Không khí ô nhiễm ở New Delhi. (Nguồn: AFP)
Giới chức Chính phủ Ấn Độ cho biết nguyên nhân chính gây tăng lượng khói mù độc hại tại New Delhi là không khí lạnh bất thường, sương mù và không có gió. Điều này có nghĩa là khói xe, ô nhiễm từ các nhà máy điện và các ngành công nghiệp sử dụng than cũng như khói từ việc con người đốt lửa sưởi ấm bao trùm thành phố.
Dữ liệu từ Cơ quan kiểm soát ô nhiễm trung ương (CPCB) cho thấy chỉ số chất lượng không khí đo nồng độ các hạt vật chất độc hại, ở mức trung bình 449 trong ngày 24/12, chỉ thấp hơn một chút so với mức 450 của ngày 23/12.
Chỉ số này đo mật độ các hạt bụi nhỏ PM 2,5 (đường kính nhỏ hơn 2,5 micron), vốn là những hạt bụi có thể thâm nhập sâu vào phổi.
Mọi chỉ số cao hơn 100 đều được coi là có hại cho sức khỏe. Ở một số khu vực của thủ đô Delhi, mức ô nhiễm lên tới 654 ngày tính đến ngày 24/12, tầm nhìn ở một số khu vực trong thành phố chỉ còn 200m.
Các nhà bảo vệ môi trường đã chỉ trích phản ứng chậm chạp của nhà chức trách trước tình trạng ô nhiễm ngày càng trầm trọng, đồng thời kêu gọi các nỗ lực phối hợp để giảm ô nhiễm từ xe cộ đến các ngành công nghiệp.
Mức "rất xấu" và "báo động" có nghĩa là không khi không chỉ nguy hiểm cho người dân có vấn đề về hô hấp mà có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới người khỏe mạnh. Dữ liệu của CPCB cho thấy tình hình có thể vẫn còn nghiêm trọng hơn trong ngày Giáng sinh 25/12. Mức độ PM 2,5 có thể ở mức trung bình hơn 400 và lên tới mức 534 ở một số địa điểm.
CBCP kêu gọi thực hiện các biện pháp khẩn cấp như đóng cửa các nhà máy, các công trường xây dựng tại các khu vực bị ô nhiễm nặng, đồng thời kêu gọi người dân tránh sử dụng xe chạy bằng dầu diesel đến ngày 26/12 tới.
Theo một nghiên cứu mới công bố trên tạp chí Lancet Planerary Health, không khí độc hại ở Ấn Độ làm 1,24 triệu người chết trong năm 2017, chiếm 12,5% số người chết tại Ấn Độ.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vừa đánh giá Ấn Độ có 14 thành phố ô nhiễm nhất thế giới, trong đó thủ đô Delhi đứng thứ sáu./