Giám sát chặt, nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo sát hạch lái xe

Ngày 15/08/2018
Chiều 15/8, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đã chủ trì cuộc họp rà soát sửa đổi văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác đào tạo, sát hạch, cấp đổi giấy phép lái xe.
Tham dự cuộc họp có lãnh đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, lãnh đạo các Vụ tham mưu, Thanh tra Bộ.

 Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể chủ trì cuộc họp

Báo cáo việc thực hiện các nội dung kết luận của Bộ trưởng tại cuộc họp ngày 9/7/2018, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam Phan Thị Thu Hiền cho biết, ngay sau cuộc họp của Bộ trưởng, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã biên dịch và tham khảo thêm giáo trình của Nhật Bản, Mỹ, Singapore để bổ sung, cập nhật các kiến thức mới về xe ô tô, hệ thống báo hiệu đường bộ, bổ sung các nội dung liên quan đến đạo đức người lái xe và văn hóa giao thông, bổ sung kỹ năng xử lý các tình huống tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông còn thiếu như: lái xe tại các nút giao phức hợp, điểm ra vào đường cao tốc...; kỹ năng lái xe an toàn trên các tình huống giao thông khác nhau như hầm đường bộ, lên xuống phà, cầu phao, cầu vượt sông lớn và kỹ năng vượt xe an toàn.

Tổng cục cũng ứng dụng công nghệ thông tin mô phỏng các tình huống, mô hình giao thông mới; xây dựng phần mềm 3D mô phỏng các tình huống nguy hiểm, tiềm ẩn tai nạn giao thông trong thực tế để bổ sung vào chương trình đào tạo. Đối với việc áp dụng công nghệ thông tin để quản lý, giám sát thời gian học lý thuyết môn pháp luật GTĐB đối với hạng D, E, FC và thời gian học thực hành lái xe, Tổng cục ĐBVN đang phối hợp với Trường Đại học Bách khoa Hà Nội nghiên cứu sản xuất, lắp đặt thử nghiệm, đánh giá hiệu quả, xây dựng quy chuẩn làm căn cứ pháp lý thực hiện. 

Về công tác sát hạch lái xe, bà Phan Thị Thu Hiền cho biết, Tổng cục đã nghiên cứu biên soạn Bộ câu hỏi mới từ đầu năm 2017, theo hướng tăng số lượng câu hỏi từ 450 câu lên 500 câu, Bộ câu hỏi 500 câu đã bổ sung các nội dung sát hạch về: Quy tắc giao thông; Nghiệp vụ vận tải; Văn hóa giao thông và đạo đức người lái xe; Kỹ thuật lái xe; cấu tạo và sửa chữa ô tô; Biển báo hiệu đường bộ; Giải các thế sa hình, bổ sung các tình huống nguy hiểm tiềm ẩn tai nạn giao thông. 

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam Phan Thị Thu Hiền báo cáo tại cuộc họp

Về công tác rà soát xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác đào tạo, sát hạch, cấp đổi giấy phép lái xe, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, hiện Tổng cục ĐBVN đang phối hợp với Vụ Pháp chế nghiên cứu kinh nghiệm thế giới kết hợp với thực tiễn của Việt Nam để đề xuất cụ thể về công tác đào tạo, sát hạch, cấp GPLX nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước, nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo cấp GPLX trong quá trình Bộ GTVT sửa đổi Luật Giao thông đường bộ.

Bên cạnh đó, Tổng cục cũng đang trong quá trình xin ý kiến để sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 65/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ đào tạo lái xe ô tô và dịch vụ sát hạch lái xe theo hướng tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đào tạo, sát hạch lái xe đồng thời thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức rà soát cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện đầu tư kinh doanh, trên cơ sở đảm bảo chất lượng đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe trong thời gian tới như bãi bỏ quy định về quy hoạch cơ sở đào tạo lái xe ô tô; bãi bỏ quy định về quy hoạch trung tâm sát hạch lái xe; bãi bỏ một số quy định về điều kiện của xe tập lái...

Ngoài ra, Tổng cục ĐBVN đã xây dựng và trình Bộ GTVT đề cương Dự thảo sửa đổi, bổ sung Thông tư số 12/2018/TT-BGTVT ngày 15/4/2017 của Bộ GTVT quy định về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ với các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác đào tạo, sát hạch, cấp GPLX.

Phát biểu tại cuộc họp, các đại biểu đều nhất trí với các đề xuất của Tổng cục Đường bộ Việt Nam trong việc ứng dụng công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin vào quá trình đào tạo, sát hạch lái xe. Một số ý kiến cho rằng cần nghiên cứu kinh nghiệm của nước ngoài trong đào tạo, sát hạch, cấp GPLX để tăng cường nâng cao chất lượng đào tạo và chất lượng người lái.

Bên cạnh việc siết chặt công tác đào tạo, sát hạch lái xe ô tô, một số đại biểu đề nghị cần tăng cường siết chặt cả công tác sát hạch, cấp bằng lái xe mô tô vì phần lớn các vụ tai nạn giao thông đều có liên quan đến mô tô, xe máy.  Tại cuộc họp, các đại biểu cũng cho rằng chất lượng đào tạo lái xe cũng phụ thuộc rất nhiều vào ý thức của người học, giữa những người học để có kỹ năng, có kiến thức lái xe an toàn và những người học chỉ để lấy tấm bằng lái.

Phát biểu kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho rằng chất lượng công tác đào tạo sát hạch lái xe là một trong những yếu tố, nguyên nhân quan trọng ảnh hưởng đến chất lượng người lái, từ đó có ý nghĩa quan trọng với tình hình trật tự ATGT . Do vậy Tổng cục Đường bộ Việt Nam và các cơ quan liên quan cần có những quy định để quản lý tốt công tác đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe. Ứng dụng công nghệ để giám sát chặt chẽ việc đào tạo, thực hành của mỗi học viên. Các quy định về sát hạch lái xe phải đảm bảo sự chặt chẽ, giám sát công khai của nhiều người. Đối với các trung tâm đào tạo, trung tâm sát hạch, sát hạch viên có sự gian dối, thiếu nghiêm túc, Bộ trưởng yêu cầu phải xử lý nghiêm khắc như đình chỉ, cấm hành nghề đối với những tổ chức, cá nhân liên quan.

Ngoài ra, Bộ trưởng cũng đề nghị các cơ quan của Bộ nghiên cứu đề xuất sửa đổi bổ sung Nghị định 46 theo hướng tăng nặng chế tài đối với các hành vi vi phạm.

DT