Không ưu ái VNA ở sân bay Long Thành

Ngày 25/10/2018
Ngày 24/10, ông Võ Huy Cường, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam - Bộ Giao thông vận tải (GTVT), cho biết ngày 23/10, Cục Hàng không đã họp lấy ý kiến của các hãng hàng không về đề xuất Vietnam Airlines (VNA) sẽ là hãng hàng không nội duy nhất khai thác sân bay Long Thành.

Bốn lần họp lấy ý kiến

Theo ông Cường, đây là lần thứ 4 có cuộc họp xin ý kiến các hãng hàng không về nội dung này.

Trước đó, tại cuộc họp báo về dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành (sân bay Long Thành, thuộc tỉnh Đồng Nai), hôm 19/10, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ đã công bố thông tin đáng chú ý về việc phân chia khai thác giữa sân bay Long Thành và sân bay Tân Sơn Nhất (TP HCM). Cụ thể, cơ quan tư vấn JFV khuyến nghị sân bay Long Thành sẽ đảm nhiệm 85% chuyến bay quốc tế (gồm các chuyến bay quốc tế của VNA và các hãng hàng không nước ngoài) và 12% chuyến bay quốc nội của VNA (đường bay TP HCM - Hà Nội và TP HCM - Đà Nẵng). Các hãng hàng không khác trong nước như: Vietjet Air, Jetstar Pacific, Bamboo Airways (nếu có), Vasco sẽ chỉ khai thác ở sân bay Tân Sơn Nhất.

Về vấn đề này, Chánh Văn phòng Ban Quản lý dự án Long Thành (Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam - ACV) Nguyễn Khắc Phong xác nhận Cục Hàng không Việt Nam và ACV đã lấy ý kiến các hãng hàng không trước khi hoàn chỉnh lại báo cáo.

Sân bay Long Thành cách TP HCM 40 km, được đầu tư xây dựng trên tổng diện tích 5.000 ha tại huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai với công suất dự kiến 100 triệu hành khách/năm và 5 triệu tấn hàng hóa/năm. Tổng mức đầu tư là 336.630 tỉ đồng. Việc xây dựng sân bay Long Thành nhằm một phần giảm tải cho sân bay Tân Sơn Nhất.

Theo kế hoạch, đến tháng 10/2019 sẽ trình Quốc hội thông qua Dự án. Sau đó, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Dự án vào tháng 12/2019.

Theo số liệu của Cục Hàng không Việt Nam, đến nửa đầu năm 2018, thị trường vận tải hàng không Việt Nam có sự tham gia khai thác của 71 hãng hàng không nước ngoài. Tại thị trường nội địa, 4 hãng hàng không Việt Nam là VNA, Vietjet, Jetstar Pacific và Vasco đang khai thác 47 đường bay nội địa tới 18 sân bay địa phương.


Hành khách đi các chuyến bay trong nước tại sân bay Tân Sơn Nhất sẽ thuận lợi hơn so với sân bay Long Thành

Không có chuyện chặn các hãng khác

Trước đề xuất của tư vấn JFV, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, một chuyên gia cho rằng "một mình một chợ" trong trường hợp này chưa hẳn là được ưu ái. Khi chuyển khai thác sang một sân bay mới, nghĩa là hãng hàng không phải đưa cả hệ thống nhân sự, bảo dưỡng, kỹ sư, kỹ thuật… túc trực. Trong khi đó, so với sân bay Tân Sơn Nhất, sân bay Long Thành ở xa trung tâm hơn, giao thông kết nối chưa hoàn thiện, khó khăn về phương tiện di chuyển, thói quen đi lại của hành khách…

Một lãnh đạo của VNA nhận định việc sẽ là hãng hàng không duy nhất trong nước khai thác đường bay quốc tế và quốc nội tại sân bay Long Thành không phải là quan điểm của hãng, khó có chuyện cấm hoặc chặn các hãng khác cùng khai thác.

Thời gian qua, sân bay Long Thành được đánh giá là một trong những sân bay quan trọng của Việt Nam nên được tập trung nhiều nguồn lực. Định hướng đưa sân bay Long Thành trở thành sân bay quốc tế mang tầm khu vực, đồng nghĩa hãng hàng không quốc gia là VNA sẽ phải đồng hành, có trách nhiệm thực hiện các đường bay trong nước và quốc tế. Thực tế, sân bay Long Thành sẽ khai thác các đường bay quốc tế và một số đường bay nội địa kết nối với quốc tế (nối chuyến). Riêng những đường bay quốc nội sẽ thực hiện ở sân bay Tân Sơn Nhất, khi sân bay này còn hoạt động và thực tế nhu cầu của khách trong nước bay nội địa ở Tân Sơn Nhất cũng thuận tiện hơn nhiều.

Hàng không có một lĩnh vực đặc thù, để khai thác được đường bay không chỉ cần máy bay mà cả đội ngũ kỹ thuật, cơ sở hạ tầng đến tiếp viên, phi công, bảo dưỡng... Muốn thu hút hành khách thì cơ sở hạ tầng giao thông kết nối giữa sân bay Long Thành và TP HCM phải tốt để thu hút hành khách. Do đó, đại diện một hãng hàng không khác nhìn nhận việc đề xuất VNA là đơn vị duy nhất khai thác các đường bay quốc tế và quốc nội ở sân bay Long Thành có thể thực hiện trong thời gian đầu, khi sân bay chưa có lượng khách đủ lớn và hãng hàng không quốc gia phải "gánh", giống như "bay mở đường".

Theo ông Võ Huy Cường, Cục Hàng không đang tổng hợp ý kiến các hãng và dự kiến sẽ báo cáo Bộ GTVT trong tuần này để đầu tuần sau, Bộ có văn bản gửi đơn vị tư vấn nghiên cứu. Trên cơ sở ý kiến đó, đơn vị tư vấn sẽ nghiên cứu, báo cáo lại và sau đó mới đi đến quyết định.

"Các hãng hàng không đều đã nghiên cứu và có ý kiến. Mỗi hãng có một nhu cầu riêng, quản lý nhà nước và đơn vị tư vấn phải xem xét đánh giá và chọn một phương án tối ưu" - ông Cường cho biết.

“Không phải hãng hàng không nào cũng mặn mà với sân bay Long Thành bởi với các đối tượng hành khách bay giá rẻ, xuất phát từ Tân Sơn Nhất tới các điểm đến trong nước sẽ thuận tiện, tiết kiệm thời gian hơn so với việc phải xuống sân bay Long Thành” - đại diện một hãng hàng không nhận xét. 

Nguồn: Báo Người lao động