Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể "thúc" tiến độ nhiều dự án quan trọng tại Hà Nội, Hưng Yên

Ngày 27/11/2018
Hôm nay, 27/11, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, Thứ trưởng Nguyễn Văn Công cùng Đoàn công tác Bộ GTVT đã thị sát, kiểm tra tiến độ thi công các dự án giao thông trọng điểm tại Hà Nội và Hà Nam, Hưng Yên như Dự án Mai Dịch - Nam Thăng Long; Pháp Vân - Cầu Giẽ; Dự án tuyến đường bộ nối đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng với cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình.

Chậm nhất tháng 9/2020 đưa vào khai thác Dự án Mai Dịch – Nam Thăng Long

Báo cáo tại công trường, Giám đốc Ban QLDA Thăng Long Dương Viết Roãn(đại diện chủ đầu tư) cho biết, tiến độ thi công hai gói thầu của Dự án đang đảm bảo theo tiến độ yêu cầu. Trong đó, gói thầu số 1 do Liên danh Cienco4 - Sumitomo là nhà thầu đã thi công được 162/596 cọc khoan nhồi, 10/61 bệ trụ, 7/61 thân trụ,… Tương tự, gói thầu số 2 của Liên danh Tokyu - Taisei đã thi công cọc khoan nhồi được 267/564 cọc, thi công chế tạo được dầm Super-T đạt 44/568 phiến, 6/59 bệ thân trụ và 6/59 thân trụ.


Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, Thứ trưởng Nguyễn Văn Công và đoàn công tác
nghe Giám đốc Ban QLDA Thăng Long Dương Viết Roãn báo cáo tại Dự án Mai Dịch - Nam Thăng Long

Theo Giám đốc Dương Viết Roãn, tiến độ thi công của hai gói thầu đều đảm bảo, tuy nhiên Dự án còn vướng nhất là thiếu công địa thi công.

“Theo tiến độ thi công hiện tại, chỉ một tháng nữa là không đủ công địa để thi công trong khi nhân lực, máy móc, thiết bị, tiền vốn không thiếu. Nếu Hà Nội không hỗ trợ thì tình trạng cả bộ máy chờ công địa là rất dễ xảy ra”, ông Dương Viết Roãn nhấn mạnh.

Cũng theo ông Roãn, công trình cầu cạn Mai Dịch - Nam Thăng Long không yêu cầu GPMB, tuy nhiên hiện nay, UBND TP.Hà Nội cũng đang đầu tư xây dựng Dự án mở rộng đường Vành đai 3 đi dưới thấp đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long do Ban QLDA Đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.Hà Nội quản lý dẫn tới hai dự án có sự chồng lấn về công địa thi công.

“Đến thời điểm này, Dự án cầu cạn Mai Dịch mới tiếp nhận được bằng bằng thi công được 4.489/5.367m, còn lại khoảng 800m mặt bằng chưa được tiếp nhận, tập trung chủ yếu tại gói thầu số 1”, ông Dương Viết Roãn cho biết thêm.

Chỉ đạo tại hiện trường, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể  ghi nhận sự nỗ lực của đại diện chủ đầu tư và các đơn vị liên quan.

“Tuy nhiên, Ban QLDA Thăng Long phải tiếp tục chỉ đạo quyết liệt các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công, sớm đưa công trình vào khai thác, sử dụng”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu.

Song song với đó, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cũng đề nghị TP.Hà Nội chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan khẩn trương bàn giao 800m mặt bằng phục vụ thi công Dự án cầu cạn Mai Dịch - Nam Thăng Long, chậm nhất đến 31/12 hoàn thành công tác bàn giao mặt bằng.

Nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của Dự án trong việc xóa bỏ điểm đen ùn tắc cửa ngõ phía Bắc Thủ đô, đồng thời, tăng cường năng lực kết nối giao thông từ nội đô đi sân bay Nội Bài và liên kết với các khu công nghiệp lớn của TP.Hà Nội, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu tiếp tục đẩy nhanh thi công những khu vực đủ mặt bằng để công trình về đích đúng và vượt tiến độ. Chậm nhất tháng 9/2020 sẽ phải hoàn thành, đưa Dự án vào khai thác.


Lãnh đạo Bộ thị sát tuyến Mai Dịch - Nam Thăng Long

“Mặc dù vậy, chất lượng công trình phải đặt lên hàng đầu, không để bất cứ lý do gì làm ảnh hưởng đến chất lượng của Dự án”, Bộ trưởng yêu cầu đồng thời nhất mạnh thêm, sau ngày 31/12, các đoạn tuyến còn lại tiếp tục không được bàn giao công địa, đề nghị TP.Hà Nội chỉ đạo cơ quan liên quan bàn giao nguyên trạng mặt bằng để Ban QLDA Thăng Long triển khai thi công trước phần cầu cạn Mai Dịch - Nam Thăng Long, sau đó sẽ hoàn trả lại cho Ban QLDA Đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.Hà Nội thi công phần mở rộng đường Vành đai 3 bên dưới.

Dự án xây dựng đường trên cao (cầu cạn) đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc kết nối trung tâm TP.Hà Nội với sân bay Nội Bài và các tỉnh khu vực phía Bắc. Sau hơn 5 tháng  khởi công, dự án trọng điểm có tổng vốn đầu tư hơn 5.343 tỷ đồng (vốn ODA Nhật Bản và vối đối ứng trong nước) đạt được nhiều kết quả khả quan về tiến độ thi công.

