Ô tô di chuyển trên đường phố Berlin, Đức ngày 8/10/2018. Ảnh: AFP/ TTXVN
Quyết định trên được đưa ra sau một cuộc họp, có tên gọi "Hội nghị thượng đỉnh dầu Diesel", giữa Thủ tướng Đức Angela Merkel với đại diện chính quyền các thành phố và đô thị ở Đức. Theo đó, khoản ngân sách dành cho chương trình "Cleaner Air" (Không khí sạch hơn), được Chính phủ Đức phát động, kéo dài từ năm 2017 đến năm 2020, sẽ tăng từ 1 tỷ euro lên 1,5 tỷ euro (khoảng 1,7 tỉ USD).
Trước đó, trong bối cảnh nhiều thành phố ở Đức đang phải đối mặt với lệnh cấm của tòa án không cho phép các phương tiện chạy bằng động cơ diesel cũ lưu thông, Chính phủ Đức đã công bố chương trình "Cleaner Air" nhằm giảm thiểu tình trạng ô nhiễm không khí do khí thải từ các ôtô sử dụng động cơ diesel tại 14 thành phố ô nhiễm nhất ở nước này.
Các loại ô tô chạy bằng động cơ diesel đã bị giám sát chặt chẽ tại Đức kể từ sau vụ bê bối gian lận khí thải của hãng chế tạo ô tô Volkswagen bị phanh phui hồi tháng 9/2015. Những số liệu thống kê cho thấy trong năm qua, tại nước này có tổng cộng 65 thành phố có lượng NO2 vượt quá mức cho phép của Liên minh châu Âu (EU), trong đó riêng tại Cologne, lượng khí này là 62 µg và tại Bonn là 47 µg, vượt mức cho phép 40 µg/m3 không khí. NO2 được cho là nguyên nhân khiến hàng nghìn người chết yểu ở Đức mỗi năm. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), loại khí này có thể khiến những người mắc các bệnh như hen suyễn và viêm phế quản bị nặng thêm cũng như liên quan đến các bệnh tim mạch và đường hô hấp.
Vấn đề ô nhiễm môi trường đang là một chủ đề nóng tại Đức, quốc gia nổi tiếng thế giới về ngành công nghiệp ôtô và sự phổ biến của các dòng ôtô sử dụng động cơ diesel vì tính tiện lợi và chi phí nhiêu liệu thấp. Trong khi đó, Chính phủ Đức không muốn gây thiệt hại cho ngành chế tạo ôtô trong nước với các thương hiệu tên tuổi như Volkswagen, Mercedes và BMW. Hiện nay, các hãng xe BMW, Daimler và Volkswagen đang có chương trình nâng cấp đời xe diesel với chi phí dao động từ 4.630 USD đến 9.260 USD.