Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể làm việc với lãnh đạo tỉnh Vĩnh Long

Ngày 13/12/2018
Ngày 13/12, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể dẫn đầu đoàn công tác Bộ GTVT đã có buổi làm việc với tỉnh Vĩnh Long. Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể và đoàn công tác Bộ GTVT đã bàn bạc, thống nhất nhiều vấn đề về GTVT và ATGT trên địa bàn.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể phát biểu tại buổi làm việc với tỉnh Vĩnh Long

Không mở rộng quốc lộ hiện hữu

Theo ông Trần Hoàng Tựu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long, Vĩnh Long nằm ở trung tâm ĐBSCL, giữa sông Tiền và sông Hậu, không có biển, chưa có đường hàng không, cũng như đường sắt, đường cao tốc. Địa phương có 5 tuyến quốc lộ dài 144km, 10 tuyến tỉnh lộ dài 295km, đường huyện 422km, đường đô thị 141km, đường chuyên dùng và đường khác 118km, 100% xã, phường, thị trấn có ô tô đến trung tâm xã. Đường thuỷ có tổng chiều dài 1.331km với 3 cảng hàng hoá công suất 900.000 tấn/năm.

"Hệ thống hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh còn nhiều bất cập, kết nối với các tỉnh lân cận chưa được thuận lợi. Một số tuyến đường chưa được đầu tư đồng bộ về quy mô, tải trọng, điểm đen và điểm tiềm ẩn TNGT trên quốc lộ còn nhiều. QL1 có điểm đen tại Km 2048+600 năm 2018 xảy ra 7 vụ TNGT làm 6 người tử vong, 17 người bị thương; QL54 tại Km 49+200 xảy ra 2 vụ tai nạn làm 2 người tử vong, 1 người bị thương trong năm qua…”, ông Tựu thông tin.

Theo Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể, quốc lộ ở ĐBSCL nói chung và Vĩnh Long nói riêng chất lượng còn kém. QL1 như một trục xương sống nhưng đã xuống cấp mặt đường, nhiều đoạn úng ngập, sửa chữa chắp vá. QL53 kết nối Vĩnh Long - Trà Vinh, nhỏ hẹp, láng nhựa, chất lượng kém. “Cần ưu tiên 1 số dự án duy tu, sửa chữa, nâng cấp các quốc lộ trên địa bàn Vĩnh Long, như năm 2019, chậm nhất là năm 2020, QL53 phải được duy tu sửa chữa, thảm lên 1 lớp bê tông nhựa trên địa bàn Vĩnh Long, nếu có thể nối thêm Trà Vinh”, Bộ trưởng nói và giao nhiệm vụ cho các đơn vị chuyên môn ngành GTVT triển khai thực hiện.

Sáng 13/12, đoàn công tác Bộ GTVT có buổi làm việc tại Vĩnh Long

Trước thực trạng vòng xoay trên QL57 giao với ĐT 902 hiện có bán kính nhỏ, chiều rộng xe chạy quanh đảo chỉ 12m làm các phương tiện kích thước lớn như container khó khăn khi di chuyển qua đây, Bộ trưởng giao Tổng cục Đường bộ Việt Nam chỉ đạo Cục QLĐB4 làm ngay.

Trước đề xuất của tỉnh Vĩnh Long về việc sớm đầu tư nâng cấp cầu Ngã Tư, cầu Ông Me Lớn trên QL53 cũng như mở rộng, nâng cấp QL53, QL54, Bộ trưởng đề nghị các cơ quan chuyên môn của Bộ khẩn trương hỗ trợ địa phương hoàn tất thủ tục, tìm kiếm nguồn vốn để duy tu, cải tạo trong thời gian sớm nhất. Tuy nhiên, Bộ trưởng nhấn mạnh quan điểm của Bộ là duy tu, sửa chữa quốc lộ trên cơ sở đường hiện hữu. “Nếu đoạn nào quá tải, quá nhỏ hẹp thì mở cao tốc chạy song song chứ không mở rộng quốc lộ”, Bộ trưởng nói.

