Hội thảo báo cáo cuối kỳ Hợp phần Tư vấn về hệ thống pháp lý trong lĩnh vực đường sắt thuộc Dự án DEEP

Ngày 27/02/2019
Ngày 27/2, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông chủ trì buổi Hội thảo nghe báo cáo cuối kỳ Hợp phần Tư vấn về hệ thống pháp lý trong lĩnh vực đường sắt thuộc Dự án đối tác trao đổi kinh nghiệm phát triển lĩnh vực giao thông vận tải sử dụng vốn ODA không hoàn lại của Hàn Quốc (Dự án DEEP).

Tham dự cuộc họp về phía Hàn Quốc có đại diện của Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) tại Việt Nam; Viện Nghiên cứu Đường sắt Hàn Quốc - đơn vị quản lý dự án. Về phía Việt Nam có các chuyên gia lĩnh vực đường sắt, đại diện các Vụ, Cục, Viện trực thuộc Bộ GTVT; Ban QLDA đường sắt; Ban QLĐSĐT Hà Nội và TPHCM; Tổng công ty Đường sắt Việt Nam; Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội (Hanoi Metro).

Các đại biểu, chuyên gia lĩnh vực đường sắt của Việt Nam và Hàn Quốc
thảo luận góp ý liên quan đến các nội dung nghiên cứu

Đây là kết quả nghiên cứu của Hợp phần 2 thuộc Dự án DEEP (có 03 hợp phần), bao gồm các nội dung: Đề xuất cải thiện hệ thống pháp lý liên quan đến quản lý đường sắt đô thị; đề xuất cải thiện hệ thống pháp lý về an toàn giao thông đường sắt; đề xuất để cải thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đường sắt; đề xuất cải thiện các quy định trong xây dựng, vận hành đường sắt quốc gia và đường sắt đô thị.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Kim Jin-oh, Giám đốc Quốc gia KOICA tại Việt Nam đã cảm ơn Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông, các cơ quan liên quan của Bộ GTVT đã quan tâm và phối hợp chặt chẽ với Tư vấn trong thời gian qua để hoàn thiện nghiên cứu này. 

Ông Kim Jin-oh cho biết: Dự án DEEP được ký biên bản thảo luận từ tháng 6/2016. Viện Nghiên cứu đường sắt Hàn Quốc phối hợp với các bên liên quan đã nghiên cứu hệ thống pháp luật Việt Nam và một số nước trên thế giới về lĩnh vực đường sắt; so sánh, tham chiếu với hệ thống pháp luật Hàn Quốc; từ đó đề xuất tư vấn, khuyến nghị đối với Việt Nam. Đến nay, dự án đã thực hiện được cơ bản các hợp phần tư vấn cũng như tăng cường năng lực, đào tạo cho các cơ quan liên quan thuộc Bộ GTVT, qua đó góp phần nâng cao vai trò tự chủ trong xây dựng chính sách và phát triển GTVT của Việt Nam. “Thông qua dự án này, chúng tôi hy vọng những tư vấn luật, chế độ, quy định luật sẽ góp phần thiết lập nền tảng pháp lý cho phát triển đường sắt Việt Nam, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia”, ông Kim Jin-oh nói.

Trong khuôn khổ Hội thảo, các chuyên gia Viện Nghiên cứu Đường sắt Hàn Quốc đã báo cáo kết quả nghiên cứu Hợp phần 2 -Tư vấn về hệ thống pháp lý trong lĩnh vực đường sắt, trong đó tích cực chia sẻ kinh nghiệm về vận hành đường sắt an toàn, hiệu quả; đặc biệt là về hoàn thiện thể chế pháp lý cũng như hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật của Hàn Quốc. Các chuyên gia đã trình bày, đưa ra các tư vấn về các quy định pháp luật, hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn lĩnh vực đường sắt nói chung và các hạng mục riêng như: công trình, đầu máy - toa xe, tín hiệu, hệ thống dây tiếp xúc và nguồn điện; các quy tắc xây dựng đừng sắt; tiếng ồn và độ rung. Cùng đó là hệ thống an toàn đường sắt, đường sắt đô thị... Mỗi hạng mục, các chuyên gia đều đưa ra các khuyến nghị đối với Việt Nam nhằm xây dựng được hệ thống pháp luật hoàn chỉnh, làm cơ sở cho vận hành đường sắt an toàn, phát triển. 

Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cảm ơn sự hỗ trợ của Chính phủ Hàn Quốc và KOICA đối với Dự án DEEP, đồng thời đánh giá cao nỗ lực của Tư vấn trong việc hoàn thiện Hợp phần Tư vấn pháp lý và đề nghị Tư vấn bổ sung một số nội dung góp ý tại Hội thảo và hoàn thiện kết quả nghiên cứu dự án.

Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho biết, lĩnh vực đường sắt đang được Quốc hội, Chính phủ và nhân dân Việt Nam quan tâm, đã tăng vốn đầu tư cho lĩnh vực này. Chúng tôi kỳ vọng từ sau năm 2020, Nhà nước sẽ dành nhiều vốn hơn nữa cho nâng cấp, cải tạo đường sắt hiện có và đầu tư xây dựng mới. Thứ trưởng nhấn mạnh, dự án này rất quan trọng và toàn diện vì gồm nhiều nội dung, từ nghiên cứu khả thi đầu tư một số tuyến đường sắt, đề xuất hình thức đầu tư đến xây dựng hệ thống pháp luật, quy chuẩn, tiêu chuẩn và đào tạo. Vì vậy, các kết quả nghiên cứu của dự án sẽ được nghiên cứu, áp dụng trong thực tiễn quản lý, vận hành và phát triển đường sắt Việt Nam.