Anh hùng Nguyễn Đăng Chế - Người "mở đường máu"

Ngày 28/08/2018
Năm 2014 Sở Giao thông vận tải (GTVT) Nghệ An tổ chức Tọa đàm về xây dựng Lịch sử GTVT Nghệ An, trước thềm kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống. Có một người đàn ông cao lớn, giọng nói sang sảng, hào hùng tham luận nhiệt huyết. Ông nguyên là Trưởng phà kiêm Tự vệ trưởng phà Bến Thủy - Nguyễn Đăng Chế, người đã xung phong lái chuyến phà cảm tử, phá bom từ trường dày đặc trên dòng sông Lam và vừa được nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân.

 

Anh hùng Nguyễn Đăng Chế bên bến phà năm xưa

Một thời “hoa lửa”

Nguyễn Đăng Chế sinh năm 1943 tại một ngôi làng bình dị như bao nhiêu làng quê khác thuộc xã Vĩnh Thành, huyện Yên Thành. Ông là con thứ 2 trong gia đình có 7 người con (anh trai đầu đã hy sinh tại chiến trường Campuchia). Tháng 7/1964, sau khi tốt nghiệp Trung cấp giao thông ông trở về Nghệ An nhận nhiệm vụ tại Ty Giao thông vào. Đó cũng là thời điểm đế quốc Mỹ bắt đầu thực hiện chiến trang phá hoại miền Bắc lần thứ nhất, hòng cắt đứt mọi con đường chi viện cho miền Nam.

Khu IV cũ nói chung và Nghệ An nói riêng trở thành trọng điểm đánh phá. Ngày 5/8/1964 với chiến dịch "Mũi tên xuyên", đế quốc Mỹ sử dụng 64 lần chiếc máy bay của hải quân Mỹ, đánh phá 4 căn cứ hải quân của ta ở miền Bắc trong đó có Cửa Hội và khu dầu Vinh (Nghệ An) mở đầu cho cuộc chiến tranh. Dấu chân anh thanh niên Nguyễn Đăng Chế với nhiệm vụ khảo sát giao thông đã có mặt xuyên rừng, xuyên núi trên mặt trận giao thông thời chiến.

Chiến tranh ngày càng khốc liệt. Nghệ An và các tuyến chi viện cho đường 559 hứng chịu đến 75%, bom đạn đế quốc Mỹ ném xuống miền Bắc, tương đương 40 – 45 vạn tấn/năm. Đồng thời với nó là cuộc chiến tranh của đế quốc Mỹ nhằm phong tỏa sông biển miền Bắc bằng ngư lôi, bom từ trường. Để thông luồng lạch, chỉ riêng năm 1967, Nguyễn Đăng Chế cùng các thành viên Đội rà phá bom từ trường do ông làm Đội trưởng đã rà phá được 200 quả địch ném xuống các tuyến đường, dòng sông, cửa biển.

Đáp ứng yêu cầu bảo đảm giao thông ở “yết hầu” Bến Thủy, bảo đảm điều tiết giao thông, tăng cường chi viện sức người sức của cho miền Nam; tháng 10/1969, khi đó mới 27 tuổi Nguyễn Đăng Chế được Ty Giao thông vận tải và Ban Bảo đảm giao thông Nghệ An chọn giao nhiệm vụ Trưởng phà Bến Thủy. Đây là thời điểm kết thúc chiến tranh phá hoại lần thứ nhất, nhu cầu vận tải vào chiến trường qua phà Bến Thủy càng tăng cao.

Thời điểm này, tập thể Phà Bến Thủy đã được Nhà nước tuyên dương đơn vị Anh hùng LLVT nhân dân. Nhận nhiệm vụ, Nguyễn Đăng Chế không khỏi suy nghĩ: “Mình về nhận nhiệm vụ to lớn này đúng lúc phà vừa nhận danh hiệu Anh hùng LLVTND, một tập thể kiên cường, giàu thành tích là thế, anh em ở đây toàn những người dạn dày kinh nghiệm của 3 đại đội: Pháo binh Hoàng Mai, Pháo binh Nam Đàn và Công binh Bến Thủy, chắc là sẽ rất khó khăn để anh em thừa nhận”.

Tuy nhiên ông đã vươn lên với tinh thần “Đich phá, ta cứ đi”, “Tất cả để chiến thắng” của toàn ngành GTVT vì sự nghiệp thống nhất đất nước.

