Cao tốc Nội Bài – Lào Cai: Hiệu quả ngày càng lan tỏa

Ngày 12/11/2018
Sáng 08/11, tại buổi làm việc với Đoàn công tác Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), do ngài Stephen Groff - Phó Chủ tịch dẫn đầu, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) Nguyễn Văn Nhi và một số doanh nghiệp, đơn vị trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã nêu bật vai trò quan trọng cũng như hiệu quả kinh tế-xã hội của tuyến cao tốc Nội Bài – Lào Cai.

Theo đó, tuyến cao tốc Nội Bài – Lào Cai đã đáp ứng tiêu chí kết nối các vùng kinh tế trong nước và kết nối quốc tế, bởi đây là một trong những tuyến đường hợp tác phát triển tiểu vùng sông Mekong mở rộng, góp phần thực hiện thành công chiến lược “hai hành lang, một vành đai kinh tế”; là tuyến vận tải quốc tế ngắn nhất từ các cảng biển Việt Nam đến vùng Vân Nam (Trung Quốc), đồng thời là tuyến kết nối Trung Quốc với các nước ASEAN trong thời gian tới.

Đối với Việt Nam, cao tốc Nội Bài – Lào Cai không chỉ kết nối các vùng kinh tế khó khăn, chậm phát triển của 5 địa phương dọc tuyến với các vùng kinh tế năng động, mà Nội Bài – Lào Cai còn là tuyến “kinh tế xương sống” cho cả khu vực Tây Bắc. Biểu hiện rõ nét nhất là hiện Chính phủ Việt Nam đang nghiên cứu kết nối cao tốc Nội Bài – Lào Cai với tỉnh Lai Châu, Điện Biên (qua nút giao IC16), kết nối với tỉnh Hà Giang (qua nút giao IC12), kết nối với Tuyên Quang, Phú Thọ (qua nút giao IC10). Hiện một số địa phương đã chủ động xin chủ trương và tự bỏ kinh phí đầu tư thêm nút giao để kết nối với đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai (nút giao Phố Lu, IC13, IC15…) nhằm tạo hạ tầng cơ sở thuận tiện cho giao thương phát triển.

Phó Tổng giám đốc VEC Nguyễn Văn Nhi và các thành viên tham dự buổi làm việc

Theo Phó Tổng giám đốc VEC Nguyễn Văn Nhi, không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế một cách rõ rệt, tuyến cao tốc Nội Bài – Lào Cai khi đưa vào khai thác còn giúp giảm sự cố và tai nạn giao thông trên các tuyến tỉnh lộ và quốc lộ lân cận đường cao tốc

Phó Tổng giám đốc Nguyễn Văn Nhi phấn khởi thông báo thêm với đoàn ADB: Cuối năm 2015 (tức chỉ sau hơn 1 năm đưa cao tốc Nội Bài – Lào Cai vào khai thác), tại buổi làm việc với Bộ trưởng GTVT, Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai Nguyễn Văn Vịnh đã thông báo với Bộ trưởng một thông tin ấn tượng: Năm 2015, nhờ có tuyến cao tốc Nội Bài – Lào Cai, GDP của Tỉnh đã tăng trưởng 3.500 tỷ đồng. Không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế một cách rõ rệt, việc đưa tuyến cao tốc Nội Bài – Lào Cai vào khai thác còn giảm bớt áp lực, góp phần giảm thiểu ách tắc và tai nạn giao thông trên các tuyến Quốc lộ 2, Quốc lộ 2B, Quốc lộ 32C, Quốc lộ 4E và Quốc lộ 70. Đặc biệt, sau khi tuyến cao tốc Nội Bài – Lào Cai được mở ra, đã giúp giảm 85% số vụ tai nạn trên các tỉnh lộ và 95% số vụ tai nạn dẫn đến tử vong trên các tỉnh lộ và quốc lộ lân cận đường cao tốc. Không chỉ Lào Cai, Yên Bái và Phú Thọ cũng là 2 địa phương được hưởng lợi nhiều nhất từ khi đưa vào vận hành tuyến cao tốc Nội Bài – Lào Cai, đặc biệt các địa phương đã có sự tăng trưởng đột phá trong kêu gọi đầu tư trong nước và nước ngoài.

