Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu tăng cường đảm bảo an ninh an toàn và chất lượng dịch vụ hàng không

Ngày 30/11/2018
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể vừa ký ban hành Chỉ thị yêu cầu các cơ quan, đơn vị trong ngành Hàng không triển khai thực hiện nghiêm các nhiệm vụ nhằm phục vụ tốt nhu cầu đi lại của nhân dân, bảo đảm an ninh, an toàn, chất lượng dịch vụ dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán và mùa Lễ hội xuân Kỷ Hợi năm 2019.

Thành lập Ban Chỉ đạo công tác phục vụ nhân dân vận chuyển bằng hàng không

Theo đó, Bộ trưởng Bộ GTVT yêu cầu Cục Hàng không Việt Nam (HKVN) và các cảng vụ hàng không thành lập Ban chỉ đạo thực hiện công tác phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán và mùa Lễ hội xuân Kỷ Hợi năm 2019 (Tết 2019).

Bên cạnh đó, Cục HKVN chỉ đạo các hãng hàng không, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam, Tổng công ty Quản lý Bay Việt Nam và các cảng vụ hàng không thành lập Ban chỉ đạo thực hiện công tác phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong dịp Tết 2019 và công bố số điện thoại đường dây nóng và thường trực 24/24 để tiếp nhận xử lý thông tin liên quan; Thực hiện điều phối giờ hạ cất cánh giai đoạn cao điểm Tết 2019 theo giới hạn khai thác của các cảng hàng không, đáp ứng tối đa nhu cầu khai thác của các hãng hàng không; Chỉ đạo các cảng vụ hàng không tăng cường kiểm tra, tiếp nhận và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm các quy định về an ninh, an toàn, khai thác, chất lượng dịch vụ; Tổ chức giám sát chặt chẽ các quy trình, biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn hàng không; các phương án, kế hoạch bố trí, sắp xếp nhân sự phục vụ các chuyến bay tăng chuyến (kể cả các chuyến bay bị chậm chuyến và các chuyến bay phải hạ cánh tại sân bay dự bị nếu có) trong thời gian cao điểm và giải quyết kịp thời những vướng mắc phát sinh giữa các cơ quan, đơn vị. Thực hiện việc kiểm tra, tiếp nhận kịp thời và xử lý nghiêm, khách quan các hành vi vi phạm các quy định về an ninh, an toàn, khai thác, chất lượng dịch vụ... theo quy định; phối hợp với lực lượng công an và các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan trên địa bàn xử lý kịp thời và hiệu quả những vụ việc vi phạm ANHK xảy ra tại cảng hàng không, sân bay.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cũng yêu cầu Ban Chỉ đạo yêu cầu các bộ phận liên quan trực tiếp nhận và giải thích các ý kiến hay khiếu nại của người dân qua đường dây nóng về công tác bảo đảm an toàn, an ninh, chất lượng dịch vụ; Kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm tình trạng taxi dù vào đón khách tại cảng hàng không, sân bay; không để lái xe taxi lợi dụng thời gian cao điểm để tăng giá bất hợp lý;  Chủ trì phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan tại cảng hàng không, sân bay xây dựng kế hoạch, phương án phục vụ hành khách trong các giai đoạn cao điểm nêu trên; Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tại cảng hàng không, sân bay nhằm bảo đảm khả năng phục vụ cao nhất cho các chuyến bay, hành khách trong thời gian cao điểm, đồng thời đảm bảo việc thực hiện tuân thủ các quy định về an toàn hàng không;   Tiếp tục thực hiện kế hoạch giám sát liên tục theo kế hoạch kiểm tra năm MARI (Minimum Annual Required Inspection) việc chấp hành quy định pháp luật về an toàn khai thác tàu bay đối với các đơn vị, người khác thác tàu bay, kể cả các hãng hàng không nước ngoài khai thác đi - đến Việt Nam và các tổ chức bảo dưỡng.

