Ngày Hàng hải thế giới năm 2018 với chủ đề “Vận tải biển - Cơ hội và thách thức”

Ngày 27/09/2018
Chiều 27/9, Cục Hàng hải VN đã tổ chức Hội nghị kỷ niệm Ngày Hàng hải thế giới năm 2018 với chủ đề “Vận tải biển - Cơ hội và thách thức”.

Bà Trần Thị Tuyết Mai Anh, Trưởng Văn phòng IMO Việt Nam giới thiệu sơ lược về Ngày Hàng hải thế giới

Tại Hội nghị, bà Trần Thị Tuyết Mai Anh, Trưởng Văn phòng IMO Việt Nam đã giới thiệu sơ lược về Ngày Hàng hải thế giới - một ngày chính thức của Liên hợp quốc, được tổ chức hàng năm thường vào tuần cuối cùng của tháng 9. Đây là cơ hội để nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của vận tải biển an toàn, an ninh hàng hải, phòng ngừa ô nhiễm môi trường biển. Đồng thời, cũng là dịp để nhấn mạnh vai trò đặt biệt của Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO) đối với ngành vận tải biển trên toàn thế giới. Ngày Hàng hải thế giới lần đầu tiên được tổ chức vào 17/3/1978. Từ đó, mỗi năm, Ngày Hàng hải thế giới đều có chủ đề riêng, được xuyên suốt trong năm hoạt động của IMO.

Năm 2018 là năm đặc biệt, đánh dấu tròn 70 năm hình thành và phát triển của Tổ chức Hàng hải quốc tế. Chủ đề của Ngày Hàng hải thế giới năm nay là "70 năm IMO: Thành tựu IMO – Vận tải biển tốt hơn cho một Tương lai tốt hơn”.

Các đại biểu tham dự Hội nghị

“Chủ đề được chọn nhằm nhấn mạnh mối liên kết quan trọng giữa vận tải biển và xã hội toàn cầu, nâng cao nhận thức về vai trò cần thiết của IMO với tư cách là cơ quan đưa ra các quy định mang tính toàn cầu cho vận tải biển quốc tế. Tầm quan trọng của vận tải biển trong việc hỗ trợ và duy trì sự phát triển của thế giới hiện nay khiến công việc của IMO mang một ý nghĩa quan trọng vượt ra khỏi phạm vi ngành công nghiệp riêng có”, bà Mai Anh nói và cho biết thêm, 70 năm qua, IMO đã không ngừng phát triển với 174 quốc gia thành viên, 03 thành viên liên kết và xây dựng hơn 50 văn kiện là cơ sở để thực hiện sứ mệnh của mình - đó là thúc đẩy vận tải biển an toàn, an ninh, hiệu quả trên một đại dương sạch hướng tới phát triển bền vững trên toàn cầu.

Phó Cục trưởng Cục Hàng hải VN Bùi Thiên Thu nhận định 
những năm vừa qua, vận tải biển có nhiều biến động

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Cục trưởng Cục Hàng hải VN Bùi Thiên Thu cho biết, những năm vừa qua, vận tải biển có nhiều biến động. Theo chu kỳ, cứ 10 năm ngành vận tải biển sẽ có dấu hiệu phục hồi. Tuy nhiên, hiện tại, giá nguyên liệu vẫn cao, hàng hóa thấp, cung cầu cách biệt quá lớn dẫn đến giá cước sụt giảm, khó khăn cho các DN vận tải biển cả ở Việt Nam và thế giới.

“Riêng Việt Nam, mặc dù sở hữu khoảng 1.600 con tàu (đứng thứ 4 ASEAN và thứ 32 thế giới), tuy nhiên, đội tàu lại manh mún, nhỏ lẻ. Trong đó, tàu container với số lượng 40 chiếc chưa thể đáp ứng được nhu cầu vận chuyển các mặt hàng chuyên dụng”, ông Bùi Thiên Thu nói và cho biết, đội ngũ thuyền viên của Việt Nam cũng đang trong tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ”, và mức lương của thuyền viên cũng không cao nên không hấp dẫn được người lao động gắn bó với nghề.

