An Giang: Chiếc cầu nối “nhịp bờ vui”

Ngày 02/10/2019
Gọi là chiếc cầu “nối nhịp bờ vui” vì từ khi được xây dựng thì niềm vui của người dân vùng đất “núi Thoại, sông Hà” cứ thế được nhân lên. Đời sống, việc đi lại, giao thương giữa đôi bờ thuận tiện hơn rất nhiều.

Những cây cầu góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương

“Không riêng gì tôi mà nhiều người dân khác trên địa bàn xã Thoại Giang vô cùng vui mừng khi thấy cầu Thoại Ngọc Hầu sừng sững, vững chãi mỗi ngày. Cũng từ đây, con em chúng tôi đi học thuận tiện hơn vì không phải qua đò ngang như trước đây. Nhớ trước kia khi chưa có cầu, người dân ấp Bắc Thạnh và ấp Mỹ Giang (Thoại Giang) khá khó khăn khi muốn sang thị trấn Núi Sập vì phải qua đò, tốn chi phí và thời gian. Lúc đó, chúng tôi thường ước rằng, phải chi có một cây cầu bắc ngang đây thì việc đi lại sẽ thuận tiện hơn nhiều lắm! không ngờ hôm nay mơ ước ấy đã thành hiện thực, khi cầu Thoại Ngọc Hầu đã được khánh thành và đưa vào sử dụng đúng dịp kỷ niệm những sự kiện đặc biệt của huyện Thoại Sơn- 40 năm tái lập huyện và huyện nông thôn mới. Chúng tôi rất vui vì sự quan tâm của lãnh đạo địa phương và hứa sẽ cùng nhau ra sức giữ gìn, bảo quản thật tốt để cầu Thoại Ngọc Hầu sử dụng lâu dài!”, ông Phan Văn Hảo (sinh năm 1956, ngụ ấp Bắc Thạnh, xã Thoại Giang, Thoại Sơn, An Giang) bày tỏ niềm phấn khởi trên cây cầu mới mang tên vị danh thần mở cõi một thời.

Thoại Sơn, An Giang có hệ thống sông ngòi chằng chịt, giao thông trước đây rất khó khăn. Trên đà phát triển chung của xã hội, hệ thống giao thông đường bộ trên địa bàn huyện từng bước được đầu tư xây dựng và phát triển. Với cây cầu mới này, cuộc sống của người dân ở ấp Bắc Thạnh sẽ có nhiều đổi thay hơn. Học sinh đến trường không còn phải lo lắng mỗi lần đi qua đò. Còn người lớn, niềm vui được nhân lên khi việc đi lại và vận chuyển hàng hóa, nông sản dễ dàng hơn.

Cầu Thoại Ngọc Hầu được khởi công xây dựng vào ngày 1/3/2019 theo hình chữ T gồm: cầu chính và 2 nhánh phụ, tổng chiều dài cầu 135m, chiều rộng từ 3 - 4,5m với kết cấu thép mạ kẽm, tải trọng 5 tấn. Qua 4 tháng thi công, cây cầu đã hoàn thành trong niềm hân hoan, phấn khởi của nhân dân trên địa bàn. Có thể nói, cầu Thoại Ngọc Hầu hoàn thành có ý nghĩa rất quan trọng, không chỉ phục vụ việc đi lại của người dân mà còn phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của địa phương.

Ấp Bắc Thạnh là nơi dân cư sinh sống tập trung đông và lâu đời. Tuy có vị trí nằm gần trung tâm hành chính huyện, nhưng việc lưu thông bằng đường bộ qua trung tâm huyện của bà con khá vất vả. Vì thế, việc xây dựng cầu Thoại Ngọc Hầu kết nối ấp Bắc Thạnh (Thoại Giang) và thị trấn Núi Sập là nhu cầu chính đáng và thật sự cần thiết, góp phần hoàn thiện đồng bộ hệ thống hạ tầng giao thông, rút ngắn thời gian đi lại của người dân”- Phó Chủ tịch UBND huyện Thoại Sơn Dương Ngọc Lắm cho biết.

Có thể nói, cầu Thoại Ngọc Hầu là một trong những công trình giao thông trọng điểm của huyện Thoại Sơn. Công trình hoàn thành và đưa vào sử dụng sẽ tạo ra mạng lưới giao thông đồng bộ. Không chỉ tạo nên sự chuyển biến cho diện mạo kinh tế- xã hội mà còn là minh chứng cho sự vươn lên hiện đại hơn, giàu đẹp hơn trên mảnh đất ông Thoại. “Nhịp bờ vui” đâu chỉ dừng lại ở đó, những ngày cuối tháng 8 vừa qua, UBND huyện Thoại Sơn đã khánh thành cầu Thoại Hà 4 bắc qua kênh Thoại Hà, kết nối giao thương 2 xã Định Thành và Định Mỹ. Cầu được kết cấu thép mạ kẽm, dài 76m (3 nhịp), tải trọng 5 tấn, chiều cao thông thuyền 7m, với tổng kinh phí đầu tư 7 tỷ 433 triệu đồng từ nguồn ngân sách huyện và nhân dân 2 xã đóng góp. Sự góp mặt của cầu Thoại Hà 4 không chỉ hoàn chỉnh hơn hệ thống giao thông huyện Thoại Sơn, mà còn giải quyết tốt nhu cầu đi lại, giao thương của người dân 2 xã Định Mỹ và Định Thành. Bởi trước đây, người dân địa phương chỉ có một cách để qua bờ đối diện nhanh nhất là đi đò. Mà theo chia sẻ của bà con, việc đi đò mùa nắng thì không sao nhưng những khi mưa thì rất vất vả, khó khăn.

Những cây cầu nối “nhịp bờ vui” thể hiện cho "ý Đảng, lòng dân". Trong cuộc sống hiện đại, chiếc cầu cũng có thể trở thành nơi gặp gỡ, đón đưa, hò hẹn, khiến mỗi chúng ta khi đi đâu xa cũng muốn quay về.

Về để cảm nhận vẻ đẹp của quê hương đang đổi thay từng ngày và về để thấy mình cần dốc sức nhiều hơn để phát triển quê hương.

Nguồn: Báo An Giang