Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể thị sát mặt cầu Thăng Long
Kiểm tra tình trạng mặt đường cầu Thăng Long, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đã trực tiếp thị sát hiện trường mặt cầu Thăng Long. Quan sát tại hiện trường có thể thấy trên mặt cầu Thăng Long đang tồn tại một số vị trí bị hư hỏng, bê tông nhựa mặt đường bị trượt xô dù trước đây đã được sửa chữa.
Theo lãnh đạo Vụ Khoa học và Công nghệ, Tổng cục Đường bộ Việt Nam, cầu Thăng Long do Trung Quốc và Liên Xô giúp Việt Nam hoàn thành vào năm 1985. Sau gần 25 năm khai thác, mặt đường ô tô trên cầu đã bị hư hỏng xuống cấp và được đầu tư sửa chữa các hạng mục: mặt cầu thép, khe co giãn, đường đi bộ dưới, đường đầu cầu và nút giao. Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã triển khai công tác sửa chữa, khắc phục các vị trí hư hỏng của lớp phủ mặt cầu Thăng Long vào các năm 2009, 2013. Từ năm 2016 đến nay, Tống cục Đường bộ Việt Nam thường xuyên duy tu, sửa chữa vá cục bộ các vị trí hư hỏng để đảm bảo an toàn giao thông. Lãnh đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, hiện nay tình trạng và nguyên nhân hư hỏng chủ yếu là: Hư hỏng bê tông nhựa trượt trên mặt bản thép, xô dồn, nứt ngang mặt cầu dạng parabol. Nguyên nhân: do dính bám giữa các lóp bê tông nhựa với bản mặt thép không đảm bảo yêu cầu; Lớp mặt bê tông nhựa bị nứt tập trung ở trên thanh dọc giàn chủ và một số nứt tại khu vực sườn tăng cường. Nguyên nhân: do lưu lượng, tải trọng vượt so với thiết kế ban đầu và bản trực hướng không đủ khả năng chịu tải trọng khai thác hiện tại.
Sau khi kiểm tra tình hình thực tế, nghe báo cáo của lãnh đạo Vụ Khoa học & Công nghệ, Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đánh giá việc sửa chữa mặt cầu Thăng Long hiện nay là yêu cầu rất cấp thiết. Trên cơ sở đó, Bộ trưởng yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam phối hợp với Cục Đường sắt Việt Nam khẩn trương triển khai các thủ tục để tiến hành kiểm định cầu. Đồng thời, Tổng cục Đường bộ Việt Nam sớm có văn bản đề xuất Bộ GTVT cho tiến hành lập dự án sửa chữa mặt cầu.
Lưu lượng, tải trọng phương tiện qua cầu đã vượt thiết kế ban đầu
“Vụ Kết cấu hạ tầng tham mưu cho lãnh đạo Bộ GTVT xem xét bố trí nguồn vốn để sửa chữa mặt cầu Thăng Long”, Bộ trưởng yêu cầu.
Về tiến độ của công trình, Bộ trưởng cho biết, trong năm 2019, các cơ quan liên quan phải cơ bản hoàn thành các thủ tục để đầu năm 2020 tiến hành thi công sửa chữa. “Đợt sửa chữa lần này phải làm triệt để, chất lượng phải đảm bảo. Trong hồ sơ mời thầu phải ghi rõ các điều khoản ràng buộc đối với nhà thầu như chất lượng công trình phải đảm bảo tối thiểu 10 năm, nhà thầu phải chịu trách nhiệm duy tu,…”, Bộ trưởng nói và đặt ra mốc thời gian cho công tác sửa chữa mặt cầu phải hoàn thành cuối năm 2020 để đồng bộ với Dự án đường Vành đai 3 Mai Dịch - Nam Thăng Long.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nghe chủ đầu tư báo cáo về tiến độ xây dựng cầu cạn Mai Dịch - Nam Thăng Long
Tại Dự án xây dựng đường Vành đai 3 đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long, ông Phạm Thanh Bình, Phó giám đốc Ban QLDA Thăng Long (đại diện chủ đầu tư) cho biết, Dự án được khởi công từ tháng 5/2018, thời gian hoàn thành hợp đồng vào tháng 9/2020. Dự án chia làm hai gói thầu xây lắp, gói 1 đoạn Mai Dịch - Cổ Nhuế, gói 2 đoạn Cổ Nhuế - Nam Thăng Long.
