Chốt phương án tuyến nối Lai Châu với cao tốc Nội Bài-Lào Cai

Ngày 07/08/2018
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể thị sát tuyến đường nối Lai Châu với cao tốc Nội Bài-Lào Cai.

Bộ trưởng GTVT dẫn đầu đoàn công tác Bộ GTVT thị sát tuyến nối tỉnh Lai Châu với cao tốc Nội Bài-Lào Cai

Chiều 6/8, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể dẫn đầu đoàn công tác Bộ GTVT trực tiếp kiểm tra, thị sát tuyến QL4D nối Lào Cai - Lai Châu vừa bị hư hỏng nghiêm trọng sau đợt mưa lũ xảy ra ngày 24/6 vừa qua và xem xét tuyến nối Lai Châu với cao tốc Nội Bài - Lào Cai.

Tại trang trại nuôi cá tầm ở Km73 QL4D đoạn qua thôn Chu Va 12 (xã Sơn Bình, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu), nơi cách đây hơn 1 tháng đã bị cơn lũ dữ tàn phá hoàn toàn, người dân đang bắt tay vào công tác khôi phục sản xuất để ổn định đời sống nhưng tàn tích của cơn lũ vẫn còn đó. 

Dọc 2 bên đường, những đống đất đá sạt lở vẫn ngổn ngang, 3 chiếc máy xúc vẫn khẩn trương tiến hành khắc phục để đảm bảo tuyến đường thông suốt, an toàn cho các phương tiện.

Sau khi kiểm tra tuyến, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đánh giá cao nỗ lực của tỉnh Lai Châu trong việc khắc phục hậu quả mưa lũ và chia sẻ với bà con những mất mát, thiệt hại sau mưa lũ.

Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể kiểm tra tuyến QL4D bị sạt lở nghiêm trọng do mưa lũ

Tại dự án kết nối Lai Châu với cao tốc Nội Bài - Lào Cai, đại diện tư vấn thiết kế trình bày 2 phương án. Phương án 1 nối từ nút giao IC19 (Km254+800) đi QL4D về TP. Lai Châu với chiều dài 101km. Khi đó tổng chiều dài tuyến từ Lai Châu - Hà Nội khoảng 355km. Phương án 2 từ nút giao IC 16 (Km198+730) cao tốc Nội Bài - Lào Cai đi theo QL279 qua đèo Khau Co sang Lai Châu, kết nối với QL32 đến khu vực bản Bo (Km397 QL32) rồi rẽ trái đu men theo sông Nậm Mu để đi trùng hướng tuyến San Thàn - Đông Pao - Tam Đường (ĐT 136), điểm cuối kết nối với tuyến tránh TP. Lai Châu (Km34+800 QL4D). Theo phương án này, tổng chiều dài từ Lai Châu - Hà Nội dài khoảng 346km.

Phương án 2 có các đoạn tuyến phải làm mới và đường cũ đi qua khu vực bằng phẳng hơn, cho phép nâng cấp đạt chỉ tiêu đường cấp III dễ hơn phương án 1. Điểm khó khăn nhất cần xử lý là đèo Khau Co trên QL279 dài 14,8km, cao 1020m. Đơn vị tư vấn thiết kế đề xuất xây dựng hầm. Phương án này giúp tuyến đi qua các trung tâm huyện lỵ chính của tỉnh Lai Châu; kết nối với các khu công nghiệp đang được đầu tư và sân bay Tân Uyên đồng thời đi qua Đông Pao (nơi có mỏ đất hiếm trữ lượng lớn) và góp phần mở mang đời sống kinh tế cho bà con 4 dân tộc ít người ở đây; tạo thuận lợi cho việc phát triển cửa khẩu Ma Lù Thàng…

Tuy nhiên, với phương án này, tổng chiều dài tuyến đường cần phải nâng cấp, cải tạo và làm mới lớn hơn. Tổng chiều dài sử dụng đường cao tốc ít hơn. "Hiện địa phương thống nhất kiến nghị lựa chọn phương án 2. Hướng tuyến này đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư tại QĐ số 949/QĐ-TTg ngày 1/8/2018", ông Đỗ Ngọc An, Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu nói.  

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đồng ý với kiến nghị lựa chọn phương án 2 xây dựng tuyến nối Lai Châu với cao tốc Nội Bài - Lào Cai

Bộ trưởng Thể cho biết, phương án 2 có thể giải quyết được việc giảm tải cho tuyến QL4D từ Lào Cai - Lai Châu, đảm bảo ATGT cho các phương tiện lưu thông khi tuyến QL4D hiện đang bị sạt lở tại nhiều điểm do mưa lũ, thời tiết sương mù phức tạp.

Đồng thời, việc xây dựng dự án kết nối tỉnh Lai Châu với cao tốc Nội Bài - Lào Cai sẽ phá thế độc đạo cho tuyến QL4D lên Lai Châu. Việc xây dựng theo phương án 2 không chỉ góp phần phát triển giao thông mà còn giúp địa phương phát triển KTXH các khu vực mà tuyến đường này đi qua do có mật độ dân số đông, trong khi tuyến QL4D, dân cư khá thưa thớt.

Bộ trưởng đồng ý chủ trương xây dựng dự án này theo phương án 2 và yêu cầu chính quyền địa phương cùng các đơn vị khẩn trương triển khai để sớm có đường mới cho bà con đi lại, phát triển KTXH khu vực.

Yến Chi