Huyện Cát Tiên (Lâm Đồng): Hạ tầng giao thông nông thôn thúc đẩy kinh tế phát triển

Ngày 19/08/2019
Thời gian qua, với sự quan tâm đầu tư của Nhà nước cùng sự chung tay, góp sức của người dân, hạ tầng giao thông vùng nông thôn Cát Tiên đã được đầu tư và phát triển khá đồng bộ, góp phần tạo điều kiện cho kinh tế - xã hội của huyện phát triển.

Một tuyến đường giao thông nông thôn được đầu tư xây dựng
khang trang tại xã Gia Viễn, Cát Tiên. Ảnh: N.T

Giai đoạn phát triển giao thông nông thôn (GTNT) mạnh nhất ở huyện Cát Tiên có lẽ là giai đoạn mà toàn huyện bắt đầu thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới. Xác định hạ tầng GTNT chính là điều kiện cơ bản, là nền tảng để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nên ngay từ những năm đầu triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới, UBND huyện Cát Tiên đã xây dựng kế hoạch về phát triển đường GTNT trên địa bàn huyện, từ đó đầu tư thực hiện cứng hóa GTNT với phương châm “Nhân dân làm công trình, Nhà nước hỗ trợ vật tư”. 

Với phương châm đó, giai đoạn 2010-2015, với sự vào cuộc mạnh mẽ của đội ngũ cán bộ các ban ngành, đoàn thể từ huyện đến cơ sở trong công tác tuyên truyền, vận động người dân chung tay với Nhà nước để thực hiện kế hoạch này, sự hưởng ứng nhiệt tình của người dân, huyện đã cứng hóa được 125 km. Cụ thể, hệ thống đường huyện 10 tuyến (từ ĐH 90 - ĐH 99), tổng chiều dài 79,6 km. Đã cứng hóa 72,6 km, đạt 91,2%. Đường trục thôn, liên thôn đã cứng hóa 189,282/222,583 km, đạt tỷ lệ 85,04%. Đường ngõ xóm đã cứng hóa 23,368/28,2 km, đạt tỷ lệ 82,87%. Đường trục chính nội đồng cứng hóa 58,252/78,034 km, đạt tỷ lệ 74,65%.

Có thể thấy rằng, ngay từ những thời gian đầu, đường giao thông mở đến đâu, bộ mặt nông thôn đổi thay đến đó. Thực tế, phong trào làm đường GTNT đã rất thiết thực, hiệu quả, hợp lòng dân và được Nhân dân vô cùng ủng hộ. Năm 2016, UBND huyện tiếp tục ban hành Kế hoạch số 147 về phát triển hệ thống GTNT trên địa bàn huyện đến năm 2020. Kết quả, từ năm 2016-2019, huyện đã thực hiện cứng hóa thêm 138 tuyến đường với tổng chiều dài 86,607 km, nâng tổng số tuyến đường được cứng hóa lên 334 tuyến với chiều dài 227,267 km. Hiện nay, tỷ lệ cứng hóa đường GTNT trên địa bàn huyện Cát Tiên đạt 84,11%; có 9/9 xã đạt tiêu chí số 2 về giao thông.

Nếu có dịp đến Cát Tiên vào giai đoạn gần đây sẽ nhìn thấy sự thay đổi rõ nét và ngoạn mục về hệ thống hạ tầng GTNT ở huyện nghèo này. Không chỉ cứng hóa đường giao thông, mạng lưới giao thông trên địa bàn huyện hiện được phân bố tương đối hợp lý, từ hệ thống đường tỉnh lộ, đường huyện, đường đô thị, đường GTNT... tạo được sự liên kết; đồng thời nối với mạng giao thông các huyện và các tỉnh lân cận. Hàng loạt các tuyến đường, công trình huyết mạch quan trọng đã được huyện chú trọng kiến nghị các cấp quan tâm đầu tư, nâng cấp, cải tạo và mở mới. Các tuyến đường cơ bản nối từ trung tâm xã đến huyện, các công trình cầu đường, các tuyến đường nối với các xã, thôn vùng sâu, vùng xa khó khăn được quan tâm đầu tư... đã góp phần kết nối về giao thông trên địa bàn, kinh tế - xã hội từ đó cũng từng bước phát triển, đời sống đồng bào các dân tộc được nâng lên cơ bản và rõ nét. 

Đạt được kết quả này, ngoài chủ trương, đường lối và sự chỉ đạo đúng đắn, quyết liệt của các cấp lãnh đạo, 10 năm qua, huyện đã nhận được sự ủng hộ và chung sức của đông đảo quần chúng nhân dân. Nhiều gương điển hình trong hiến đất làm đường giao thông xuất hiện ở tất cả các thôn, xóm trong huyện, từ người nghèo đến người khá giả. Nhiều mạnh thường quân là những người con, người dân đang sinh sống trên mảnh đất Cát Tiên đã tự nguyện đóng góp tiền của, bỏ kinh phí để làm đường giao thông liên thôn, liên xã được bà con, chính quyền các cấp ghi nhận và trân quí... Phong trào hiến đất, góp công làm đường GTNT ở huyện đã thực sự trở thành một phong trào mạnh mẽ, góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn Cát Tiên, đặc biệt là ở những vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. 

Hiệu quả đạt được trong làm đường GTNT đã cho thấy tầm nhìn, sự chỉ đạo tập trung, quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các cấp trong huyện, nhằm hướng đến xây dựng diện mạo mới cho những vùng quê còn khó khăn; đồng thời, góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển theo hướng bền vững. Bởi, với hệ thống GTNT được đầu tư đã cơ bản đáp ứng nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hóa của người dân, nhiều mô hình phát triển kinh tế, cách thức canh tác mới xuất hiện đã thúc đẩy người dân học tập lẫn nhau, xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế gia đình. Các điều kiện học hành, vui chơi của các tầng lớp nhân dân cũng thay đổi theo chiều hướng đi lên. 

Cùng với sự đầu tư đổi thay về hạ tầng giao thông, điện lưới nông thôn, hệ thống điện lưới quốc gia cũng đã phủ kín 100% các xã trên địa bàn huyện, 99,93% hộ dân được sử dụng điện thường xuyên, an toàn từ các nguồn, kết quả có 9/9 xã đạt tiêu chí số 4 về điện. Điện đường phát triển, cơ sở vật chất văn hóa cũng đặc biệt được quan tâm đầu tư và phát huy hiệu quả. 10 năm qua, huyện đã đầu tư 22 nhà sinh hoạt cộng đồng, 8 nhà văn hóa xã và sân vận động cho các xã; sửa chữa nâng cấp 8 nhà sinh hoạt cộng đồng các thôn nhằm phục vụ các hoạt động văn hóa, thể thao, nâng cao đời sống tinh thần của người dân, nâng tổng số xã có nhà văn hóa xã lên 9/9, đạt tỷ lệ 100%; tổng số thôn có nhà văn hóa thôn là 56/56 thôn, đạt 100%. 

Nguồn: Báo Lâm Đồng