Camera giám sát giao thông - Công cụ hữu hiệu để giảm thiểu tan nạn giao thông

Ngày 01/11/2018
Với số lượng phương tiện tham gia giao thông ngày càng gia tăng, thách thức đặt ra cho tỉnh Bình Thuận trong việc giảm thiểu tai nạn giao thông trên cả 3 tiêu chí là không hề nhỏ. Để giải quyết thách thức này, địa phương cần có những "công cụ" hỗ trở hiệu quả. Camera giám sát giao thông chính là một trong số những công cụ ấy.

Tai nạn giao thông – bài toán nan giải

Hoạt động giao thông đường bộ luôn tiềm ẩn những rủi ro nhất định đối với con người, đặc biệt là tai nạn giao thông. Theo báo cáo của Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, trong 9 tháng đầu năm, toàn quốc xảy ra 13.242 vụ tai nạn giao thông, làm chết 6.012 người, bị thương 10.319 người. 

Chỉ tính riêng trong tháng 9, toàn quốc đã xảy ra 1.460 vụ tai nạn giao thông, làm chết 646 người và làm bị thương 1.119 người. Trong đó, tai nạn giao thông từ ít nghiêm trọng trở lên xảy ra 756 vụ, làm chết 646 người, bị thương 421 người. Số liệu trên cho thấy có sự gia tăng cả về số vụ tai nạn trên toàn quốc lẫn số người chết so với cùng kỳ năm trước, cụ thể tăng 53 vụ (tăng 7,3%), tăng 26 người chết (tăng 4,19%), tăng 32 người bị thương (tăng 8,2%).

Riêng địa bàn tỉnh Bình Thuận, số liệu thống kê 9 tháng năm 2018 (từ ngày 16/12/2017 đến ngày 15/9/2018) toàn tỉnh xảy ra 302 vụ, làm chết 165 người, làm bị thương 218 người. So với cùng kỳ năm 2017, giảm 53 vụ (-14,9%), giảm 57 người bị thương (-20,7%), số người chết không tăng, không giảm (0,0%). Trong đó, xảy ra 300 vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm chết 165 người, làm bị thương 217 người. So với cùng kỳ năm 2017, giảm 54 vụ (-15,3%), tăng 01 người chết (0,6%), giảm 58 người bị thương (-21,1). Số liệu tại địa phương ghi nhận sự giảm cả về số vụ lẫn người chết do tai nạn giao thông; tuy nhiên, những con số trên vẫn đặt ra một thách thức không nhỏ cho các đơn vị có liên quan trong việc làm giảm thiểu tai nạn giao thông và số lượng thương vong trên địa bàn tỉnh.

Thiếu ý thức chấp hành luật lệ an toàn giao thông

Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh Bình Thuận, các nguyên nhân trực tiếp dẫn tới tai nạn giao thông đường bộ bao gồm vi phạm quy trình thao tác lái xe, đi không đúng phần đường, làn đường, chuyển hướng sai quy định, không nhường đường, vi phạm tốc độ, lái xe đã uống rượu bia, vượt xe không đúng quy định, tránh xe,… Và người gây tai nạn giao thông hầu hết là nam giới (277/300 vụ, chiếm 92,3%).

“Một ý thức giao thông – triệu nụ cười hạnh phúc"

Hơn một nửa số vụ tai nạn toàn tỉnh do người tham gia giao thông từ 27 tuổi đến dưới 55 tuổi gây ra (160 vụ/300 vụ, chiếm 53,3%). Bên cạnh nhiều địa bàn được ghi nhận giảm số vụ tai nạn giao thông thì vẫn còn một số địa phương bao gồm: Tuy Phong, Phan Thiết, Hàm Tân, Đức Linh có số người chết tăng cao từ 31,6% đến 71,4%, đi kèm với đó là nhiều “điểm đen” giao thông cần được khắc phục kịp thời.

Nhìn chung, tình trạng vi phạm giao thông đường bộ của người tham gia giao thông vẫn còn diễn ra thường xuyên trên địa bàn tỉnh. Với cách nghĩ “học chỉ để lấy bằng lái” đã dẫn đến thực trạng nhiều người điều khiển phương tiện giao thông hiện nay chưa coi trọng việc học luật lệ giao thông một cách nghiêm túc. Nhiều trường hợp khi có bằng lái chưa thể lái tốt, điều khiển chưa thành thạo và không nắm rõ luật lệ giao thông, gây nguy hiểm cho bản thân và người tham gia giao thông trên đường.