“Đặc biệt chú trọng công tác kiểm tra an toàn tại các sân bay lớn có mật độ bay cao như: Nội Bài , Vinh, Đà Nẵng, Cam Ranh, Tân Sơn Nhất, Phú Quốc, Cát Bi, Phú Bài...”, Chỉ thị nêu rõ.

Các hãng hàng không và các tổ chức bảo dưỡng phải tăng cường năng lực, nâng cao trình độ

Tại Chỉ thị, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cũng yêu cầu các hãng hàng không và các tổ chức bảo dưỡng rà soát, bố trí hợp lý nguồn lực (nhân viên bảo dưỡng tàu bay, vật tư dự phòng, dụng cụ trang thiết bị…) tại các cảng hàng không nhằm tăng cường năng lực khắc phục hỏng hóc, sự cố tàu bay, giảm tối đa thời gian dừng tàu do hỏng hóc kỹ thuật tàu bay.

Bên cạnh đó phải yêu cầu người lái tàu bay, tiếp viên hàng không tuân thủ nghiêm các quy trình khai thác tiêu chuẩn đã được Cục HKVN phê duyệt; trong đó chú trọng công tác chuẩn bị trước chuyến bay đảm bảo đầy đủ các thông tin cần thiết cho chuyến bay, nghiên cứu kỹ sơ đồ sân bay hạ cánh, điều kiện thời tiết tại sân bay hạ cánh; phối hợp kiểm tra chéo các thông tin quan trọng trong quá trình bay; tuân thủ quy định về khai thác tàu bay trong điều kiện thời tiết bất lợi (gió đứt, gió giật, gió cạnh, gió đuôi, mưa giông lớn, tầm nhìn giảm đột ngột …) tại các cảng hàng không, sân bay;

Thực hiện đúng quy định về thời gian làm việc, thời gian nghỉ ngơi, không để xảy ra trường hợp vi phạm quá giờ làm việc của thành viên tổ bay, nhân viên bảo dưỡng; Yêu cầu nhân viên bảo dưỡng tàu bay tuân thủ quy trình quy định trong các tài liệu bảo dưỡng, sử dụng danh mục kiểm tra trong khi thực hiện công việc để tránh xảy ra những sự cố do sai lỗi bảo dưỡng tàu bay; Thông qua chương trình độ tin cậy để bổ sung vào chương trình bảo dưỡng các hạng mục cần thiết đối với những hệ thống dễ bị tác động về thời gian khai thác, giảm thiểu tác động yếu tố kỹ thuật tàu bay, độ tin cậy thiết bị đến an toàn khai thác bay.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể chỉ đạo các hãng hàng không và các tổ chức bảo dưỡng rà soát, bố trì hợp lý nguồn lực (tàu bay, phi công, nhân viên bảo dưỡng tàu bay, vật tư dự phòng, dụng cụ trang thiết bị…) tại các cảng hàng không nhằm tăng cường năng lực khắc phục hỏng hóc, sự cố tàu bay, giảm tối đa chậm, hủy chuyến; Bố trí đủ nhân sự hướng dẫn hành khách đi tàu bay, kịp thời cung cấp thông tin và tăng cường phục vụ hành khách trong trường hợp chậm, hủy chuyến và giải quyết những vướng mắc, bức xúc phát sinh của hành khách liên quan đến dịch vụ vận chuyển hàng không trong giai đoạn cao điểm dịp Tết 2019, đặc biệt tại cảng hàng không có mật độ bay cao như Nội Bài, Vinh, Đà Nẵng, Cam Ranh, Tân Sơn Nhất, Phú Quốc, Cát Bi...Tăng cường kiểm tra, rà soát và đưa ra các giải pháp giải quyết các vấn đề liên quan đến công tác phục vụ hành khách.

