Yên Bái đột phá phát triển giao thông nông thôn - từ chủ trương đến hành động

Ngày 07/10/2019
Đường bê tông nối liền thôn, bản; đường bê tông dẫn ra đồng ruộng rồi chạy lên những lưng đồi xanh ngát. Hệ thống đường giao thông được mở mới, kiên cố hóa đã, đang tạo động lực giúp nhân dân các dân tộc trong tỉnh phát triển kinh tế nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống.

Đã có thời, mỗi khi nhắc đến những xã vùng cao như: Làng Nhì, Tà Si Láng, huyện Trạm Tấu; An Lương, Suối Quyền, Sùng Đô, huyện Văn Chấn; Lao Chải, Mồ Dề, Chế Tạo, huyện Mù Cang Chải… ai cũng lắc đầu bởi đường khó, nguy hiểm. Vậy mà giờ đây, 100% địa phương đã có đường ô tô đến trung tâm xã, giao thông thuận tiện, đi lại được cả trong 4 mùa. 

Đây thực sự là kỳ tích bởi trong bối cảnh Yên Bái vốn là tỉnh miền núi, địa hình chia cắt, hiểm trở nguồn lực đầu tư cho giao thông hạn chế, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, trình độ không đồng đều nên việc mở rộng, kiên cố hóa các tuyến đường GTNT gần như là bất khả thi. 

Thế nhưng, ngay khi đề án phát triển GTNT được xây dựng và đưa vào triển khai đã tạo nên những đột phá trong phát triển GTNT. Tùy điều kiện cụ thể, mỗi địa phương đã có những cách làm riêng để huy động, vận động nhân dân tham gia làm đường như nơi có đá thì góp đá, có cát, sỏi thì góp cát sỏi, góp công san nền, đánh đất rồi tiền mặt... 

Những giải pháp đó, đã nhận được sự đồng tình ủng hộ của nhân dân các dân tộc trong tỉnh và tạo nên một phong trào làm đường GTNT rộng khắp. Mỗi năm, hàng trăm héc - ta đất đã được hiến cho làm đường, hàng nghìn công lao động được nhân dân đóng góp. 

Phong trào làm đường GTNT lan tỏa từ các huyện: Lục Yên, Văn Yên, Văn Chấn… đến các huyện vùng cao đặc biệt khó khăn như Trạm Tấu, Mù Cang Chải, đâu đâu cũng là "đại công trường” giao thông. 

Nhờ đó, những tuyến đường bê tông, đường nhựa dần được hình thành, đạt tiêu chuẩn đường miền núi ngày một nối dài và vươn đến tất cả các xã, các bản làng từ vùng thấp đến vùng cao. Ngoài những tuyến đường vào cấp, nhiều địa phương đã có những sáng tạo trong phát triển GTNT. Đơn cử như huyện Văn Yên, để cứng hóa, bảo đảm nhu cầu đi lại cho nhân dân các thôn, bản vùng cao, huyện đã triển khai xây dựng các tuyến đường đặc thù với quy mô bề rộng 1m, dày 12cm. 

Ưu điểm của kiểu đường này là suất đầu tư thu nhỏ, trong khi chiều dài cứng hóa được tăng lên và phục vụ được nhân dân tại nhiều thôn, bản. Tính riêng trong năm 2018, huyện Văn Yên đã thực hiện được 30,726km đường đặc thù. Hay như tại huyện vùng cao Mù Cang Chải, dù nguồn đầu tư của Nhà nước hạn chế, đời sống người dân còn khó khăn nhưng huyện đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động để làm thay đổi nhận thức của người dân về làm đường GTNT.

Nhờ đó, tại nhiều địa phương, người dân đã tự đứng ra thu, chi, bầu ra một nhóm gồm trưởng nhóm, kế toán và giám sát chi, mọi thứ đều minh bạch, công khai. Chính quyền và đơn vị chức năng chỉ cần đứng ra hỗ trợ về kỹ thuật, chuyên môn nên các tuyến đường được triển khai nhanh chóng, đồng thuận. 