Với ý thức chấp hành luật giao thông không cao như vậy, tại các điểm, nút giao thông trên đường, nơi không có cảnh sát giao thông, đặc biệt là các khu vực ngoại thành, liên tỉnh, liên huyện, liên xã, người điều khiển phương tiện thường vi phạm các lỗi như: lái xe đi không đúng phần đường, làn đường; không nhường đường, chuyển hướng, chạy quá tốc độ, không đội mũ bảo hiểm, vượt đèn đỏ;,đi ngược chiều, qua đường không quan sát, trèo qua dải phân cách trên tuyến Quốc lộ 1A dừng đỗ xe không đúng nơi quy định…– đây là những nguyên nhân chủ yếu gây ra tai nạn.

Vào bất kỳ thời điểm nào trong ngày, rất dễ dàng bắt gặp thực trạng hành vi vi phạm luật lệ giao thông xảy ra với mọi tầng lớp, mọi lứa tuổi. Đây là một thực trạng nhức nhối trên địa bàn tỉnh hiện nay.

Camera giao thông giúp giải quyết bài toán ý thức giao thông

Camera giám sát giao thông là một trong những thiết bị theo dõi hoạt động của các phương tiện giao thông trên đường phố đã được áp dụng tại nhiều tỉnh thành trên toàn quốc. Và đây được xem là một giải pháp hữu hiệu nhằm ghi lại hình ảnh của các phương tiện vi phạm giao thông để tiến hành phạt nguội. Với mục đích như vậy, hệ thống camera giám sát giao thông được đặt tại các tuyến đường chính hay những điểm nóng giao thông trên địa bàn tỉnh.

Sau gần 3 tháng triển khai thi công, hệ thống camera giao thông trên địa bàn thành phố Phan Thiết đã cơ bản hoàn thành 10 vị trí lắp đặt và dự kiến đầu tháng 11 sẽ chính thức đi vào hoạt động. Hiện hệ thống này đang được tiến hành chạy thử nghiệm. Hệ thống camera có tổng kinh phí đầu tư khoảng 18 tỷ đồng được trích từ nguồn kinh phí thu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa trên địa bàn tỉnh những năm trước.

Đường Hùng Vương – môt trong những tuyến đường nội ô thành phố Phan Thiết 
được lắp đặt hệ thống camera giám sát tốc độ

Hệ thống trên bao gồm 4 vị trí camera giám sát tốc độ, đặt trên đường Võ Văn Kiệt và đường Hùng Vương và 6 vị trí camera ghi nhận tình trạng không chấp hành tín hiệu đèn giao thông được đặt tại ngã tư Trần Hưng Đạo – Thủ Khoa Huân, Trần Hưng Đạo – Cao Thắng, Thủ Khoa Huân – Tôn Đức Thắng. Phòng Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh) có trách nhiệm quản lý Trung tâm điều hành được đặt tại đây.

Được biết, hệ thống camera giám sát bao gồm các sản phẩm chuyên dụng được thiết kế và sử dụng với tính năng đặc biệt dùng cho ngoài trời, có khả năng chịu nhiệt, chịu ẩm cao và chống va đập. Hình ảnh với chất lượng rõ nét, có thể quay quét, phóng to biển số và người rõ ràng bất kể ban ngày hay ban đêm, camera giao thông giúp cho việc giám sát của các bộ phận có liên quan đạt hiệu quả cao. Như vậy, mỗi khi có phương tiện vi phạm, mắt camera sẽ tự động quét hình ảnh, đồng thời phần mềm sẽ xử lý, cập nhật, lưu trữ và báo về trung tâm điều hành. Từ Trung tâm có thể quan sát mọi hoạt động giao thông diễn ra trên các tuyến đường qua một bảng điện tử ngay vài phút sau đó, cũng như sự phân luồng giao thông trên các tuyến đường.

Hệ thống camera giám sát tốc độ trên đường Võ Văn Kiệt

Ngoài việc phát hiện vi phạm giao thông, hệ thống camera giám sát còn ghi nhận các vụ việc gây mất an ninh trật tự trên địa bàn, phục vụ cho công tác phòng chống tội phạm của cơ quan chức năng.

Thông qua việc giám sát giao thông bằng camera, ý thức người tham gia giao thông sẽ được nâng lên rõ rệt bởi bất cứ lúc nào người dân vi phạm cũng đều có thể bị lập biên bản và gửi về tận nhà, do đó người dân sẽ không phóng nhanh, vượt ẩu cũng như vi phạm các lỗi giao thông khác./.

Nguồn: Cổng TTĐT Bình Thuận