Long An: Phát triển hạ tầng giao thông góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn

Ngày 04/09/2019
Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới (XDNTM), tỉnh Long An triển khai đồng bộ các giải pháp, tập trung nguồn vốn, lồng ghép hiệu quả các chương trình, dự án nhằm phát triển hạ tầng nông thôn, trong đó có giao thông. Đây là yêu cầu cấp thiết, mang lại cho nông thôn bộ mặt mới khang trang hơn và được người dân đồng tình ủng hộ.

Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng lãnh đạo tỉnh dự lễ khánh thành
cầu giao thông nông thôn tại huyện Đức Huệ

Bộ mặt nông thôn mới khang trang

Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về XDNTM, trên địa bàn tỉnh Long An có nhiều chuyển biến tích cực về kinh tế - xã hội. Kinh tế tăng trưởng khá cả 3 khu vực, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo đúng định hướng, các chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch. Theo đó, kết cấu hạ tầng bước đầu được đầu tư: Hệ thống điện cơ bản đáp ứng nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của người dân; trường học được xây dựng đáp ứng yêu cầu dạy và học; các xã đều có trạm y tế phục vụ khám bệnh, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân. Đặc biệt, phát triển hạ tầng giao thông nông thôn được tất cả địa phương trong tỉnh chú trọng thực hiện bởi đây là yêu cầu cấp thiết, phục vụ nhu cầu đi lại của người dân, thu hẹp khoảng cách giữa thành thị và nông thôn, mang lại diện mạo mới cho làng quê.

Chủ tịch UBND thành phố Tân An - Lê Công Đỉnh cho biết, đến thời điểm này, 5/5 xã của thành phố được công nhận đạt chuẩn NTM. Đặc biệt, hệ thống giao thông trên địa bàn các xã khá hoàn thiện. 100% số kilômét đường trục xã (44,1km) được trải nhựa hoặc tráng bêtông đạt chuẩn; 100% số kilômét đường trục ấp (57,2km) được tráng bêtông, xi măng đạt chuẩn; 100% số kilômét đường ngõ xóm (69,6km) được cứng hóa, sạch và không lầy lội vào mùa mưa; 100% số kilômét đường trục chính nội đồng (27,5km) được cứng hóa, xe cơ giới hóa đi lại được thuận tiện. Các tuyến đường giao thông bảo đảm an toàn giao thông và vệ sinh môi trường.

Lợi Bình Nhơn được xem là một trong những xã vùng ven TP.Tân An có nhiều tuyến đường giao thông trọng điểm đi qua như Quốc lộ 62, đường cao tốc Trung Lương - TP.HCM, vành đai TP.Tân An. Ngoài ra, xã còn có 6 tuyến đường với tổng chiều dài 15km do TP.Tân An quản lý. Riêng xã quản lý 57 tuyến đường với trên 46km. Chủ tịch UBND xã Lợi Bình Nhơn - Hồ Duy Tâm phấn khởi: "Được sự quan tâm của các cấp, các ngành, Lợi Bình Nhơn được công nhận xã đạt chuẩn NTM năm 2015. Từ đó đến nay, xã tiếp tục củng cố, nâng chất các tiêu chí, đặc biệt là tiêu chí giao thông nông thôn. Bình quân mỗi năm, xã được hỗ trợ khoảng 1 tỉ đồng từ ngân sách để thực hiện hạ tầng, trong đó, tập trung nguồn vốn nhiều nhất cho tiêu chí giao thông. Tất cả tuyến đường giao thông được xã đầu tư theo hình thức Nhà nước và nhân dân cùng làm, trong đó, ngân sách hỗ trợ 70%, nhân dân góp 30% và đất đai, vật kiến trúc khi công trình đi qua. Chủ trương thực hiện giao thông nông thôn được người dân đồng tình ủng hộ. Nhờ vậy, đến nay, 100% tuyến đường do xã quản lý được bêtông hóa với chiều ngang từ 2,5m trở lên, thuận tiện cho người dân đi lại, vận chuyển hàng hóa".


Đường Võ Duy Tạo, xã Lợi Bình Nhơn, TP.Tân An khang trang, sạch đẹp

Đột phá để đáp ứng nhu cầu của người dân

Tân Trụ là một trong những địa phương được đánh giá khá thành công trong XDNTM. Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Trụ - Trịnh Phước Trung, tham gia XDNTM, người dân tích cực hiến đất, đóng góp ngày công lao động, tiền mặt để làm đường giao thông, kênh thủy lợi và các công trình phúc lợi xã hội. Việc giải phóng mặt bằng được thực hiện khá thuận lợi, rút ngắn thời gian thi công, tiết kiệm kinh phí. Hiện 10/10 xã đạt tiêu chí giao thông.

Lạc Tấn là 1 trong 7 xã được công nhận NTM của huyện Tân Trụ. Toàn xã hiện có khoảng 20 tuyến đường do xã quản lý với chiều dài trên 30km. Điều phấn khởi là tất cả tuyến đường trên địa bàn xã từng bước được cải tạo, nâng cấp và bêtông hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Tuyến đường Phan Văn Thê thuộc ấp 3, được xem là một trong những tuyến đường dài của xã Lạc Tấn, trải dài từ Đường tỉnh 833B đến cuối ấp. Bà Trần Thị Kháng, một hộ dân có nhà trên tuyến đường Phan Văn Thê, nói: Trước đây, đường này là đất đỏ rồi được trải đá xanh nhưng nhỏ, hẹp, học sinh đi lại vô cùng khó khăn, nhất là vào mùa mưa. Nhờ chương trình XDNTM, tuyến đường được bê tông lần đầu chỉ rộng 2,5m nhưng nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân ngày càng cao, UBND xã quyết định cùng nhân dân thực hiện mở rộng ra 3m như hiện nay. Sau khi tuyến đường được hoàn thành, các đoàn thể trong ấp phát động người dân sinh sống 2 bên đường làm cột cờ theo quy cách, lắp đặt hệ thống chiếu sáng vào ban đêm và phân công từng thành viên có nhiệm vụ trồng, chăm sóc cây xanh, hoa cảnh để tôn tạo vẻ đẹp đường quê.

Phó Chủ tịch UBND xã Lạc Tấn - Nguyễn Hải Bằng cho biết, Lạc Tấn đang nâng cấp các tiêu chí sau khi đạt chuẩn NTM. Trong đó, xác định phát triển giao thông nông thôn là khâu quan trọng trong thời gian tiếp theo. Hiện xã bắt tay vào các khâu tổ chức để thi công tuyến đường Trần Văn Hai (ấp 4, giai đoạn 3) và Lộ Đình (ấp 5). Cả 2 tuyến đường này dài hơn 1,1km với kinh phí ngân sách hơn 870 triệu đồng, người dân góp thêm kinh phí, ngày công và hiến đất.

Có thể khẳng định, thời gian qua, thực hiện XDNTM, tiêu chí giao thông nông thôn được xem là khâu đột phá của tỉnh Long An, được chú trọng đầu tư, người dân đồng tình và tự nguyện thực hiện. Ở từng địa phương, việc công khai cụ thể cơ chế, mức hỗ trợ vốn ngân sách nhà nước trong đầu tư xây dựng đường giao thông nông thôn đã huy động được sự tham gia tích cực của người dân và toàn xã hội. Phong trào làm đường giao thông nông thôn phát triển rộng khắp, góp phần mang lại bộ mặt mới cho các vùng quê./.​

     

Nguồn: Báo Long An