“Đến nay, Dự án đã triển khai thi công được 14 tháng, trong đó gói 1 đạt 44,4% khối lượng, chậm 5,3%; gói số 2 thi công đạt 45,2%, chậm 5,6%”, ông Bình nói và cho biết, có nhiều nguyên nhân dẫn tới tiến độ của Dự án thi công chậm. Đầu tiên là điều kiện mặt bằng của Dự án thay đổi nên phải thực hiện một số nội dung điều chỉnh thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật cần thời gian phê duyệt điều chỉnh để triển khai thi công.
“Hơn nữa, việc vận chuyển dầm lớn khoảng 100 tấn phải sử dụng xe siêu trường, siêu trọng nên thủ tục cấp phép do Tổng cục Đường bộ VN quyết định kéo dài, đến giữa tháng 4/2019 mới có giấy phép dẫn đến việc triển khai thi công lắp đặt các nhịp cầu và bản mặt cầu bị chậm”, ông Bình nói và cho biết, một nguyên nhân khác khiến công trình chậm tiến độ do ảnh hưởng của sự kiện ngoại giao Triều Tiên - Hoa Kỳ, Dự án phải dừng thi công khoảng 1 tuần.
Ông Dương Viết Roãn, Giám đốc Ban QLDA Thăng Long cho biết thêm, đến nay, cơ bản mặt bằng của Dự án đã được TP.Hà Nội bàn giao cho các nhà thầu.
“Hiện Ban QLDA Thăng Long đã thống nhất với nhà thầu, tư vấn về các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ thi công. Dự kiến, mỗi tháng sản lượng thi công đạt khoảng 100 tỷ đồng, máy móc, nhân sự của các nhà thầu đã rải đều trên toàn tuyến. Chúng tôi cam kết sẽ hoàn thành công trình đúng tiến độ vào tháng 9/2020”, ông Roãn nói.
Đánh giá Ban QLDA Thăng Long có nhiều nỗ lực, cố gắng trong thời gian qua, tuy nhiên, Bộ trưởng cho rằng, tiến độ thi công, tiến độ giải ngân của dự án vẫn chưa đáp ứng yêu cầu. “Từ đầu năm đến nay, Dự án mới giải ngân được 320 tỷ đồng trong tổng số 900 tỷ đồng, đạt 30% kế hoạch giao năm 2019 là chậm. Do đó, Ban QLDA Thăng Long, các nhà thầu và đơn vị liên quan phải tập trung hơn nữa để đẩy nhanh tiến độ thi công, tiến độ giải ngân của dự án”, Bộ trưởng chỉ đạo.
Theo Bộ trưởng, trước hết, Ban QLDA Thăng Long phải chỉ đạo các nhà thầu tăng cường công tác vận chuyển dầm, gia cố thép thi công bản mặt cầu. Đồng thời, các đơn vị liên quan phải có giải pháp thu hẹp rào chắn, hoàn trả mặt đường để người dân đi lại thuận lợi và phối hợp với TP.Hà Nội xử lý một số vị trí còn vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ thi công cọc khoan nhồi. “Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông phải rà soát lại các nhánh lên xuống của Dự án. Trường hợp điều chỉnh thiết kế cơ sở cần phải đảm bảo tiến độ hoàn thành trước 31/12/2020”, Bộ trưởng lưu ý.
“Tiến độ dự án rất quan trọng, nhưng chất lượng công trình phải đặt lên hàng đầu, không vì bất cứ lý do gì làm ảnh hưởng đến chất lượng công trình này. Trong quá trình thi công, Ban QLDA Thăng Long và các cơ quan liên quan phải giám sát chặt chẽ toàn bộ công đoạn, không được để ra sai sót về chất lượng công trình”, Bộ trưởng yêu cầu.
T.H