Xử lý mạnh lỗi vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông

Ngày 12/03/2019
Tăng cường tuần tra, kiểm soát và kiên quyết xử lý nghiêm người điều khiển phương tiện vi phạm về nồng độ cồn khi tham gia giao thông tiếp tục là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được lực lượng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh triển khai trong năm 2019.

Thời gian qua, lực lượng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Vĩnh Phúc đã phối hợp với các ngành chức năng liên quan tăng cường tuần tra kiểm soát, tiến hành đo nồng độ cồn đối với người điều khiển ô tô, xe máy tại tất cả các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ và kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm theo đúng Nghị định 46 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt. Chỉ tính riêng trong tháng cao điểm xử lý vi phạm về nồng độ cồn từ 16/12/2018 đến 15/2/2019, lực lượng Cảnh sát giao thông đã phát hiện, lập biên bản vi phạm hành chính và ra quyết định xử phạt gần 890 trường hợp vi phạm về nồng độ cồn. Trong đó, kiên quyết áp dụng mức phạt cao nhất là từ 16 - 18 triệu đồng, tước giấy phép lái xe từ 4 - 6 tháng đối với người điều khiển ô tô và phạt tiền từ 3 - 4 triệu đồng, tước giấy phép lái xe từ 3 - 5 tháng đối với người điều khiển mô tô, xe gắn máy, xe máy điện đối với nhiều tài xế có nồng độ cồn vượt quá mức cho phép.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được việc xử lý vi phạm quy định về nồng độ cồn trên địa bàn tỉnh còn gặp không ít khó khăn. Khi đã uống rượu bia, đặc biệt là uống nhiều, người điều khiển phương tiện giao thông không làm chủ được hành vi dẫn đến gây rối, không hợp tác với lực lượng chức năng. Nhiều trường hợp tài xế khi được yêu cầu dừng xe kiểm tra, không những không chấp hành mà còn cố tình vòng vo, trốn tránh. Một số đối tượng do quá say, không làm chủ bản thân hoặc sợ bị phạt nên cố tình không chịu thổi vào máy đo hoặc thổi rất nhẹ, không đủ lượng khí thở để xác định, khiến cán bộ, chiến sỹ cảnh sát giao thông phải kiên trì nhắc nhở, hướng dẫn nhiều lần, không ít trường hợp còn lăng mạ, xúc phạm, chống đối người thi hành công vụ...

Trên thực tế, tình trạng người điều khiển phương tiện tham gia giao thông sau khi đã sử dụng rượu, bia vẫn thường xuyên xảy ra, để lại những hậu quả đáng tiếc. Theo thống kê của Bệnh viện đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc, trong 2 tháng đầu năm 2019, Bệnh viện đã tiếp nhận gần 250 trường hợp nhập viện do tại nạn giao thông, trong đó có khoảng 30% do người điều khiển phương tiện uống rượu, bia gây nên. Đa số các trường hợp do có chất kích thích nên bệnh nhân thường bị tai nạn rất nặng, đa chấn thương, chấn thương sọ não… không chỉ gây tốn kém tiền của cho gia đình, xã hội trong quá trình chữa trị mà còn để lại những di chứng suốt cuộc đời.

Thời gian tới, cùng với việc tăng cường kiểm tra, kiên quyết xử lý vi phạm, lực lượng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Vĩnh Phúc sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao ý thức người tham gia giao thông. Tuy nhiên, để hạn chế tai nạn giao thông do rượu, bia mấu chốt vẫn là ý thức của người tham gia giao thông. Nói không với rượu, bia khi điều khiển phương tiện giao thông không chỉ mang lại hạnh phúc cho riêng mình mà còn là vì hạnh phúc của những người thân, của cộng đồng và xã hội.

Nguồn: Cổng TTĐT Vĩnh Phúc