Móng Cái phát huy lợi thế dịch vụ logistics

Ngày 16/09/2019
TP Móng Cái là một trong những địa phương của Quảng Ninh có nhiều điều kiện thuận lợi phát triển dịch vụ logistics. Xác định rõ lợi thế của địa phương, cấp ủy, chính quyền, ngành chức năng thành phố đang tập trung triển khai thực hiện những giải pháp để phát huy lợi thế này ngày càng hiệu quả.

Cầu Bắc Luân II đi vào hoạt động, đáp ứng tốt nhu cầu lưu chuyển hàng hoá XNK
của các doanh nghiệp qua Cửa khẩu quốc tế Móng Cái.

TP Móng Cái có hệ thống cửa khẩu, lối mở, điểm thông quan rất thuận tiện, như: Cầu Bắc Luân I, Bắc Luân II, cửa khẩu Móng Cái, Ka Long, điểm kiểm tra hàng hóa xuất khẩu Lục Lầm, Đại Vai, Lục Chắn; Cảng cạn ICD Móng Cái; lối mở cầu phao tạm Km3+4 Hải Yên (Móng Cái) - Bến biên mậu Đông Hưng (Trung Quốc); lối mở Pò Hèn (Việt Nam) - Thán Sản (Trung Quốc).

Cùng với đó, thành phố có 7 bến cảng, 9 bến thuỷ nội địa, 16 điểm kiểm tra hàng hoá xuất khẩu... được đầu tư đồng bộ về trang thiết bị kỹ thuật phục vụ cho việc kiểm soát hàng hoá xuất khẩu; hệ thống kho, bến, bãi bốc xếp hàng hoá với tổng diện tích trên 114.665m2, cơ bản đáp ứng tốt nhu cầu trung chuyển hàng hoá và phục vụ hàng hoá XNK của các doanh nghiệp trong, ngoài nước; có 1.471 tàu, đò hoạt động vận chuyển hàng hóa chủ yếu trên sông Ka Long và bến Lục Lầm.

Đó là những lợi thế quan trọng để Khu kinh tế (KKT) cửa khẩu Móng Cái trở thành cửa ngõ trung chuyển hàng hoá sôi động với Trung Quốc và các nước ASEAN. Hiện thực hóa mục tiêu này, thời gian qua, TP Móng Cái đã tập trung triển khai nhiều giải pháp để hoạt động thương mại, logistics trên địa bàn phát triển, đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Trong đó, tập trung huy động tổng nguồn lực vào đầu tư hệ thống bến cảng, bến thủy nội địa, điểm kiểm tra, kho bãi hàng hóa và trang thiết bị kỹ thuật phục vụ hiệu quả việc kiểm soát hàng hoá XNK. Đặc biệt, TP Móng Cái còn có nhiều cơ chế, chính sách nhằm thu hút các nhà đầu tư chiến lược, tập đoàn kinh tế lớn đầu tư vào lĩnh vực thương mại tại địa phương. Nổi bật là Tập đoàn Vingroup với Tổ hợp công nghiệp, dịch vụ và logistic phía Nam sông Lục Lầm tại phường Hải Hòa.

Những năm qua, TP Móng Cái đã tích cực thực hiện nhiều biện pháp đồng hành cùng doanh nghiệp, cải thiện môi trường kinh doanh, đầu tư… nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, tạo môi trường thuận lợi để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, thu hút đầu tư vào KKT cửa khẩu Móng Cái; phối hợp với TP Đông Hưng, khu Phòng Thành (Trung Quốc) tổ chức nhiều cuộc hội đàm trong khuôn khổ hợp tác giữa chính quyền 2 địa phương, nhằm tạo điều kiện môi trường kinh doanh thuận lợi nhất, thông thoáng trong hoạt động kinh doanh thương mại XNK hàng hóa...

Với cách làm trên, bước đầu đã đem lại nhiều kết quả tích cực phát huy lợi thế của hoạt động dịch vụ logistic trên địa bàn ngày càng phát triển nhanh, mạnh và vững chắc. Đến thời điểm này, đã có trên 20 công ty, doanh nghiệp tham gia hoạt động dịch vụ logistics chủ yếu là các hạng mục cảng, kho bãi, phương tiện vận chuyển... với tổng kinh phí đầu tư trên 1 triệu tỷ đồng.

Trong đó, nhiều hạng mục đã hoàn thành đưa vào sử dụng, như: Các cảng Thành Đạt, Minh Thăng, Quang Phát, Hoàng Tiến; hệ thống kho bãi của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực XNK. Trong đó, có 13 kho lạnh đạt tiêu chuẩn đáp ứng tốt nhu cầu lưu chuyển hàng hoá XNK của các doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Móng Cái, khẳng định: Nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển dịch vụ logistics trên địa bàn TP Móng Cái, bên cạnh phát huy hiệu quả các công trình, dự án trọng điểm đã đưa vào hoạt động, thành phố đang tập trung đẩy mạnh hoàn chỉnh điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng KKT cửa khẩu Móng Cái đến năm 2030 tầm nhìn 2050 để làm cơ sở kêu gọi, thu hút đầu tư phát triển cảng biển, dịch vụ cảng biển tại Móng Cái. Thành phố cũng đề nghị Trung ương và tỉnh sớm cho phép Móng Cái được xây dựng Khu hợp tác kinh tế qua biên giới tại khu vực đầu cầu Bắc Luân II, kết nối KKT cửa khẩu Móng Cái với Khu thí điểm khai phát trọng điểm quốc gia Đông Hưng (Trung Quốc); quan tâm cho phép thực hiện thí điểm mô hình giám sát “Một hành lang với hai vùng kiểm soát” tại khu vực cầu phao kết nối giữa điểm kiểm tra hàng hóa xuất khẩu Km3+4 phường Hải Yên (Móng Cái) với Bến biên mậu Đông Hưng (Trung Quốc); đầu tư xây dựng Cảng tổng hợp Vạn Ninh thuộc cụm cảng Vạn Gia với quy mô khoảng 400ha...

Song song với đó, thành phố đẩy mạnh hợp tác với phía cửa khẩu Đông Hưng (Trung Quốc) để nghiên cứu đề xuất thực hiện mô hình “cửa khẩu điện tử”, “một lần dừng, một lần kiểm tra”, khai báo kiểm dịch trên mạng.

Nguồn: Báo Quảng Ninh