Hiệu quả kinh tế-xã hội to lớn như vậy, nhưng theo Phó Tổng giám đốc Nguyễn Văn Nhi, lưu lượng cao nhất hiện tại của tuyến mới chỉ đạt 16.000 CPU/ngày đêm, chưa đáp ứng được kỳ vọng theo phương án tài chính để đảm bảo khả năng hoàn vốn Dự án. Hy vọng, khi hoàn thành các đường địa phương kết nối với cao tốc Nội Bài – Lào Cai, lưu lượng sẽ tăng 2 lần so với lưu lượng hiện tại.

Liên quan đến chi phí thường xuyên cho công tác vận hành khai thác cao tốc Nội Bài – Lào Cai, Phó Tổng giám đốc cho biết, những năm đầu chi phí O&M của tuyến đường chiếm khoảng 7% tổng nguồn thu, nhưng những năm sau tỷ lệ này tăng dần lên do VEC thực hiện công tác duy tu tuyến.

Trước câu hỏi của đại diện ADB: “Khi chưa thực hiện công tác duy tu, bảo dưỡng, nguồn thu từ Dự án nếu dư ra sẽ sử dụng thế nào?”, Phó Tổng giám đốc Nguyễn Văn Nhi lý giải, theo phương án tài chính 5 dự án do VEC là Chủ đầu tư (được phê duyệt tại Quyết định số 3789/QĐ-BGTVT ngày 23/11/2016 của Bộ GTVT), VEC được phép hòa chung dòng tiền 5 dự án để đảm bảo kế hoạch trả nợ cho các nhà tài trợ cũng như đảm bảo tính ổn định của dòng tiền, có lợi nhuận…

Phó Chủ tịch Stephen Groff và Giám đốc Quốc gia của ADB tại Việt Nam Eric Sidgwick

đặt nhiều câu hỏi liên quan đến tính hiệu quả của tuyến cao tốc Nội Bài – Lào Cai

Tại buổi làm việc, Phó Trưởng ban Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh Lào Cai Nguyễn Bá Trụ nêu bật tính hiệu quả của cao tốc Nội – Lào Cai. Theo ông Trụ, Lào Cai là địa phương được hưởng lợi nhiều nhất kể từ khi tuyến cao tốc Nội Bài – Lào Cai được mở ra. Cụ thể, kim ngạch XNK tỉnh Lào Cai trước năm 2014 chỉ đạt 1 tỷ USD, từ năm 2015 đến nay kim ngạch tăng bình quân 20%/năm, đặc biệt năm 2018 dự kiến kim ngạch tăng gấp 3 lần so với 2013 (đạt 3 tỷ USD); năm 2013, địa phương mới chỉ xuất nhập 1,5 triệu tấn, năm 2018 con số này dự kiến lên đến 7 triệu tấn; lượng khách du lịch đến Lào Cai từ 700.000 lượt/năm (năm 2013) sẽ đạt 4,5 triệu lượt (năm 2018)… Các khu công nghiệp, khu kinh tế của địa phương đã được “lấp đầy” bởi các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

“Từ khi có tuyến cao tốc Nội Bài – Lào Cai, các phương tiện và hành khách đã chuyển đi bằng tàu hỏa sang đi bằng đường cao tốc…” – Ông Trụ nói thêm.

Là một doanh nghiệp vận tải chiếm 60-70% thị phần vận tải khách trên địa bàn tỉnh Lào Cai, Công ty TNHH Vận tải Hà Sơn Hải Vân đánh giá tiện ích của đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai là kéo giảm thời gian hành trình xuống còn một nửa khi đi từ Hà Nội lên Lào Cai; nhiên liệu giảm 30%, chi phí sửa chữa giảm 10 – 15%, tỷ lệ tai nạn giao thông, va chạm phương tiện giảm 70%; có 90% khách hàng thích di chuyển trên đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai so với di chuyển trên đường cũ. Sau khi có tuyến cao tốc Nội Bài – Lào Cai, đội xe vận chuyển khách của Công ty đã tăng từ 20 xe lên 70 xe nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân các địa phương…

Tại buổi làm việc, đại diện Công ty đã kiến nghị ADB xem xét hỗ trợ mở rộng đoạn Yên Bái – Lào Cai lên 4 làn xe chạy do lưu lượng cuối tuần trên tuyến lớn. Kiến nghị này cũng là ý kiến của Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Lào Cai.

