Phú Yên: Mạnh tay xử lý vi phạm nồng độ cồn

Ngày 20/05/2019
Vi phạm nồng độ cồn khi lái xe là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tai nạn giao thông (TNGT). Để hạn chế tình trạng này, Ban ATGT tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp; trong đó có tăng cường lực lượng tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm những trường hợp người điều khiển phương tiện vi phạm nồng độ cồn.

Cảnh sát giao thông kiểm tra nồng độ cồn của người điều khiển phương tiện trên Quốc lộ 25

Từ đầu năm đến nay, tình hình trật tự an toàn giao thông (ATGT) trên địa bàn tỉnh Phú Yên có những chuyển biến tích cực, TNGT giảm cả 3 tiêu chí. Ngoài những giải pháp đồng bộ đã được triển khai thì việc đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật về nồng độ cồn cũng như thực hiện các chuyên đề kiểm tra, xử lý vi phạm về nồng độ cồn chính là một trong những giải pháp quan trọng giảm TNGT.

Thói quen nguy hiểm

“Đã uống rượu bia thì không lái xe” là khẩu hiệu tuyên truyền khá phổ biến và xuất hiện ở bất kỳ tuyến đường nào trên địa bàn tỉnh. Khẩu hiệu này cũng được nhiều người dân biết đến nhưng không phải ai cũng nghiêm túc thực hiện.

Theo Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) Công an tỉnh, tình trạng người điều khiển phương tiện vi phạm nồng độ cồn xảy ra khá nhiều, đặc biệt là trên các tuyến đường gần các nhà hàng, quán ăn. Hầu hết người vi phạm đều viện lý do gặp bạn bè, tiệc tùng nên “quá chén”. Từ đầu năm đến nay, lực lượng cảnh sát giao thông đã phát hiện và xử lý 102 trường hợp vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện lưu thông trên đường.

Khi đã uống rượu, bia vượt mức cho phép, người điều khiển phương tiện sẽ không kiểm soát được hành vi, dẫn đến phóng nhanh, vượt ẩu, lạng lách, đánh võng. Chính vì thế, nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng đã xảy ra mà nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ việc người điều khiển phương tiện vi phạm nồng độ cồn, không làm chủ tay lái.

Đến giờ, dù đã hơn 1 năm nhưng chị N.T.H ở huyện Sông Hinh, vẫn chưa quên được cảm giác hoảng sợ. Chị H chia sẻ: “Cuối năm 2018, cả gia đình bị một phen hết hồn khi biết tin chồng tôi bị tai nạn xe máy. Sau khi ăn tất niên nhà bạn, do uống bia say, chồng tôi đã tự gây tai nạn, đâm vào tường rào bằng gạch bên đường, bất tỉnh. Vụ tai nạn làm anh đứt gân gót chân, mặt trầy xước, xe máy hư hỏng nặng. Chồng tôi phải mổ đi mổ lại mấy lần. Cũng may là cuối cùng vẫn cứu được cái chân, hiện anh ấy đã hồi phục và đi lại được”.

Tuyên truyền là chưa đủ

Từ đầu năm đến nay, cả nước xảy ra hàng loạt vụ tai nạn giao thông gây hậu quả nghiêm trọng xuất phát từ lỗi vi phạm nồng độ cồn. Từ đó, thông điệp “Không uống rượu bia rồi lái xe”, “Uống rượu bia rồi lái xe là tội ác” xuất hiện thường xuyên trên cộng đồng mạng xã hội cũng như các phương tiện thông tin đại chúng. Tiếp đó, Bộ GTVT cũng ban hành văn bản về việc tăng cường kiểm tra, xử lý các vi phạm liên quan đến việc sử dụng rượu, bia khi làm nhiệm vụ, điều khiển phương tiện tham gia giao thông.

Theo thượng tá Ngô Văn Ương, Phó Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh, đối tượng vi phạm nồng độ cồn chủ yếu là người sử dụng phương tiện cá nhân, khung giờ vi phạm chủ yếu là sau giờ ăn trưa và ăn tối. Song song với các hình thức tuyên truyền trực quan đến tận các khu dân cư, thực hiện kế hoạch của Công an tỉnh về xử lý vi phạm quy định nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ, lực lượng cảnh sát giao thông đã tăng cường lực lượng, phương tiện kỹ thuật, để xử lý vi phạm quy định về nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện giao thông.

Nhiều trường hợp do người vi phạm không còn được tỉnh táo nên có những lời nói, hành động gây mất trật tự tại khu vực tuần tra, gây khó khăn cho lực lượng làm nhiệm vụ. Tuy nhiên, với tinh thần kiên quyết, lực lượng cảnh sát giao thông vẫn lập biên bản đối với người điều khiển phương tiện vi phạm theo đúng quy định của pháp luật.

Ông Nguyễn Thành Trí, Giám đốc Sở GTVT, Phó thường trực Ban ATGT tỉnh Phú Yên cho biết: Để kiềm chế tình trạng vi phạm nồng độ cồn, Ban ATGT tỉnh đã đưa ra nhiều chương trình tuyên truyền cao điểm về nồng độ cồn như Tuyên truyền ATGT tại nơi công cộng, treo các pa nô, bảng tuyên truyền với các thông điệp như: “Tính mạng con người là trên hết”, “Đã uống rượu bia thì không lái xe”… Ban ATGT tỉnh cũng yêu cầu các lực lượng chức năng thường xuyên mở các đợt tuần tra cao điểm xử lý vi phạm nồng độ cồn.

Nguồn: Báo Phú Yên