Còn theo Trưởng phòng Vận tải và Dịch vụ Hàng hải Trịnh Thế Cường, khó khăn của ngành vận tải biển có tác động không nhỏ từ sự hạn chế trong việc kết hợp với các phương thức vận tải khác. “Hiện có 251/532 cầu và công trình vượt sông nằm trên các tuyến ĐTNĐ quốc gia có tĩnh không thuyền thấp hơn thông số kỹ thuật theo cấp quy hoạch đã được phê duyệt (>7m). Hạ tầng đường sắt lạc hậu, thiết kế của các toa tàu đã cũ, hạn chế năng lực vận chuyển. Đường bộ chiếm tỷ trọng vận tải lớn nhưng chi phí cao, chất lượng dịch vụ thấp, tiềm ẩn nguy cơ gây TNGT – đây là những yếu tố ảnh hưởng không nhỏ đến việc vận chuyển hàng hóa sau khi cập cảng”, ông Cường nói.

Để khắc phục tình trạng trên, theo ông Trịnh Thế Cướng các cơ quan liên quan cần nghiên cứu, đẩy mạnh triển khai một số tuyến kết nối kiểu mẫu có giá cước thấp, tiết kiệm thời gian như: tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng vận chuyển quặng apatit, xi măng; tuyến đường sắt vận tải container hoa quả lạnh Bắc - Nam; tuyến kết nối đường hàng hải với ĐTNĐ từ Quảng Ninh/Hải Phòng lên cảng Việt Trì (Phú Thọ),…

Còn ông Phạm Hải Bằng, Trưởng phòng thủ tục tàu biển (Cục Đăng kiểm VN) nhận định, thời gian tới, hoạt động của ngành vận tải biển thế giới sẽ ngày càng khó khăn khi Ủy ban BVMT biển (MEPC) của IMO đã quyết định giới hạn hàm lượng lưu huỳnh trong nhiên liệu tàu biển 0,5% sẽ có hiệu lực áp dụng từ ngày 01/01/2020 (giới hạn hiện tại là 3,5%). Theo thống kê, sẽ có khoảng 70.000 tàu biển bị ảnh hưởng, tác động khi quy định này có hiệu lực.

“Hiện Trung Quốc đang bắt đầu yêu cầu hàm lượng lưu huỳnh tối đa 0,5% trong nhiên liệu khi tàu hoạt động trong cảng của các vùng biển Hồng Kông/Quảng Châu, Thượng Hải và dần sẽ mở rộng áp dụng trong các vùng biển từ năm 2019. Gần đây nhất, Đài Loan cũng đã đưa ra quy định về hàm lượng lưu huỳnh trong nhiên liệu không vượt quá 0,5% từ ngày 01/01/2019 tại 7 cảng biển thương mại”, ông Phạm Hải Bằng nói và cho biết thêm, khi quy định được áp dụng, các tàu vào các vùng cảng trên sẽ phải thay đổi nhiên liệu có hàm lượng lưu huỳnh 3,5% sang nhiên liệu có hàm lượng lưu huỳnh 0,5%.

“Sự thay đổi đó không chỉ làm phát sinh chi phí mà còn ảnh hưởng đến chất lượng máy móc của tàu (do nhiên liệu hàm lượng lưu huỳnh càng thấp, độ bào mòn máy móc càng cao)”. Vì vậy, thời gian tới đây, các DN vận tải biển tuyến quốc tế cần cân nhắc lựa chọn kiểu tàu, kích cỡ tàu và mô hình khai thác để đảm bảo doanh thu, lợi nhuận, hạn chế rủi ro từ quy định của IMO.

Ngoài ra, Hội nghị cũng đã được nghe một số tham luận về: Một số vấn đề của ngành vận tải biển Việt Nam hiện nay; Nhân lực cho ngành hàng hải - Thách thức và giải pháp…

H.N

EMC Đã kết nối EMC