1, VINASAT- 2); Nhà máy thủy điện Hòa Bình; Bản đồ địa chất, bản đồ khoáng sản Việt Nam tỷ lệ 1:200.000; Từ điển Bách khoa toàn thư; Nghiên cứu chọn tạo và phát triển 2 giống lúa mới OM6976 và OM5451 có năng suất và chất lượng cao phục vụ sản xuất và xuất khẩu; chương trình tiêm chủng mở rộng.

Theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Chương trình “Vinh quang Việt Nam” năm 2018 lấy chủ đề “Dấu ấn những công trình” nhằm vinh danh các tập thể cá nhân đã làm nên, hoặc vận hành những công trình tầm vóc thế kỷ, đóng góp quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.

Những công trình được lựa chọn lần này là niềm tự hào to lớn về ý chí và nghị lực phi thường của con người Việt Nam, là minh chứng sống động cho bản lĩnh, trí tuệ và tinh thần dám nghĩ, dám làm, tạo nên những bước đột phá về kinh tế - xã hội. Những công trình này là những đóng góp mang tính quyết định vào những thành tựu nổi bật của đất nước trong hàng chục năm qua.

Phó Giám đốc Ban QLDA đường Hồ Chí Minh (Bộ GTVT) Lê Thanh Bình nhận cúp và lưu niệm công trình tiêu biểu
do Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ trao tặng

Trong 8 công trình được vinh danh, Đường Hồ Chí Minh – công trình được xem là “con đường huyền thoại” trong cuộc chiến giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và nay là mạch giao thông trục dọc quan trọng thứ hai của đất nước.

Chia sẻ về “cuộc đua tổng lực” làm nên Đường Hồ Chí Minh, ông Lâm Văn Hoàng - Giám đốc Ban QLDA đường Hồ Chí Minh - đại diện Chủ đầu tư Dự án cho biết, Dự án là một thử thách rất lớn của ngành GTVT với những nguy cơ tiềm ẩn. Bởi lẽ, con đường chạy qua những khu vực có địa hình hiểm trở núi cao, vực sâu, địa chất phức tạp cùng hàng nghìn tấn bom mìn còn sót lại sau chiến tranh. Để khởi công được vào năm 2000, các kỹ sư, chiến sĩ đã dầm mưa, dãi nắng để khảo sát địa hình, vạch tuyến cũng như tiến hành rà soát, xử lý bom mìn. Đồng thời, yếu tố thời tiết khắc nghiệt cũng tạo ra những thách thức đòi hỏi nghị lực rất lớn của con người.

Sau 18 năm nỗ lực thi công, đến nay, đường Hồ Chí Minh đã tiến tới gần cuối giai đoạn 2, đã hoàn thành, đưa vào sử dụng khoảng 2.180km/2.744 km và khoảng 258km tuyến nhánh trong đó điểm nhất đáng chú ý nhất là đoạn đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên. Chỉ sau một thời gian ngắn chuẩn bị và sau 1,5 năm triển khai thi công (từ cuối năm 2013 đến tháng 6/2015), toàn bộ 419km đi qua 5 tỉnh Gia lai, Kon Tum, Đắk Lắk, Đắk Nông và Bình Phước đã hoàn thành, vượt tiến độ hơn 1 năm so với yêu cầu của Quốc hội.

Dự án được đánh giá không chỉ đáp ứng các mục tiêu xây dựng và phát huy ngay hiệu quả đầu tư khi đóng vai trò là xương sống thứ 2 của đất nước, hỗ trợ Quốc lộ 1, đảm bảo an ninh quốc phòng vùng biên giới phía Tây Tổ quốc mà còn tạo điều kiện thu hút đầu tư thúc đẩy phát triển kinh tế - văn hoá - xã hội và du lịch các địa phương phía Tây đất nước, những vùng đất vốn hoang sơ, nghèo khó.

Đường Hồ Chí Minh đi đến đâu thì cuộc sống của hàng chục triệu đồng bào các tỉnh phía Tây tổ quốc đổi thay đến đấy, góp phần tích cực vào công cuộc xoá đói giảm nghèo. Không chỉ vậy, đây còn là cầu nối tâm linh, góp phần giáo dục truyền thống lịch sử, tri ân thế hệ đi trước.

Nguồn: Tạp chí GTVT