Theo kế hoạch, đến ngày 31/12, huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa phải hoàn thành việc giải phóng mặt bằng, bàn giao đất nông nghiệp và đến ngày 20/4/2020, công tác giải phóng mặt bằng toàn tuyến phục vụ dự án đường cao tốc Bắc Nam đi qua địa bàn huyện phải hoàn thành.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, nhiều khó khăn, vướng mắc đã phát sinh.
Đoạn tuyến cao tốc Bắc - Nam từ Mai Sơn (Ninh Bình) đến QL45 (Thanh Hoá)
đầu tư theo hình thức PPP (ảnh: Phi Long)
Tuyến cao tốc Bắc Nam đi qua địa bàn 5 xã huyện Tĩnh Gia của tỉnh Thanh Hóa với chiều dài 21,5 km. Đến thời điểm này, việc kiểm kê để áp giá đền bù đang được hội đồng giải phóng mặt bằng phối hợp với các địa phương thực hiện. Sau khi có thông tin về dự án và được bàn giao tuyến, các địa phương đã tăng cường công tác quản lý trật tự xây dựng, không để xảy ra các trường hợp xây dựng trái phép chờ giải toả đền bù.
Ông Nguyễn Ngọc Bê, Chủ tịch UBND xã Tân Trường, huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa cho biết: “Đối với xã Tân Trường sau khi có công bố đường cao tốc Bắc – Nam phía đông chạy qua xã 4,2km, địa phương căn cứ chức năng nhiệm vụ để quản lý tốt việc xây dựng trên địa bàn xã. Trên địa bàn xã không có trường hợp nào vi phạm cơi nới hay trên lộ giới hành lang của đường cao tốc”.
Để phục vụ triển khai dự án đường cao tốc Bắc Nam, huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa phải thu hồi đất đối với hơn 1.100 hộ, trong đó có gần 300 hộ phải thu hồi đất ở. Trước mắt huyện sẽ bố trí 4 khu tái định cư để các hộ bị thu hồi đất ở di chuyển đến. Các khu tái định cư được xây dựng dựa trên nhu cầu thực tế của các hộ bị ảnh hưởng.
Ông Nguyễn Ngọc Hải, người dân thôn 6, xã Tân Trường, huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa chia sẻ: “Được xã thông báo có đường cao tốc phải di dời, chủ trương của nhà nước có tái định cư thì tôi sẽ chấp nhận đi lên đấy”.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Tiến Dũng, Chủ tịch UBND huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa thì đến thời điểm này, huyện vẫn chưa xác định được vị trí các khu tái định cư, chưa bố trí được nguồn vốn để thực hiện. UBND huyện đang đề xuất được vay vốn từ nguồn dự án, để phục vụ xây dựng khu tái định cư, tuy nhiên, nếu không có nguồn sớm, tiến độ xây dựng các khu tái định cư sẽ bị ảnh hưởng.
Bên cạnh đó, việc phải di chuyển và hoàn trả hàng loạt công trình hạ tầng giao thông, thủy lợi, kiến trúc…cũng khó hoàn thành sớm, vì khối lượng công việc rất lớn và phải được thực hiện theo đúng trình tự thủ tục đã được pháp luật quy định.
“Về hạ tầng kỹ thuật, hiện nay chúng tôi đã phối hợp được với các ban quản lý dự án của Bộ giao thông của các chủ đầu tư để thỏa thuận thống nhất các vị trí di chuyển, để xây dựng các phương án di chuyển, mà cái này phải thực hiện trên luật đầu tư công. Tất cả cái này ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ thực hiện, mà thời gian Bộ yêu cầu đến 20/4 phải hoàn thành toàn bộ, đây là một tiến độ rất ngắn, chúng tôi thấy rất là lo và có nhiều băn khoăn trong quá trình làm”, ông Tiến Dũng nói.
Được biết, đến nay dự án vẫn chưa có đồ án thiết kế kỹ thuật; bản đồ trích đo giải phóng mặt bằng cũng chưa được sở Tài nguyên môi trường Thanh Hóa phê duyệt. Đây cũng đang là những vướng mắc ảnh hưởng đến tiến độ giải phóng mặt bằng của các địa phương.
Những khó khăn nêu trên nếu được phối hợp giải quyết tốt, sẽ là điều kiện thuận lợi để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng của cả dự án./.