Chỉ thị cũng yêu cầu phải quản lý chặt chẽ hệ thống đặt giữ chỗ, xử lý nghiêm các vi phạm, không để cá nhân hay tổ chức lợi dụng, gây phiền hà đến hành khách. Bố trí trực tiếp nhận, giải thích và giải quyết các trường hợp khiếu nại, phản ánh của hành khách qua đường dây nóng, làm tốt công tác truyền thông về tình hình chất lượng dịch vụ trong thời gian cao điểm Tết 2019; Phối hợp chặt chẽ với cảng vụ hàng không và lực lượng kiểm soát ANHK cảng hàng không trong bảo đảm an ninh hàng không và trong việc xử lý các trường hợp vi phạm quy định về an ninh, an toàn tại khu vực làm thủ tục hàng không, khu vực hạn chế và trên tàu bay theo quy trình xử lý hành khách gây rối và xử lý đối với vụ việc vi phạm an ninh hàng không; thực hiện đúng quy trình kiểm tra an ninh trước chuyến bay.

Tổng Công ty Cảng và các doanh nghiệp đảm bảo phục vụ hành khách

Cũng tại Chỉ thị chỉ đạo ngành Hàng không, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam và các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ tại cảng hàng không phải đảm bảo năng lực thông qua cảng hàng không, sân bay theo giờ cất hạ cánh đã được Cục HKVN xác nhận; Xây dựng kế hoạch, phương án, biện pháp cụ thể nhằm tăng cường khả năng phục vụ hành khách, tàu bay trên cơ sở nguồn lực của các cảng hàng không, sân bay và kế hoạch khai thác tăng chuyến của các hãng hàng không; Quán triệt toàn thể cán bộ, nhân viên thực hiện văn hóa doanh nghiệp theo phương châm “4 xin, 4 luôn”, tuân thủ tuyệt đối các quy định về an ninh, an toàn chất lượng dịch vụ hàng không, phi hàng không trong quá trình cung cấp dịch vụ tại cảng hàng không, sân bay;

Rà soát, đánh giá toàn bộ nguồn nhân lực nội bộ đảm bảo có đủ nguồn lực tốt nhất phục vụ dịp cao điểm; duy trì hoạt động khai thác ổn định, giảm thiểu tối đa các vi phạm do lỗi con người. Phân công lao động hợp lý, bảo đảm không làm ảnh hưởng đến nguồn lực phục vụ hoạt động khai thác dịp cao điểm;

Quán triệt, yêu cầu nhân viên hàng không tuân thủ nghiêm quy định về dừng đỗ phương tiện, đi đúng làn đường công vụ và đảm bảo tuân thủ đúng tốc độ của phương tiện hoạt động tại khu vực hạn chế của cảng hàng không, sân bay; Quán triệt cho toàn thể người lao động nâng cao ý thức, thái độ, trách nhiệm phục vụ, tuân thủ các quy trình công tác, các quy định về đảm bảo an ninh, an toàn hàng không.

Bộ trưởng Bộ GTVT chỉ đạo Tổng Công ty Cảng và các doanh nghiệp phải kiểm tra, rà soát, bổ sung đủ phương tiện, thiết bị cung cấp dịch vụ hàng không; triển khai hoàn thiện toàn bộ công tác bảo dưỡng phương tiện, trang thiết bị theo đúng quy trình trước thời điểm cao điểm; rà soát việc bố trí, sắp xếp mặt bằng, trang thiết bị và nhân lực trong khu vực nhà ga để tăng tối đa diện tích phục vụ hành khách; thiết bị chữa cháy, khẩn nguy đáp ứng theo phương án đã được phê duyệt;  Duy trì cơ sở hạ tầng kỹ thuật liên quan đến bảo đảm hoạt động bay như đường cất hạ cánh, đường lăn, sân đỗ, cầu phục vụ hành khách và các thiết bị phụ trợ khác; thường xuyên kiểm tra đường cất hạ cánh, đường lăn, sân đỗ tàu bay bảo đảm không có vật ngoại lai để giảm thiểu tình trạng lốp tàu bay bị cắt..., có phương án khắc phục kịp thời khi có sự cố, hư hỏng xảy ra.

