Thủ tướng: Phải làm bài bản quy hoạch dự án cảng Liên Chiểu

Ngày 25/09/2018
Sáng 24/9, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc làm việc với lãnh đạo chủ chốt TP. Đà Nẵng, nghe báo cáo về vấn đề đầu tư xây dựng cảng Liên Chiểu.

Thủ tướng phát biểu tại cuộc làm việc với lãnh đạo TP. Đà Nẵng. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Theo Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ, Đà Nẵng là đầu mối vận tải biển của các tỉnh miền Trung, hầu hết hàng hóa xuất nhập khẩu dạng container của các tỉnh miền Trung đều được đưa về cảng Đà Nẵng. Cảng Đà Nẵng hiện tại bao gồm 2 khu bến chính là Tiên Sa và Sơn Trà (Thọ Quang).

Theo số liệu thống kê, tốc độ tăng trưởng tổng lượng hàng của cảng Đà Nẵng đạt 16,2%/năm (22,6%/năm với hàng container) và dự báo sẽ đạt khoảng 10 triệu tấn vào năm 2020, khoảng 30 triệu tấn vào năm 2030.

Đến năm 2018, sản lượng hàng qua cảng Đà Nẵng ước đạt 8,4 triệu tấn. Lượng hàng này sẽ vượt mức năng lực của khu bến Tiên Sa, Sơn Trà (Thọ Quang) sau năm 2020 và đặc biệt là vượt qua khả năng đáp ứng của hạ tầng giao thông kết nối cảng đi qua nội đô Đà Nẵng, gây ùn tắc giao thông, ảnh hưởng tới môi trường, tác động tiêu cực đến môi trường du lịch và đời sống nhân dân trên địa bàn.

Đặc biệt, trong thời gian gần đây, lưu lượng vận chuyển hàng hóa từ cảng Tiên Sa qua đường Yết Kiêu-Ngô Quyền-Ngũ Hành Sơn tăng cao, gây chia cắt và ùn tắc giao thông cục bộ qua các tuyến đường này,  xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông rất nghiêm trọng làm chết người do xe tải, xe container gây ra, làm mất mỹ quan và an toàn đô thị... Cụ thể, từ tháng 1/2016 đến tháng 9/2018 đã xảy ra 24 vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, làm chết 17 người và bị thương 12 người. Vấn đề này đã gây hoang mang, bức xức trong dư luận và nhân dân Thành phố. Do đó, lãnh đạo Thành phố cho rằng, cần khẩn trương triển khai đầu tư xây dựng cảng Liên Chiểu. Đây là vấn đề rất cấp bách để sớm chuyển đổi công năng Cảng Tiên Sa thành cảng du lịch, theo đó cảng Tiên Sa chỉ tiếp nhận các tàu 5 sao, cỡ lớn đến tham quan Thành phố, phù hợp với quy hoạch phát triển của TP. Đà Nẵng, ngành giao thông vận tải, phục vụ mục tiêu đẩy mạnh và tăng tốc phát triển kinh tế-xã hội của Đà Nẵng cũng như khu vực miền Trung - Tây Nguyên theo chỉ đạo của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.

Dự án cảng Liên Chiểu có quy mô 220 ha với tổng vốn đầu tư dự kiến 32.860 tỷ đồng, chia làm 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 (đến năm 2022) có tổng mức đầu tư hơn 7.370 tỷ đồng.

Đánh giá cao sự chủ động của lãnh đạo Thành phố về đề xuất thúc đẩy đầu tư xây dựng cảng Liên Chiểu thay cho cảng Tiên Sa, Thủ tướng nhất trí cho rằng đây là vấn đề cấp bách, cần thiết bởi thời gian, số lượng ô tô vận chuyển hàng hóa từ cảng Tiên Sa đi qua nội thành quá lớn, làm ảnh hưởng đến an toàn giao thông, gây ùn tắc. Cảng Tiên Sa có sóng giao thoa lớn, đặc biệt là mực nước thấp nên tàu lớn không vào được. Do đó, vai trò của cảng này đối với thành phố động lực của khu vực không thể phát huy được.

Thủ tướng yêu cầu các bộ liên quan và TP. Đà Nẵng có văn bản báo cáo, làm rõ, thống nhất về vấn đề chủ đầu tư dự án và một số thủ tục liên quan khi mà dự án có quy mô hơn 32.000 tỷ đồng nhưng hợp phần mà vốn Nhà nước đầu tư (đê chắn sóng, nạo vét, không phát sinh lợi nhuận) vào khoảng 3.000 tỷ đồng.

Thủ tướng hoan nghênh TP. Đà Nẵng và Bộ Giao thông vận tải đã có chủ trương ngay từ đầu về việc xã hội hóa mạnh mẽ trong xây dựng cảng Liên Chiểu và đến nay, có nhiều doanh nghiệp mong muốn đầu tư vào đây. Thủ tướng đặt vấn đề với dự án này thì Nhà nước cần hỗ trợ gì để nhanh chóng đưa dự án vào triển khai theo quy định và giao TP. Đà Nẵng phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất các hỗ trợ cụ thể.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đồng chí lãnh đạo TP. Đà Nẵng. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Thủ tướng lưu ý công tác quy hoạch dự án phải làm bài bản, cập nhật thông tin mới nhất về phát triển cảng trên thế giới, tránh tư duy cũ, lạc hậu như việc chia các bến cảng quá nhỏ, khiến tàu lớn không thể cập cảng, do mỗi cảng có các chủ đầu tư khác nhau.

Nguồn: Chinhphu.vn