Nối nhịp cầu dân sinh

Ngày 17/05/2019
Dự án xây dựng cầu dân sinh và quản lý tài sản đường địa phương (viết tắt DA LRAMP) do Ngân hàng Thế giới (WB) hỗ trợ vốn vay, qua hơn hai năm thực hiện ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước đã giúp kết nối nhiều vùng giao thông khó khăn, mở ra cơ hội phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Những cây cầu dân sinh giúp người dân vùng sâu, vùng xa rút ngắn và đỡ vất vả
trong việc lưu thông hàng ngày.

Nối nhịp vùng khó khăn

Mạng lưới đường bộ địa phương của cả nước hiện có hơn 458 nghìn km trên tổng số hơn 570 nghìn km mạng lưới đường bộ quốc gia (chiếm khoảng 88%) và phục vụ cho khoảng 80% dân số. Tuy nhiên, mạng lưới đường bộ địa phương hiện nay có rất nhiều đoạn đường xuống cấp, nhiều vị trí chưa có cầu. Điều này gây khó khăn cho hoạt động lưu thông của người dân, đặc biệt tại khu vực xa xôi, vùng dân tộc miền núi nhưng ngân sách địa phương không kham nổi. Ông Nguyễn Văn Huyện - Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ (Bộ GTVT) thông tin: “Ước tính cả nước còn khoảng 1.700 cầu trong danh mục Quyết định 2529 thuộc ưu tiên 1 cần đầu tư, đồng thời còn hơn 4.000 cầu ưu tiên 2 chưa được đưa vào danh mục cần tiếp tục đầu tư xây dựng”.

Tại buổi đánh giá giữa kỳ Dự án DA LRAMP (thực hiện từ 2016 - 2021) được tổ chức tại thành phố Hội An (tỉnh Quảng Nam) vào ngày 16/5, đại diện các bên liên quan đã nhìn lại những kết quả tích cực mà dự án mang lại và tìm giải pháp để cải thiện việc bảo trì, đẩy nhanh tiến độ đầu tư. Qua một nửa thời gian thực hiện, đã có 1.037 cầu được xây dựng hoàn thành trong đó có 865 cầu bàn giao khai thác chính thức (đạt tỷ lệ 40%) và dự kiến hết năm 2019 sẽ hoàn thành khoảng 1.800 cầu, đạt khoảng 90% so với yêu cầu của dự án. Ông Nguyễn Văn Huyện cho biết: “Tổng cục Đường bộ VN đang tiến hành các thủ tục khảo sát, thiết kế, dự kiến sẽ ký hợp đồng xây dựng toàn bộ số cầu còn lại trong năm 2019 và hoàn thành 100% trong năm 2020, tức sớm hơn 1 năm so với kế hoạch”.

Dấu ấn DA LRAMP tại Quảng Nam

Là địa phương tham gia cả 2 hợp phần của dự án DA LRAMP (khôi phục, cải tạo đường địa phương và xây dựng cầu dân sinh), Quảng Nam đã sớm đạt được nhiều kết quả tích cực để rút ngắn, giảm bớt gánh nặng cho người dân, đặc biệt ở khu vực miền núi và trung du. Trong giai đoạn 2017 - 2018, Quảng Nam đã khôi phục, cải tạo 5 tuyến đường huyện với tổng chiều dài 30km. Ở hợp phần cầu dân sinh, địa phương đã hoàn thành đưa vào sử dụng 25 cầu, cống các loại, còn lại 9 cầu cống đang triển khai thực hiện. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Huỳnh Khánh Toàn cho rằng: “Bên cạnh việc phát triển kết cấu hạ tầng từ nguồn vốn dự án, hoạt động quản lý tài sản đường địa phương của tỉnh đã nâng lên được một bước với tỷ lệ đường bảo trì thường xuyên nâng từ 20% lên 80%, kinh phí bảo trì thường xuyên hàng năm nâng từ 18 tỷ đồng lên 50 tỷ đồng”.

Tại Quảng Nam và một số tỉnh khác, trong quá trình thực hiện dự án, các Ban quản lý dự án đã lồng ghép khía cạnh văn hóa đặc trưng địa phương vào thiết kế dự án. Ông Vũ Hải Tùng - Phó Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng đường bộ (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) chia sẻ: “Cầu Tân Tây (Duy Xuyên) có biểu tượng Linga, trên lan can có hình tháp Chăm nên khi đưa vào sử dụng càng được người dân địa phương ủng hộ, quan tâm đồng hành trong việc bảo trì”. Nhiều địa bàn khó khăn ở một số huyện như Hiệp Đức, Nam Trà My, Phú Ninh nhờ những chiếc cầu mới hay các tuyến đường được cải tạo, khôi phục đã kết nối được dễ dàng hơn ra bên ngoài. Từ đó việc vận chuyển, tiêu thụ các loại cây trồng đặc trưng địa phương như: cây keo, quế… ngày càng thuận tiện hơn.

Nguồn: Báo Quảng Nam