Bên cạnh đó phải triển khai nghiêm chế độ trực lãnh đạo, trực ban nghiệp vụ, trực điều hành sản xuất để kịp thời chỉ đạo, điều hành hoạt động sản xuất, kinh doanh an toàn, hiệu quả; bảo đảm thông tin liên lạc thông suốt và thực hiện chế độ báo cáo  theo quy định; Tổ chức kiểm tra các điều kiện an toàn phòng cháy, chữa cháy, kiên quyết không để xảy ra cháy nổ tại các cơ quan, đơn vị tại cảng hàng không. Kịp thời xử lý nghiêm các hành vi vận chuyển trái phép bằng đường hàng không;  Đảm bảo hoạt động phục vụ chuyến bay chuyên cơ an toàn, đúng quy định và quy chế phối hợp giữa các đơn vị; Kiểm tra tình trạng che chắn, bảo vệ khu vực công trình thi công, khi tạm dừng thi công để nghỉ lễ, phải có phân công người trực đảm bảo an ninh, an toàn, không để xảy ra chập điện, cháy nổ, mất cắp;  Phối hợp tốt với các cơ quan truyền thông, báo chí để tuyên truyền về công tác đảm bảo an ninh, an toàn hàng không. Trực tiếp nhận và giải thích các ý kiến hay khiếu nại của người dân qua đường dây nóng về công tác đảm bảo an ninh, an toàn hàng không.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cũng yêu cầu các đơn vị trên xây dựng kế hoạch phục vụ tăng cường một số biện pháp kiểm soát an ninh, an toàn hàng không dịp Tết dương lịch và Tết Nguyên đán năm 2019. Trong đó tập trung tăng cường kiểm tra việc ra/vào và giám sát hoạt động tại khu vực hạn chế, khu vực nhà khách chuyên cơ qua việc kiểm tra trực quan ngẫu nhiên và CCTV, giảm tối đa việc vào khu vực hạn chế không đúng mục đích được ghi trên thẻ/giấy phép kiểm soát an ninh sân bay; Lập phương án bố trí nhân lực, thiết bị bảo đảm ANHK, biện pháp kiểm tra, giám sát ANHK phù hợp để giảm tối đa tình trạng hành khách bị nhỡ chuyến bay do ùn tắc tại điểm kiểm tra ANHK; Có kế hoạch phối hợp với chính quyền, cơ quan công an, quân đội liên quan tại địa phương để xác định các nguy cơ ANHK đối với cảng hàng không; tăng cường lực lượng, tổ chức tuần tra chung và phối hợp duy trì trật tự công cộng tại cảng hàng không, xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm; Làm tốt công tác kiểm soát an ninh nội bộ…

“Đồng thời yêu cầu các hãng taxi được nhượng quyền khai thác tại cảng hàng không, sân bay phải có kế hoạch tăng số lượng xe taxi để phục vụ hành khách 24/24h đối với các cảng hàng không có hoạt động bay 24/24h; các hãng taxi và các công ty kinh doanh dịch vụ phi hàng không liên quan có trách nhiệm đảm bảo chất lượng dịch vụ và ổn định giá trong dịp Lễ, Tết”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể chỉ rõ.

Đối với Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu quán triệt kiểm soát viên không lưu tăng cường quan sát, theo dõi chặt chẽ tàu bay tiếp cận hạ cánh, chạy xả đà, lấy đà, cất cánh để kịp thời thông báo cho tổ lái khi phát hiện các bất thường; Tập trung các nguồn lực đẩy nhanh tiến độ đầu tư các trạm ADS-B, trạm ra đa PSR/SSR cho khu vực miền Trung và miền Nam đặc biệt ưu tiên các sân bay có mật độ hoạt động bay cao và địa hình phức tạp nhằm tăng cường đảm bảo an toàn hoạt động bay; Thực hiện rà soát, trên cơ sở số liệu thống kê thời gian chiếm giữ đường cất hạ cánh nhằm điều hành tàu bay với thời gian chiếm giữ đường cất hạ cánh tối thiểu, đặc biệt tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất; Phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường tuần tra canh gác bảo đảm an ninh, an toàn và vệ sinh môi trường, phòng chống cháy nổ, đặc biệt cơ sở cung cấp dịch vụ đảm bảo hoạt động bay.

