Xe buýt nhiên liệu sạch (xe buýt CNG) ngoài chi phí nhiên liệu thấp còn được đánh giá thân thiện môi trường là do giảm thiểu lượng khí thải gây ô nhiễm hơn so với sử dụng dầu diesel. Do vậy, nhiều năm trước, TP. Hồ Chí Minh đã có nhiều chính sách ưu đãi nhằm khuyến khích doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX) vận tải đầu tư mới, thay thế xe buýt cũ bằng xe buýt CNG. Cụ thể, theo đề án Đầu tư xe buýt giai đoạn 2014-2017, TP sẽ đầu tư mới 980 xe buýt dầu diesel và 700 xe buýt CNG. Thế nhưng đến cuối năm 2018, toàn TP mới chỉ có 428 xe buýt CNG.
Nhiều bất tiện
Có nhiều nguyên nhân khiến DN và HTX vận tải chưa mặn mà với xe buýt CNG nhưng theo ông Nguyễn Văn Thảo, Giám đốc HTX Vận tải số 15, chủ yếu là do công thức tính trợ giá như nhau, trong khi phí đầu tư xe buýt CNG lớn. Thêm vào đó, trợ giá xe buýt và lượng hành khách trên từng chuyến có xu hướng giảm nên nhiều HTX chọn mua xe buýt sử dụng nhiên liệu dầu diesel. Đặc biệt, ông Thảo còn chỉ ra sự bất tiện của loại xe buýt CNG này là hằng ngày, tài xế phải mất thời gian để đưa xe đi nạp khí gas.
Theo tìm hiểu, toàn TP mới chỉ có 4 trạm nạp nhiên liệu gồm: bãi xe buýt Phổ Quang, Bến xe ĐHQG, Bến xe An Sương và trạm Tân Kiên với tổng công suất có thể nạp cho 720 xe. Vì vậy, nếu xe của tuyến số 18 (Bến Thành - chợ Hiệp Thành) muốn nạp khí gas phải chạy rỗng 14 km mới đến trạm gần nhất là Bến xe An Sương. Tương tự, tuyến 150 (Bến xe Chợ Lớn - ngã ba Tân Vạn) mất 13,3 km chạy rỗng. Ngắn hơn như tuyến số 32 (Bến xe Miền Tây - Bến xe Ngã tư Ga) cũng mất 8,5 km. "Nếu giải quyết được khâu nạp khí gas sao cho thuận tiện hơn thì chúng tôi mới dễ thuyết phục xã viên" - ông Thảo nhấn mạnh.
Ngoài ra, một nguyên nhân nữa khiến các DN và HTX lo lắng chính là việc đơn vị cung cấp nhiên liệu thông tin sẽ tính lại giá gas. Cụ thể, trong năm 2018, Công ty PV Gas South giữ nguyên giá bán khí CNG với tỉ lệ 66% giá dầu DO. Tuy nhiên, giá bán khí CNG cho giai đoạn từ năm 2019-2027 công ty này sẽ xem xét, tính toán các chi phí liên quan phù hợp với giá khí đầu vào để sản xuất khí CNG và điều chỉnh. Điều này khiến DN và HTX lo ngại giá khí CNG tăng làm tăng chi phí đầu vào.
Với những giải pháp mang tính mở đường hiện tại thì đến cuối năm 2020,
TP HCM không khó để có 1.009 xe buýt sử dụng nhiên liệu sạch
Những cam kết rõ ràng
Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP. HCM thừa nhận việc đầu tư, phát triển các trạm nạp khí CNG còn chậm và phụ thuộc vào Công ty PV Gas South cung cấp nên ảnh hưởng đến tiến độ đầu tư phương tiện một số tuyến. Vì vậy, Sở GTVT đã lên kế hoạch đầu tư xe buýt cho giai đoạn 2018-2020 với mục tiêu 75% xe buýt mới phải là loại sử dụng nhiên liệu sạch, tức xe buýt CNG, tương đương 657 chiếc. Như vậy, đến cuối năm 2020, toàn TP sẽ có 1.009 xe buýt CNG phục vụ hành khách.
Ông Trần Chí Trung, Giám đốc Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng (GTCC) TP, nói rằng để giải quyết vấn đề nhiên liệu, Trung tâm Quản lý GTCC đã xác định 11 vị trí xây dựng trạm mới cùng với việc nâng cấp, di dời 4 trạm hiện hữu. Các vị trí này đã được Cảnh sát PCCC TP xác định bảo đảm các yêu cầu về vị trí, khoảng cách và giải pháp ngăn cháy theo quy định.
Trong giai đoạn đầu, Trung tâm Quản lý GTCC đề xuất tập trung đầu tư vào 4 vị trí do đơn vị này quản lý ở các trạm điều hành xe buýt: Khu B Công viên 23 Tháng 9, Chợ Lớn, quận 8, Tân Phú. "Sau khi được UBND TP chấp thuận và giao đất, trung tâm sẽ làm việc với các đơn vị liên quan để đầu tư trạm nạp khí phục vụ xe buýt. Do giá cho thuê đất tính theo giá nhà nước là cơ sở để doanh nghiệp kinh doanh tính toán chi phí đầu tư, qua đó kéo giảm giá bán khí CNG" - ông Trung phân tích.
Thống kê hiện có 24 xe buýt CNG tuyến số 18 của HTX 19 Tháng 5 phải chạy từ chợ Hiệp Thành về Bến xe An Sương nạp nhiên liệu và tốn phí ra vào bến 40.000 đồng/lượt (tương đương 960.000 đồng/ngày). Do đó, Trung tâm Quản lý GTCC đã đề xuất Sở GTVT kiến nghị UBND TP chấp thuận miễn thu phí dịch vụ với các xe buýt sử dụng khí CNG ra vào bến để nạp nhiên liệu. Ngoài ra, đơn vị này cũng kiến nghị TP hỗ trợ chi phí chạy rỗng đi nạp nhiên liệu để khuyến khích DN đầu tư xe buýt CNG.
Trước lo ngại của DN về việc giá bán khí CNG có thể tăng, ông Trung cho biết đã đề xuất Sở GTVT kiến nghị UBND TP đề nghị Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Tổng Công ty Khí Việt Nam dành khối lượng từ 36-72 triệu m3 từ nay đến năm 2020 với giá bán bằng giá bán áp dụng cho các nhà máy sản xuất điện trong cùng khu vực.
Thử nghiệm xe buýt công nghệ mới
Ông Đỗ Ngọc Hải, Trưởng Phòng Quản lý Vận tải Đường bộ Sở GTVT TP, thông tin vừa qua, Công ty Volvo của Thụy Điển đã đề xuất thử nghiệm xe buýt chất lượng cao bằng công nghệ mới.
Theo đó, Công ty Volvo muốn thử nghiệm 1 xe buýt B5L hybrid với sức chứa 28 ghế ngồi và 58 chỗ đứng trong thời gian 6 tháng. Loại xe buýt này sử dụng động cơ bằng công nghệ hybrid (động cơ điện và động cơ diesel). Nếu được UBND TP chấp thuận thì Công ty CP Xe khách Sài Gòn sẽ vận hành thử nghiệm trên tuyến số 1 (Bến Thành - Chợ Lớn) từ tháng 6-2019. Toàn bộ chi phí thực hiện dự án thí điểm sẽ do Công ty Volvo chi trả. Bên cạnh đó, công ty này cũng sẽ đào tạo kỹ thuật, hỗ trợ kỹ thuật phục vụ bảo trì và kết nối xe buýt hoạt động.