Tăng cường kết nối hàng không với các thị trường nguồn khách du lịch

Ngày 28/01/2019
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa ký Quyết định số 105/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Tăng cường kết nối hàng không với các thị trường nguồn khách du lịch”.

Ảnh minh họa

Mục tiêu của Đề án là mở các đường bay mới, tăng tần suất trên các đường bay hiện có của các hãng hàng không Việt Nam và nước ngoài giữa Việt Nam và các thị trường du lịch trọng điểm trên thế giới gồm Hoa Kỳ, Pháp, Anh, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia, Singapore, Nga, Úc và Ấn Độ; mở mới các đường bay nội địa kết nối đến các vùng du lịch trọng điểm Đông Bắc Bắc Bộ, di sản miền Trung, duyên hải Nam Trung Bộ - Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long và Đảo ngọc Phú Quốc góp phần phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Đến năm 2020, tiếp tục triển khai kế hoạch mở đường bay quốc tế theo Đề án "Định hướng phát triển đường bay trực tiếp giữa Việt Nam và các quốc gia, địa bàn trọng điểm nhằm thúc đẩy đầu tư phát triển, tăng cường giao lưu, hội nhập quốc tế" đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2119/QĐ-TTg ngày 28 tháng 12 năm 2017.

Đến năm 2025, kết nối các đường bay quốc tế đến tất cả các cảng hàng không quốc tế (CHKQT) và các cảng hàng không (CHK) được phép tiếp nhận chuyến bay quốc tế của Việt Nam và các đường bay quốc nội kết nối nội vùng, liên vùng đến các cảng hàng không trong các vùng du lịch nội địa trọng điểm. Sau năm 2025, tiếp tục hoàn thiện mạng đường bay quốc nội kết nối nội vùng, liên vùng đến các cảng hàng không tại các vùng du lịch nội địa trọng điểm.

Phát triển hoạt động hàng không với hoạt động du lịch theo định hướng tăng cường hội nhập kinh tế quốc tế, đảm bảo phát triển bền vững; phát triển hàng không - du lịch gắn liền với hội nhập quốc tế đồng thời bảo đảm giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, bảo vệ môi trường, an ninh quốc phòng và an toàn cho du khách.

Đề án đưa ra định hướng về chính sách thu hút các hãng hàng không mở đường bay, tăng tần suất bay giữa Việt Nam và các thị trường nguồn khách du lịch: Tạo điều kiện tối đa về quyền vận chuyển hàng không, giờ cất/hạ cánh tối ưu theo đề nghị của hãng hàng không, áp dụng chính sách ưu đãi giá dịch vụ điều hành bay đi/đến và giá dịch vụ cất cánh, hạ cánh tàu bay đối với các hãng hàng không khai thác đường bay mới trực tiếp giữa các thị trường nguồn khách du lịch và tăng tần suất trên các đường bay quốc tế hiện có đến các cảng hàng không quốc tế và các cảng hàng không được phép tiếp nhận các chuyến bay quốc tế của Việt Nam.

Đồng thời định hướng kết nối mạng đường bay nội địa kết nối đến các vùng du lịch trọng điểm của Việt Nam: Mở rộng mạng đường bay nội địa với hệ thống đường bay nội vùng, liên vùng; kết nối các cảng hàng không thuộc các vùng du lịch trọng điểm nội địa với các cảng hàng không khác của Việt Nam, phù hợp với điều kiện hạ tầng cảng hàng không và kế hoạch khai thác đội tàu bay.

Định hướng kết nối hàng không với từng thị trường nguồn khách du lịch quốc tế gồm: Thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Malaysia, Singapore, Pháp, Anh, Nga, Úc, Hoa Kỳ, Ấn Độ.

Tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng vận tải hàng không

Để đạt được các mục tiêu, Đề án cũng đưa ra các giải pháp cụ thể. Trong đó, thực hiện chính sách mở cửa bầu trời đối với thị trường vận tải hàng không quốc tế đi/đến Việt Nam với nội dung: (i) không hạn chế việc Chỉ định hãng hàng không; (ii) tự do hóa Quyền về đường bay (route rights); (iii) không hạn chế Thương quyền 3/4; (iv) tăng cường trao đổi thương quyền 5 đảm bảo lợi ích cho phía Việt Nam; (v) khuyến khích hoạt động khai thác liên danh và vận tải đa phương thức; (vi) khuyến khích hoạt động khai thác thuê chuyến; (vii) khuyến khích hoạt động Khai thác quốc tế kết hợp nhiều điểm, bay tam giác; (viii) cho phép sử dụng tàu bay thuê (thuê không có tổ bay - thuê khô và thuê có tổ bay - thuê ướt) trong vận chuyển hàng không quốc tế đi/đến Việt Nam; (ix) cho phép hoạt động thay đổi tàu bay trong hành trình bay; (x) tiếp tục thực hiện chính sách khuyến khích hoạt động bay quốc tế đến Việt Nam, đặc biệt là các cảng hàng không quốc tế, cảng hàng không được phép tiếp nhận chuyến bay quốc tế còn hạn chế hoạt động quốc tế.

Xây dựng các chương trình, kế hoạch cụ thể để đảm bảo việc bay đúng giờ (OTP), bao gồm việc đảm bảo nguồn lực, tàu bay, công tác sửa chữa, bảo dưỡng và lập lịch bay. Kiểm soát chặt chẽ việc lập kế hoạch khai thác của các hãng hàng không trên cơ sở phù hợp với thực tế về kết cấu hạ tầng cảng hàng không, năng lực khai thác và bảo dưỡng của các hãng.

Tăng cường kiểm tra, giám sát việc đáp ứng các yêu cầu về chất lượng dịch vụ vận tải hàng không, bảo vệ quyền lợi của hành khách, nghĩa vụ của nhà vận chuyển. Duy trì thường xuyên việc thực hiện khảo sát, đánh giá sự hài lòng của hành khách về dịch vụ hàng không hàng năm.

Nguồn: Chinhphu.vn