“Bên cạnh đó phải duy trì liên lạc và trao đổi thông tin, phối hợp chặt chẽ với Ban chỉ huy khẩn nguy hàng không sân bay, Ban chỉ huy phòng, chống khủng bố địa phương, công an địa phương, đơn vị quân đội và chính quyền địa phương để chủ động ứng phó khi có những tình hình phức tạp về ANHK“, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể chỉ rõ.

Liên quan đến hoạt động của ngành Hàng không, Cục HKVN đã thông tin, vào vúc 23 giờ 03 phút ngày 29/11/2018, chuyến bay VJ356 của Hàng không VietJet bay từ Tp. Hồ Chí Minh đi Buôn Mê Thuột đã gặp sự cố nghiêm trọng trong quá trình hạ cánh, 02 bánh trước của tàu bay đã bị mất trong quá trình hạ cánh, tàu bay đã dừng lại an toàn trên đường cất hạ cánh tại sân bay Buôn Mê Thuột.

Ngay sau khi nhận được thông tin, Bộ Giao thông vận tải đã chỉ đạo Cục Hàng không Việt Nam, Tổng công ty cảng Hàng không Việt Nam, Hãng hàng không VietJet và các đơn vị có liên quan triển khai quy trình khẩn nguy cứu nạn ngay sau khi sự cố xảy ra và thực hiện các giải pháp cần thiết để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho hành khách, nhanh chóng thu thập thông tin, khắc phục hậu quả tại hiện trường và giải phóng tàu bay khỏi đường cất hạ cánh nhằm tránh ảnh hưởng đến hoạt động khai thác của sân bay Buôn Mê Thuột.

Sáng 30/1/2018, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cũng đã ký Văn bản báo cáo nhanh gửi Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, chuyến bay VJ356 được thực hiện bởi tàu bay A321 số đăng ký quốc tịch VN-A653 được Hàng không VietJet mới tiếp nhận từ nhà chế tạo Airbus và đưa vào khai thác thương mại từ ngày 15/11/2018. 

"Tổ bay đã triển khai quy trình khẩn nguy và thoát hiểm cho hành khách theo quy trình khai thác, toàn bộ 207 hành khách đã thoát hiểm an toàn, trong đó có 06 hành khách bị chấn thương đã được kịp thời đưa vào bệnh viện đa khoa Thiện Hạnh để kiểm tra sức khoẻ. Hiện tại cả 06 hành khách đã được xuất viện với tình trạng sức khoẻ bình thường", báo cáo nêu rõ.

Cũng theo Lãnh đạo Bộ GTVT, đến 12 giờ ngày 30/11/2018, tàu bay VN-A653 đã được kéo vào bãi số 5 an toàn và tìm được 01 bánh của máy bay tại khu vực bên trái đường cất hạ cánh số 9. Hiện nay, Bộ GTVT đang chỉ đạo Cục Hàng không Việt Nam, Cảng hàng không Buôn Mê Thuột khẩn trương khắc phục sự cố đường cất hạ cánh, dự kiến khoảng 14 giờ ngày 30/11/2018 sẽ được đưa vào khai thác bình thường; Bộ GTVT sẽ tiếp tục chỉ đạo Cục Hàng không Việt Nam, Tổng công ty cảng Hàng không Việt Nam và các cơ quan, đơn vị có liên quan thực hiện việc điều tra, khắc phục sự cố trên.

H.L