Thống kê từ Sở GTVT tỉnh, hiện toàn tỉnh có 40 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi với hơn 3.500 đầu xe. Hầu hết các hãng taxi đều nỗ lực triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng phục vụ, đáp ứng tối đa nhu cầu của khách hàng. Nhiều doanh nghiệp triển khai các phần mềm quản lý, nâng cao chất lượng điều hành, ký hợp đồng vận tải dài hạn với các doanh nghiệp FDI trong và ngoài tỉnh, triển khai hình thức đi trả sau bằng taxicard… Song, do vẫn còn nhiều hãng có quy mô nhỏ (23 hãng có quy mô 50 xe trở xuống; cá biệt, có 7 doanh nghiệp có dưới 20 đầu xe) nên hoạt động chưa hiệu quả, năng lực cạnh tranh thấp, dẫn đến chất lượng dịch vụ không bảo đảm.
Ngoài ra, việc xe taxi dù phát triển mạnh cạnh tranh thiếu lành mạnh với xe taxi truyền thống, chèo kéo, tranh giành khách tại các điểm đỗ taxi, nhà ga, bến xe, bệnh viện… làm giảm doanh số và gây mất an ninh trật tự trong hoạt động vận tải bằng xe taxi.
Lực lượng Thanh tra Giao thông kiểm tra hoạt động kinh doanh vận tải
bằng xe taxi trên địa bàn tỉnh.
Để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý hoạt động vận tải bằng xe taxi, Sở Giao thông vận tải tỉnh phối hợp các cơ quan chức năng, chỉ đạo Thanh tra Sở tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh hoạt động vận tải hành khách bằng xe taxi. Nhất là các hành vi vi phạm quy tắc giao thông của lái xe như: phóng nhanh, vượt ẩu; không chấp hành tín hiệu đèn điều khiển giao thông; dừng, đỗ đón khách tại nơi cấm dừng đỗ; từ chối phục vụ khách đi có cự ly ngắn vẫn còn diễn ra, giao tiếp, ứng xử của lái xe đối với khách chưa đúng mực… Phối hợp với các địa phương, nhất là thành phố Bắc Ninh, thị xã Từ Sơn, các KCN tăng cường diện tích bãi đỗ xe tĩnh, hệ thống điểm đỗ. Bố trí và chỉ đạo lực lượng tổ chức kiểm tra, xử lý tình trạng xe taxi dù cạnh tranh thiếu lành mạnh với xe taxi truyền thống, chèo kéo, tranh giành khách với xe taxi truyền thống tại các điểm đỗ taxi, bến xe, bệnh viện gây mất an ninh trật tự trong hoạt động vận tải hành khách bằng xe taxi.
Về phía các doanh nghiệp kinh doanh vận tải bằng xe taxi phối hợp với Hiệp hội Vận tải tỉnh tuyên truyền, tập huấn pháp luật về an toàn giao thông, nhất là quy tắc giao thông đường bộ và bồi dưỡng nghiệp vụ vận tải, kỹ năng giao tiếp, thái độ phục vụ hành khách cho toàn bộ đội ngũ lái xe taxi. Quán triệt, yêu cầu đội ngũ lái xe taxi của đơn vị mình nghiêm túc chấp hành pháp luật về TTATGT; không ngừng nâng cao đạo đức nghề nghiệp, có tác phong, thái độ ân cần, đúng mực và tận tình phục vụ khách; không được từ chối phục vụ khách đi xe có cự ly ngắn...
Bên cạnh việc tiếp tục đầu tư đổi mới, thay thế phương tiện có chất lượng, nhiều hãng taxi tổ chức lại hoạt động sản xuất kinh doanh bằng cách sáp nhập lại với nhau nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ. Đi đầu là việc thương hiệu Sun Taxi của Công ty CP đầu tư vận tải Ngân Hà sáp nhập vào thương hiệu taxi Thăng Long từ tháng 1/2018.
Ông Lê Hữu Hoàn, Giám đốc Công ty TNHH MTV Vận tải Thăng Long (Taxi Thăng Long) cho biết, với đặc thù của ngành taxi, ngoài chất lượng phương tiện, phong cách, thái độ phục vụ, giá cước, số lượng xe càng nhiều sẽ càng đông khách, ngược lại số lượng xe không đủ bao phủ sẽ bị mất khách bởi mỗi khi khách gọi xe phải chờ lâu hoặc không có xe, lần sau khách sẽ không gọi nữa. Sau gần 2 năm sáp nhập, tổng số xe của hãng nâng lên gần 300 đầu xe, nhờ đó, hãng có thể đáp ứng tối đa nhu cầu đi lại của du khách, nhất là dịp lễ, tết cũng như giảm chi phí gián tiếp, tăng uy tín và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.
Đến nay, ngoài việc Sun Taxi sáp nhập vào Taxi Thăng Long còn có Taxi Đất Cảng sáp nhập vào Taxi Kinh Bắc, mới đây nhất là Taxi Long Biên sáp nhập vào Taxi Sao Hà Nội. Đại diện các hãng đều cho rằng việc sáp nhập với nhau mang lại hiệu quả quản lý, giúp hệ số vận doanh tốt hơn, số km rỗng ít hơn và tình trạng “đua địa chỉ” hao xăng, hại xe và có phần mất an toàn giảm hơn trước, góp phần nâng cao chất lượng vận tải khách trên địa bàn tỉnh.