Ngoài những tuyến đường được kiên cố hóa theo đề án phát triển GTNT, giảm nghèo thì trong 9 tháng năm 2019, huyện Mù Cang Chải đã kiên cố hóa 50 km loại đường rộng 1 m dẫn đi các thôn, bản, khu sản xuất.

Nhân dân xã Yên Thái, huyện Văn Yên tham gia kiên cố hóa đường giao thông nông thôn

Theo báo cáo, trong 10 năm qua, toàn tỉnh đã huy động trên 4.156 tỷ đồng cho phát triển GTNT, trong đó, vốn Nhà nước trên 2.441 tỷ đồng, vốn nhân dân đóng góp trên 805 tỷ đồng, vốn hợp pháp khác trên 908 tỷ đồng. 

Từ nguồn vốn trên, toàn tỉnh đã kiên cố hóa 2.216,30km mặt đường bê tông xi măng, mở mới 2.130,22km đường đất, xây dựng 2.456 công trình thoát nước và 51 cầu dân sinh; trong đó, 1.056,22km mặt đường bê tông xi măng, 1.315,70km đường đất, 857 công trình thoát nước được thực hiện theo đề án phát triển GTNT. 

Thực tế cho thấy, những địa phương làm tốt phong trào làm đường GTNT là những địa phương biết quan tâm, sâu sát, tuyên truyền vận động và minh bạch trong các khoản đóng góp của nhân dân, người dân đã tích cực góp công, góp của, sức lực làm đường, nhiều xã tỷ lệ đóng góp lên tới 60 - 70% giá trị công trình. 

Giao thông phát triển cũng đồng nghĩa với sự thúc đẩy kinh tế - xã hội các địa phương. Bởi lẽ, sản phẩm do nông dân sản xuất ra được vận chuyển về nhà và đi tiêu thụ thuận lợi, là động lực phát triển hàng hóa, nâng cao giá trị kinh tế. 

Đường thôn bản nối đường xã, đường xã vào đường huyện, đường tỉnh và nối liền với quốc lộ và các tỉnh lân cận tạo thành một mạng lưới liên hoàn khép kín. Trước, đường không vào cấp, ách tắc, sản phẩm nông nghiệp, lâm nghiệp của nông dân sản xuất ra chủ yếu là tự sản tự tiêu, chỉ có một phần nhỏ do các tư thương vận chuyển bằng xe thô sơ, xe máy nên hiệu quả kinh tế không cao, khó kích thích phát triển. 

Nay giao thông thông suốt, hàng ngày xe ô tô hạng lớn, hạng nhỏ từ Hà Nội, Phú Thọ, Lào Cai chở hàng đến tận thôn, bản; thậm chí, tới tận nơi sản xuất để trao đổi mua bán rồi lại chất đầy sản phẩm đi khắp nơi tiêu thụ. Nhờ đó, kinh tế - xã hội có bước phát triển ổn định, tăng trưởng khá, thu nhập bình quân đầu người liên tục tăng. 

Tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2019, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tỉnh đạt 6,81% (tăng 0,21% so với kịch bản tăng trưởng và đạt mức cao nhất trong 4 năm gần đây). Trong đó, khu vực nông lâm nghiệp, thủy sản tăng 6,06%, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 9,45%, khu vực dịch vụ tăng 5,9% thuế sản phẩm, trừ trợ cấp sản phẩm tăng 5,66%. Sự tăng trưởng, phát triển này, có sự đóng góp không nhỏ của mạng lưới giao thông, nhất là hệ thống GTNT.

Những thành tựu đã đạt được trong phát triển GTNT thực sự là bước đột phá cả trong chủ trương, chính sách của các cấp chính quyền đến ý thức, nhận thức của người dân. GTNT đã mang lại những đổi thay rõ nét, sự phát triển về mọi mặt đời sống, kinh tế - xã hội ở mỗi miền quê. 

Nguồn: Báo Yên Bái