TP. Long Xuyên, An Giang có hệ thống sông, kênh, rạch chằng chịt. Do vậy, trong những ngày này, lực lượng chức năng tăng cường tuần tra, kiểm soát nhằm hạn chế những nguy cơ và nguyên nhân tiềm ẩn dẫn đến tai nạn giao thông đường thủy.
Các lực lượng chức năng phối hợp tuần tra, kiểm soát trên 5 tuyến sông, kênh, rạch lớn gồm: tuyến kênh Rạch Giá - Long Xuyên (tính từ đầu vàm khu vực Tỉnh ủy đến hết địa bàn phường Mỹ Hòa và Mỹ Thạnh); tuyến kênh Rạch Sỏi - Hậu Giang (tính từ đầu vàm Cái Sắn đến hết địa bàn phường Mỹ Thạnh); tuyến sông Hậu (từ ngã 3 vàm Cái Sắn đến giáp ranh thị trấn An Châu, Châu Thành); tuyến sông Hậu nhánh trái cù lao Ông Hổ phía bờ thuộc xã Mỹ Hòa Hưng giáp với địa bàn huyện Chợ Mới và rạch Long Xuyên từ ngã ba cầu Nguyễn Trung Trực đến bến phà Ô Môi. Tổng chiều dài 52km. Nội dung kiểm tra tập trung điều kiện hoạt động đối với các bến thủy nội địa; các bến phà, bến đò đưa rước khách và phương tiện ngang sông; các phương tiện vận chuyển hàng hóa, hành khách; kiểm tra, hướng dẫn, giải tỏa chà cá, đáy cá, bè cá và các công trình gây ảnh hưởng đến an toàn giao thông (ATGT) thủy nội địa trên địa bàn.
Mùa mưa lũ, cần cẩn trọng khi lưu thông đường thủy
Qua kiểm tra, hầu hết các bến đò ngang, đò dọc, bến phà đều chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về trật tự ATGT thủy. Phó Giám đốc Xí nghiệp phà An Hòa Nguyễn Công Duệ cho biết: “Hàng ngày, lưu lượng phương tiện qua lại nơi đây rất đông. Ban Giám đốc Xí nghiệp chú trọng đảm bảo an toàn cho người, phương tiện bằng cách: trang bị dụng cụ nổi cho hành khách và phương tiện; tăng cường tuyên truyền trong cán bộ, nhân viên về pháp luật ATGT đường thủy, đảm bảo đưa hành khách qua sông an toàn, hiệu quả”.
Ông Nguyễn Bé Tư (chủ bến đò Cái Dung - Hòa An, phường Mỹ Thạnh) bày tỏ: “Chúng tôi nắm rõ các quy định của pháp luật, như: người lái phương tiện phải có bằng chuyên môn; phương tiện phải đủ định biên thuyền viên, đăng ký thủ tục theo quy định; hành khách xuống phà phải được phát áo phao... Bên cạnh đó, tôi thường nhắc nhở thuyền trưởng cẩn thận trong quá trình điều khiển phương tiện. Khi gặp gió mưa lớn quá nên tìm chỗ trú ẩn tạm thời, không chủ quan. Các điều kiện trên phải tuân thủ nghiêm ngặt vì quyền lợi chung cho hành khách lẫn chủ phương tiện”.
Đại úy Lê Văn Lượng Em, Đội Cảnh sát GT Công an TP. Long Xuyên thông tin: “Qua kiểm tra, đoàn công tác nhận thấy chủ phương tiện tàu, thuyền, bến ngang sông chấp hành tốt quy định về đường thủy nội địa. Tuy nhiên, nhiều tàu, thuyền vận chuyển hàng hóa vi phạm các lỗi phổ biến như: chở hàng hóa quá vạch mớn nước; không đăng ký đăng kiểm; không bằng thuyền trưởng; không bố trí đủ định biên thuyền viên; không trang bị đủ thiết bị cứu đắm, cứu sinh theo quy định… Tổ công tác lập biên bản đình chỉ những trường hợp không đăng ký đăng kiểm, không bằng thuyền trưởng, nhằm đảm bảo tính mạng, tài sản người dân”.
Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân tiềm ẩn, dễ dẫn đến tai nạn GT, nhất là khi mùa mưa lũ đang về, dòng nước chảy xiết. Nhưng trước những vi phạm, ai cũng có lý do để biện minh cho mình, dù hầu hết họ là người nhiều năm kinh nghiệm lái ghe, tàu và đã được nhắc nhở nhiều lần.
Ông Nguyễn Tấn Đạt (ngụ Trà Vinh) phân bua: “Phương tiện của tôi bố trí không đủ định biên thuyền viên nên bị xử phạt. Nhưng do kinh tế eo hẹp, phải tính toán sao cho đỡ tốn kém nhất. Nếu chiếc tàu này bố trí đủ 6 người thì anh, em không có thu nhập, nên phải giảm lại, chỉ còn 4 người”. Ông Kha Vĩ Lợi (ngụ Trà Vinh) chở 12.000 bao xi-măng (tương đương 600 tấn) từ Hòn Chông về Trà Vinh, vượt quá tải trọng cho phép 100 tấn. “Biết là quá tải, nhưng để có thêm thu nhập chúng tôi vẫn ráng làm” - ông Lợi rầu rầu.
Biên bản xử lý vi phạm của các lực lượng chức năng chỉ mang tính răn đe, giáo dục, nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về trật tự ATGT đường thủy nội địa. để góp phần đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản, mỗi người dân hãy nâng cao nhận thức, không lơ là, chủ quan, chấp hành nghiêm pháp luật về trật tự ATGT thủy khi tham gia GT trên tuyến thủy nội địa.