Mong địa phương cùng chung sức

Tại buổi làm việc với tỉnh Vĩnh Long, Bộ GTVT và địa phương đã cùng thống nhất phối hợp giải quyết nhiều đề xuất, vướng mắc về GTVT và ATGT.

Về đề xuất cho đấu nối giữa nút giao giữa đường cao tốc với đường Võ Văn Kiệt theo quy hoạch chung của TP. Vĩnh Long, đáp ứng nhu cầu phát triển của đô thị Vĩnh Long thời gian tới, Bộ trưởng đề nghị địa phương chỉ đạo Sở Xây dựng nghiên cứu, làm quy hoạch để có một đường gom kết nối với QL80 thay vì kết nối vào cao tốc.

Bộ trưởng cũng đồng ý với đề xuất trồng cây xanh hoặc làm tượng đài tại vòng xoay Cầu Đôi (Km 2042 trên QL1) theo kiến nghị của cử tri. Bộ trưởng đề nghị địa phương có phương án làm, Bộ GTVT sẽ hỗ trợ thuận lợi về thủ tục.

Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long, ông Nguyễn Văn Quang phát biểu tại buổi làm việc với đoàn công tác Bộ GTVT

Về chủ trương di dời, hoặc xoá cảng Vĩnh Long ra khỏi trung tâm TP. Vĩnh Long, Bộ GTVT đã đồng ý và đề nghị tỉnh Vĩnh Long làm thủ tục, đồng thời Bộ giao Cục Hàng hải Việt Nam hỗ trợ chọn địa điểm di dời hoặc làm thủ tục xoá, bỏ ra khỏi quy hoạch.

Bộ trưởng cũng chỉ đạo Tổng cục Đường bộ VN thống nhất giao phần đất trống tại nút giao thông IC2 thuộc dự án cầu Cần Thơ để chỉnh trang đô thị TX. Bình Minh, thực hiện theo đúng quy định hiện hành.

Về Dự án đường cao tốc đoạn Trung Lương - Mỹ Thuận, do dự án quá lớn, một ngân hàng cân đối không được nên phải gom 4 ngân hàng. Vì chính sách các ngân hàng khác nhau nên đến nay vẫn chưa ký được hợp đồng tín dụng cho dự án này. Bộ trưởng cho biết, Bộ GTVT đang kiến nghị Chính phủ một cơ chế tín dụng cho dự án. Nếu gỡ được nút thắt này thì nguồn vốn cho dự án sẽ tiếp tục được giải ngân. 

Với cầu Mỹ Thuận, hiện dự án đã được phê duyệt và được bố trí vốn, xong bước kỹ thuật dự án thì sẽ tổ chức đấu thầu, dự kiến năm 2023 xong cây cầu này. Đoạn Mỹ Thuận - Cần Thơ, Thủ tướng đã có văn bản đồng ý, cho bổ sung khoảng 932 tỷ đồng từ nguồn dự phòng chung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 để hỗ trợ phần kinh phí GPMB của dự án, đảm bảo triển khai kết nối đồng bộ với dự án đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận và cầu Mỹ Thuận 2 trong thời gian tới.

Kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng đánh giá đối với ngành giao thông, sự phối hợp, ủng hộ của các địa phương là rất quan trọng. Bởi nếu địa phương tích cực hỗ trợ trong công tác quản lý nhà nước, GPMB… thì sẽ triển khai dự án rất thuận lợi, hiệu quả. Ngược lại, địa phương nào giải quyết nửa vời thì rất khó khăn, thiếu hiệu quả. “Mong địa phương sát cánh cùng Bộ GTVT để cùng thúc đẩy, phát triển cơ sở hạ tầng GTVT, kéo giảm TNGT”, Bộ trưởng nói.

Nguồn: Báo Giao thông