“Mắt thần” bảo đảm an toàn, an ninh hàng hải

Ngày 13/09/2018
Hệ thống giám sát và điều phối giao thông hàng hải khu vực cảng biển Vũng Tàu - TP HCM - Đồng Nai - Mỹ Tho đã và đang phát huy hiệu quả rõ rệt nhiệm vụ bảo đảm an toàn hàng hải, an ninh hàng hải, phòng ngừa ô nhiễm môi trường…

Giám sát viên/điều hành viên trong ca trực VTS

Từ khi hệ thống hệ thống điều phối giao thông hàng hải (VTS - Vessel Traffic Service) luồng Sài Gòn - Vũng Tàu đi vào hoạt động (tháng 5/2012), Cảng vụ Hàng hải TP HCM đã tận dụng nguồn lực hiện có để khai thác hệ thống đạt hiệu quả. Nhờ đó, đã giảm đáng kể các vụ tai nạn xảy ra trên luồng hàng hải. Ngoài ra, với các thiết bị hiện có, hệ thống VTS biết được cầu bến đã được sẵn sàng để tiếp nhận tàu chưa, giám sát được việc bố trí tàu lai có đủ về số lượng cũng như công suất theo quy định. Từ đó, kịp thời thông báo cho các phòng chức năng của cảng vụ khi phát hiện các phương tiện buộc phao, cập mạn vượt quá quy định. Cũng nhờ VTS, cơ quan chức năng có thể sử dụng để tuyên truyền pháp luật tới các tàu biển, phương tiện thủy tham gia giao thông, các cơ quan hữu quan và người dân…

“Thời gian qua, Trung tâm VTS đã hỗ trợ tích cực trong công tác tìm kiếm cứu nạn. Khi nhận được thông tin cứu nạn, Trung tâm VTS kịp thời chuyển thông tin tới các cơ quan hữu quan, kịp thời thông báo tới các tàu, phương tiện hoạt động ở gần khu vực bị nạn để cảnh báo, điều phối giao thông. Không chỉ có những vụ tai nạn trong phạm vi phủ sóng của VTS mà còn cả những vụ tai nạn ngoài khu vực VTS. Điển hình, như vụ tai nạn đâm va giữa tàu Hải Thành 26 và tàu Petrolimex 14 (ngày 28/3/2017). Mặc dù vị trí đâm va nằm ngoài khu vực VTS, nhưng Trung tâm VTS là đơn vị nhận được thông tin đầu tiên từ tàu Petrolimex 14. Sau khi tiếp nhận thông tin, Trung tâm VTS đã kịp thời thông báo tới các cơ quan hữu quan liên quan cũng như cảnh báo cho các tàu hành trình ở khu vực gần đó tham gia cứu hộ”, một lãnh đạo Cảng vụ Hàng hải TP HCM cho biết.

Trung tâm VTS Vũng Tàu

Thấy được hiệu quả thiết thực của hệ thống, Cục Hàng hải Việt Nam đã kiến nghị với Bộ GTVT trình Chính phủ đầu tư, lắp đặt và hoàn thiện dự án VTS luồng Cái Mép - Thị Vải, tích hợp với Hệ thống VTS Sài Gòn - Vũng Tàu. Mục đích để bao phủ toàn bộ khu vực tuyến luồng Cái Mép - Thị Vải cũng như tăng cường phát hiện các mục tiêu nhỏ hoạt động trong khu vực VTS. Hệ thống VTS khu vực cảng biển Vũng Tàu - TP HCM - Đồng Nai - Mỹ Tho hiện nay bao gồm 6 Radar TERMA chuyên dùng, 9 Camera và 2 trạm thu AIS.

Hệ thống VTS dựa trên nền hải đồ điện tử được tích hợp các thiết bị: Radar, AIS, Camera và VHF. Ngoài ra, hệ thống còn có ngân hàng dữ liệu Database. Tất cả các tín hiệu này được truyền về các trung tâm, qua thiết bị phần mềm xử lý, các tín hiệu mục tiêu được hiển thị trên màn hình điều khiển. Trong ca trực giám sát viên/điều hành viên sẽ chịu trách nhiệm theo dõi mục tiêu liên tục trong vùng của mình phụ trách.

Với trang thiết bị hiện có, hệ thống VTS có thể phát hiện mục tiêu ở những khu vực từ ngoài hải đăng Vũng Tàu 15 hải lý trở vào bao trùm toàn bộ tuyến luồng sông Sài Gòn, Soài Rạp, sông Dinh, sông Cái Mép - Thị Vải (khu vực VTS). Hệ thống có hầu hết các thông tin của tàu trong khu vực VTS như vị trí tàu, cảng đến, thông tin hàng hóa trên tàu… để cảnh báo kịp thời cho hoa tiêu, thuyền trưởng các tàu để đảm bảo an toàn hàng hải.

Ngoài nhiệm vụ chính đảm bảo an toàn hàng hải, hệ thống VTS còn có thể hỗ trợ công tác đảm bảo an ninh hàng hải, phòng ngừa ô nhiễm môi trường. Với các thông tin về vị trí tàu, số nhận dạng, cảng đến và hàng hoá trên tàu, hệ thống VTS duy trì và giám sát lưu lượng tàu, truy cập gần như tất cả các tàu trong khu vực VTS góp phần ngăn chặn các vụ khủng bố, cướp biển, bảo đảm an ninh hàng hải.

Cũng nhờ hệ thống VTS giám sát, theo dõi chặt chẽ sẽ hạn chế đáng kể việc tàu bè cố ý xả thải chất gây ô nhiễm môi trường, kịp thời phát hiện và xử lý các sự cố tràn dầu…

Nguồn: Báo Giao thông

EMC Đã kết nối EMC