Phà Bến Thủy những năm chống Mỹ cứu nước.

Trở về sau “truy điệu sống”

Ngày 6/4/1972 Mỹ trở lại ném bom miền Bắc với cường độ cao và khốc liệt hơn. Chúng dùng máy bay B52 ném bom thành phố Hải Phòng, đánh phá khu vực kho xăng Đức Giang (Hà Nội) rồi "leo thang" chiến tranh bắn phá trên toàn miền Bắc. Để ngăn chặn con đường chi viện cho miền Nam, lần này Ních-xơn dùng thủ đoạn đánh chớp nhoáng kiểu "Đánh chết tươi đối phương ngay từ đòn phủ đầu".

Tháng 11/1972, phà Bến Thủy bị tắc hàng tuần do máy bay Mỹ ném bom nổ chậm và bom từ trường thế hệ mới. Phương án dùng thuyền khử từ rà phá không hiệu quả. Huy động tàu phóng từ hải quân cũng chưa rà phá hết được số lượng bom dưới lòng sông sâu,

Trước tình hình đó, Trưởng phà Nguyễn Đăng Chế nêu sáng kiến dùng phà lớn, tốc độ nhanh, lướt trên bom với kích từ mạnh để buộc nó phải nổ. Câu hỏi được ông Nguyễn Sỹ Hòa- Phó Chủ tịch tỉnh Nghệ An đặt ra là “Ai sẽ là người chỉ huy con phà cảm từ này?”. Nguyễn Đăng Chế đã dõng dạc trả lời: “Tôi là phà trưởng, tôi trực tiếp chỉ huy con phà này!”

15 giờ chiều ngày 23/11/1972 Lễ xuất quân hay còn gọi là “Lễ truy điệu sống” người cảm tử được tổ chức. Con phà chở người chỉ huy dũng cảm rà trên sông đến vòng thứ 3 thì 2 quả bom từ phát nổ, kích thích những quả bom khác cùng phát nổ. Những cột nước dữ dội bùng lên từ lòng sông đã giật tung xích của 2 chiếc ca nô, hất tung  phà lên trời. Con phà chìm dần, Nguyễn Đăng Chế bi sức ép nặng nổi bồng bềnh trên mặt sông.

Phà Bến Thủy hiện nay.

Tin báo Nguyễn Đăng Chế hy sinh lan nhanh. Mọi người chuẩn bị làm lễ mai táng, mẹ và vợ ông ngất lịm. Nhưng điều kỳ diệu đã xảy ra, đến 1 giờ sáng Nguyễn Đăng Chế hồi tỉnh. Ông được chuyển tuyến điều trị, với chế độ chăm sóc đặc biệt, sau một năm thì bình phục, trở lại vị trí phà trưởng. “Bây giờ nghĩ lại, mình mới thấy sợ. Không hiểu sao có thể trụ vững được qua từng ấy năm, với gian khổ, hiểm nguy đến thế”, ông Chế hồi tưởng.

Thời gian ấy Nguyễn Đăng Chế được tỉnh Nghệ An đề nghị làm hồ sơ phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND, nhưng ông đã một mực chối từ. “Có biết bao nhiêu người đã anh dũng và nằm lại, có bao nhiêu người can đảm và lặng lẽ khác. Họ xứng đáng hơn mình. Mình có vinh dự được tặng danh hiệu chiến sỹ thi đua nhiều năm, được nhận Huân chương Kháng chiến hạng Ba của Chủ tịch nước trao tặng, ấy đã là xứng đáng rồi”, ông tâm sự.

Ngày 31/12/1973, Đơn vị tự vệ phà Bến Thủy được Nhà nước tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân lần thứ hai., trong đó có không ít đóng góp của vị Trưởng phà can trường Nguyễn Đăng Chế. “Mình góp phần cùng đơn vị trở thành anh hùng lần thứ 2 là hạnh phúc lắm rồi”, ông cười hiền, phóng khoáng.

Tuy nhiên, đất nước không quên ai. Ngày 26/4/2018, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã ký Quyết định phong tặng ông Nguyễn Đăng Chế danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân. Bởi đó là sự công bằng của lịch sử Không chỉ cá nhân ông, đó còn là ghi nhận máu xương của biết bao cán bộ ngành GTVT Nghệ An đổ xuống thời “hoa lửa”./.

Ngô Đức Hành