Đại diện cho các doanh nghiệp XNK tại địa phương, Giám đốc Công ty Nghĩa Anh (Lào Cai) cho rằng Trung Quốc là thị trường lớn, là “chợ” của thế giới, cao tốc Nội Bài – Lào Cai chính là cầu nối hàng hóa ASEAN với Trung Quốc bởi đáp ứng tiêu chí rút ngắn thời gian hàng hóa lưu thông trên đường và giảm giá thành vận chuyển…

Vấn đề nâng cấp, mở rộng khổ đường sắt Yên Viên – Lào Cai phù hợp khổ đường sắt quốc tế Côn Minh (Trung Quốc) cũng được các doanh nghiệp đề cập với đại diện ADB.

Sau buổi làm việc, đoàn công tác ADB đã có chuyến thị sát tìm hiểu tác động của Dự án đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai nói chung và tác động của chương trình phục hồi thu nhập nói riêng đối với các hộ dân thôn Ái Vân, xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc – một trong những địa phương chịu ảnh hưởng bởi Dự án.

Tại gia đình anh Nguyễn Văn Tú (thôn Ái Vân, xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc – một trong những địa phương chịu ảnh hưởng bởi Dự án) – một trong những hộ đã tham gia chương trình phục hồi thu nhập thông qua mô hình chăn nuôi lợn nái, đại diện chính quyền địa phương cho biết: Dự án đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai đi qua 5 huyện tỉnh Vĩnh Phúc với chiều dài 41km. Có 2.330 hộ trong tỉnh được duyệt tham gia chương trình phục hồi thu nhập của ADB và được hỗ trợ. Tham gia chương trình, mỗi hộ được cấp 2 con lợn nái, sau khi chăn nuôi thấy hiệu quả, các hộ đã giữ lại lợn con và hiện tại đàn lợn của các hộ gia đình có 4 - 5 con lợn nái, 20 - 30 con lợn thịt. Theo đánh giá của đại diện chính quyền, các hộ sau khi tham gia chương trình đã phát huy rất tốt hiệu quả, cuộc sống được đảm bảo và cải thiện sau khi nhường đất cho dự án. Chính quyền cũng đề nghị ADB tiếp tục hỗ trợ các hộ dân chịu ảnh hưởng bởi dự án với hình thức sát thực hơn.

Trong không khí chân tình, cởi mở, anh Nguyễn Văn Tú thông tin, khi xây dựng Dự án đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai, tuy bị mất ít ruộng để nhường đất cho Dự án, nhưng kinh tế các hộ trong làng đã phát triển hơn 80% do việc lưu thông, vận chuyển hàng hóa được thuận tiện hơn. Có đường cao tốc, các khu công nghiệp, khu kinh tế mở ra, nhiều nhà máy hình thành đã tạo công ăn việc làm cho người dân trong làng, nhất là phụ nữ. Các loại hình dịch vụ theo đó cũng phát triển. “Nếu không có đường cao tốc sẽ không có các công ty, nhà máy, làng xã và các hộ gia đình không thể phát triển như bây giờ” - Bà Nguyễn Thị Hòa, một người dân tại xã Sơn Lôi phấn khởi cho hay.

Phó Chủ tịch Stephen Groff và Giám đốc Quốc gia của ADB tại Việt Nam Eric Sidgwick tham quan mô hình

chăn nuôi lợn của gia đình anh Nguyễn Văn Tú (thôn Ái Vân, xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc)

Đoàn công tác ADB cũng đã tham quan mô hình chăn nuôi lợn của gia đình anh Nguyễn Văn Tú và hỏi thăm đời sống các hộ dân tham gia chương trình phục hồi thu nhập của ADB. Chia tay, đoàn công tác ADB cảm ơn các hộ gia đình đã giành thời gian đón tiếp.

P.V