Cũng trong chuyến công tác ngày 27/11, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể và Thứ trưởng Nguyễn Văn Công và Đoàn công tác của Bộ đã kiểm tra tình hình thi công các gói thầu tại Dự án đầu tư nâng cấp tuyến đường Pháp Vân – Cầu Giẽ theo hình thức BOT (Giai đoạn 2).

Báo cáo Lãnh đạo Bộ GTVT và Đoàn công tác, lãnh đạo Công ty Cổ phần BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ cho biết, đơn vị này đã phối hợp tích cực với các cơ quan tham mưu của Bộ GTVT và địa phương để giải quyết các vấn đề tồn tại của Dự án mà Lãnh đạo Bộ đã chỉ ra và yêu cầu khắc phục trước đó. “Hiện đã hoàn thành công tác GPMB trên tuyến chính; mặt bằng đường gom cũng sẽ được bàn giao trước 30/12/2019”, đại diện BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ cho biết.

Về thi công mở rộng tuyến chính, đại diện đơn vị này khẳng định, hiện Dự án đã mở rộng xong 55,7/57,9km đạt 96%. Trên tuyến chính còn 7 điểm đang triển khai thi công, toàn bộ phần khối lượng sẽ hoàn thành trước 30/12/2018.

“Nhà đầu tư cũng đã xử lý lún đồng loạt tất cả các vị trí cống, phấn đấu hoàn thàn toàn bộ hệ thống ATGT trước 20/1/2019”, đại diện BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ cho biết.

Tại Dự án, Bộ trưởng chỉ đạo các cơ quan liên quan đánh giá lại các hạng mục Dự án hoàn thành theo yêu cầu của lãnh đạo Bộ GTVT. Bộ trưởng cũng yêu cầu nhà đầu tư sớm triển khai hệ thống ITS trên dự án và phối hợp với các cơ quan của Bộ hoàn thiện hệ thống báo hiệu ATGT, đảm bảo an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông.

Cầu Hưng Hà và đường nối cao tốc Hà Nội – Hải Phòng với Cầu Giẽ - Ninh Bình vượt tiến độ 6 tháng

Chiều cùng ngày (27/11), Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, Thứ trưởng Nguyễn Văn Công tiếp tục thị sát công trường xây dựng cầu Hưng Hà và Dự án tuyến đường bộ nối đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng với cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình.


Đoàn công tác nghe báo cáo tiến độ cầu Hưng Hà và đường nối 2 đầu cầu

Báo cáo tình hình thực hiện Dự án, Phó giám đốc Ban QLDA Thăng Long Nguyễn Xuân Lâm –cho biết, cầu Hưng Hà vượt sông Hồng và đường dẫn hai đầu cầu nối hai tỉnh Hà Nam – Hưng Yên (TMĐT: 2.871,5 tỷ đồng, sử dụng vốn EDCF và vốn đối ứng trong nước) được khởi công tháng 5/2016, theo hợp đồng Dự án sẽ hoàn thành vào tháng 5/2019. Tuy nhiên, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ GTVT, Ban QLDA Thăng Long, các nhà thầu thi công đã hoàn thành phần cầu chính vào tháng 5/2018 và đường dẫn hai đầu cầu trong tháng 11/2018, vượt tiến độ theo yêu cầu hợp đồng khoảng 6 tháng.

Đại diện Ban QLDA Thăng Long cũng báo cáo, UBND tỉnh Hưng Yên đã có văn bản kiến nghị Bộ GTVT sử dụng vốn dư của Dự án cầu Hưng Hà để đầu tư, điều chỉnh phương án thi công từ nút giao bằng sang nút giao khác mức (cầu vượt) tại nút giao Dự án cầu Hưng Hà với QL39. Trên cơ sở đó, đại diện Ban QLDA Thăng Long kiến nghị Bộ GTVT sớm báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép sử dụng vốn dư của cầu Hưng Hà để đầu tư xây dựng hạng mục này.

Về nội dung này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, hiện nay, Bộ GTVT gửi Bộ Kế hoạch Đầu tư, Bộ Tài chính về việc sử dụng vốn dư của Dự án cầu Hưng Hà để đầu tư xây dựng nút giao khác mức (cầu vượt) tại nút giao với QL39.


Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, Bí thư Tỉnh uỷ Hưng Yên Đỗ Tiến Sỹ, Thứ trưởng Nguyễn Văn Công
cùng đoàn công tác kiểm tra hiện trường Dự án

“Bộ GTVT sẽ tổng hợp ý kiến của các bộ, ngành liên quan để báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể thông báo đồng thời chỉ đạo  Ban QLDA Thăng Long cần chủ động phối hợp với các bộ, ngành liên quan và Quỹ hợp tác phát triển kinh tế Hàn Quốc (EDCF) để kéo dài hiệp định vay vốn của dự án theo đúng quy định của pháp luật.

Trao đổi tại công trường, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đã thống nhất với lãnh đạo hai tỉnh Hưng Yên và Hà Nam, đã lựa chọn thời điểm khánh thành hai dự án cầu Hưng Hà và Dự án tuyến đường bộ nối đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng với cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình vào dịp kỷ niệm 89 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/2019).

 

H.Lâm