Bắc Ninh: Hành xử có văn hóa khi tham gia giao thông

Ngày 25/07/2019
Cuối tháng 6 vừa qua, dư luận không khỏi bức xúc trước thái độ vô cảm của tài xế taxi gây tai nạn xong, rồi đứng nhìn 2 nạn nhân ngã văng trên vỉa hè và bỏ đi, để mặc người bị nạn. Điều đáng buồn hơn là rất nhiều phương tiện ô tô đi qua cùng không ít người dân chứng kiến nhưng không ai có động thái gì.

Giáo dục ý thức tham gia giao thông ngay từ nhỏ, dần hình thành nét văn hóa giao thông.

Vụ tai nạn đó khiến 01 người tử vong, 01 người bị thương nặng. Nếu được cấp cứu kịp thời thì liệu có xảy ra sự việc đau lòng như thế! Đây cũng là thói quen thiếu ý thức của nhiều người tham gia giao thông khi thấy va quệt trên đường, chỉ biết xúm vào xem, đôi khi vô tình còn cản đường cấp cứu các nạn nhân bị nạn. Đó chính là cách hành xử thiếu văn hóa trong tham gia giao thông, cần phải chấn chỉnh kịp thời.

Văn hóa giao thông là hành vi ứng xử theo các chuẩn mực của xã hội về lẽ phải, cái đẹp, cái thiện, mà giá trị cốt lõi ở đây chính là tuân thủ pháp luật khi tham gia giao thông trên đường. Mỗi cá nhân tham gia giao thông phải hiểu và tự giác chấp hành nghiêm các quy định về bảo đảm trật tự ATGT. Có trách nhiệm với bản thân và cộng đồng, biết tôn trọng, nhường nhịn, giúp đỡ người khác, có thái độ ứng xử văn minh, lịch sự khi xảy ra va chạm trên đường. Tuy nhiên, điều đáng buồn là xã hội càng phát triển, kéo theo hệ lụy về các tệ nạn xấu càng lớn, trong đó có tai nạn giao thông, nó trở thành vấn nạn toàn cầu. Việt Nam bị đánh giá là nước có số vụ, số người chết, số người bị thương do tai nạn giao thông cao hơn so các nước trên thế giới. Một trong những nguyên nhân chính gây tai nạn xuất phát từ sự thiếu ý thức, kém văn hóa của người tham gia giao thông.

Thực tế cho thấy, hàng ngày lưu thông trên đường, không khó để bắt gặp những hành động “phản cảm” của một bộ phận người tham gia giao thông như vượt đèn đỏ, phóng nhanh, vượt ẩu, lấn làn, vượt sai đường, không đội mũ bảo hiểm... Nhất là khi xảy ra va chạm trên đường, nếu va chạm nhẹ thì cãi vã, chửi bới, đổ lỗi cho nhau, nếu nặng thì tìm cách trốn tránh. Những người đi đường chỉ biết hiếu kỳ xúm lại chen lấn, xô đẩy để xem, không những gây ách tắc giao thông mà còn cản trở lực lượng chức năng, phương tiện cứu hộ làm nhiệm vụ. Những hành vi như thế, thực sự rất đáng lên án nhưng lại khó xử lý vì chế tài chưa đủ mạnh.

Một hiện tượng thiếu văn hóa trong tham gia giao thông và gây không ít bức xúc cho người dân phải kể đến việc sử dụng còi xe trên đường. Tác dụng của còi xe rất hữu ích trong trường hợp báo hiệu cho các phương tiện khác muốn được nhường đường khẩn cấp hay vượt lên trước các phương tiện thô sơ mà không bị cản trở, hoặc cảnh báo nguy hiểm cho những người tham gia giao thông trong một số trường hợp nhất định.

Tuy nhiên, một bộ phận thanh niên “thích” chế còi to và rú inh ỏi trên đường, bất chấp dừng đèn đỏ, hay đêm khuya thanh vắng, khiến không ít người dân giật mình, bức xúc. Đã từng có tai nạn chết người và nhiều vụ va quệt giao thông xảy ra do bấm còi... Những hành vi thiếu văn hóa ấy tưởng như chẳng đáng gì, nhưng thực tế đã để lại hậu quả hết sức nặng nề. Tai nạn xảy ra, làm nhiều người bị thương, tử vong, để lại hệ lụy lâu dài cho gia đình và xã hội. Mỗi người cần phải có trách nhiệm xây dựng văn hoá giao thông ngay từ những hành vi nhỏ hàng ngày trên đường.

Để làm được điều này, các cơ quan chức năng phải xây dựng chiến lược tuyên truyền sâu rộng và dài hơi về ATGT, phù hợp với đặc thù của từng nhóm đối tượng. Hướng dẫn kỹ năng tham gia giao thông an toàn, giúp người dân biết cách tự phòng vệ trước hiểm hoạ TNGT. Luật cần có chế tài đủ mạnh xử lý nghiêm những hành vi thiếu văn hóa trong giao thông, bảo đảm đủ sức răn đe và tạo chuyển biến trong nhận thức của người tham gia giao thông. Mỗi cá nhân phải thực hiện đúng Luật, tôn trọng những người xung quanh, bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản và trật tự nơi công cộng. Có như vậy mới tạo được môi trường giao thông an toàn, thân thiện.

Nguồn: Báo Bắc Ninh