Thanh Hóa: Phát triển giao thông nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới

Ngày 21/10/2019
Thời gian qua, các địa phương trong tỉnh Thanh Hóa đã tranh thủ sự hỗ trợ của Nhà nước, cân đối nguồn ngân sách địa phương, lồng ghép với các chương trình, dự án khác và huy động nguồn lực trong nhân dân để xây dựng, hoàn thiện hệ thống giao thông nông thôn (GTNT) nhằm bảo đảm thuận lợi cho lưu thông, thúc đẩy giao thương hàng hóa, phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân.

Thi công tuyến đường giao thông nông thôn tại xã Cẩm Yên (Cẩm Thủy)

Là đơn vị được phân công nhiệm vụ triển khai thực hiện tiêu chí số 2 về giao thông, Sở GTVT đã nỗ lực phối hợp với Văn phòng Điều phối nông thôn mới (NTM) các huyện, thị xã, thành phố tổ chức triển khai và tuyên truyền cho người dân cùng chung sức để thực hiện tiêu chí. Vì vậy, mạng lưới GTNT trong tỉnh không ngừng được đầu tư mở rộng, nâng cấp đã góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, khơi dậy tiềm năng của các vùng miền, góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn. Nhờ GTNT phát triển nên việc vận chuyển hàng hóa, nông sản, giao lưu, buôn bán, đi lại của nhân dân được thuận lợi, kinh tế - xã hội phát triển.

Để làm tốt việc huy động nguồn vốn theo hướng đa dạng, tỉnh ta tranh thủ các nguồn vốn của Trung ương, lồng ghép có hiệu quả các đề án liên quan đến xây dựng đường GTNT... Trong hơn 9 năm (từ 2010-2019), tổng nguồn vốn huy động tham gia xây dựng GTNT trên địa bàn tỉnh đạt 3.500 tỷ đồng. Trong đó, các địa phương huy động được nguồn vốn cao, như: Thọ Xuân, Vĩnh Lộc, Yên Định, TP Thanh Hóa... Vốn huy động trong nhân dân để xây dựng hệ thống giao thông đạt hơn 150 tỷ đồng, nhiều hộ dân đã tự nguyện hiến hàng ngàn m2 đất, hoa màu, chặt hàng ngàn cây cối để làm đường GTNT... Tính đến hết tháng 9-2019, toàn tỉnh đã triển khai thực hiện đầu tư, cải tạo, nâng cấp 13.965 km đường GTNT và sửa chữa, xây mới 1.846 cầu, góp phần đưa 443 xã đạt chuẩn về tiêu chí giao thông, chiếm 77,9% số xã trên toàn tỉnh.

Khảo sát thực tế của ngành giao thông - vận tải cho thấy, 100% các xã trên địa bàn tỉnh có đường ô tô đến trung tâm xã và 91% đường đến các thôn, bản được cứng hóa bảo đảm chất lượng. Hạ tầng GTNT được cải tạo, mở rộng, kết nối hài hòa với mạng lưới quốc lộ, đường tỉnh không chỉ đáp ứng việc đi lại tốt hơn của nhân dân mà còn bảo đảm khả năng “đi trước” một bước, tạo động lực, thu hút đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế... Sản xuất nông nghiệp có nhiều cơ hội phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Thu hút đầu tư phát triển sản xuất công nghiệp, dịch vụ, nhất là nhóm các nghề sử dụng nhiều lao động về khu vực nông thôn, miền núi...

Tuy nhiên, theo phân tích, đánh giá của Sở GTVT về những hạn chế trong quá trình thực hiện tiêu chí giao thông trên địa bàn tỉnh thì các địa phương đều lựa chọn các tuyến đường GTNT thuận lợi và xuyên qua khu vực đông dân cư để thực hiện đầu tư, xây dựng mới, nâng cấp. Do đó, hiện tại, những tuyến đường GTNT chưa được hoàn thiện đều thuộc những tuyến khó khăn, đòi hỏi nguồn kinh phí đầu tư lớn; chủ đầu tư các tuyến đường GTNT là UBND cấp xã, nên chuyên môn, nghiệp vụ về xây dựng cơ bản còn hạn chế, công tác cập nhật số liệu tài chính thực hiện còn chậm, chưa thống nhất, việc quyết toán và tổng hợp báo cáo bổ sung nguồn vốn cho các công trình đã hoàn thành chưa hiệu quả, gây ảnh hưởng trong quá trình huy động các nguồn lực triển khai các dự án khác. Ngoài ra, hầu hết những tuyến đường GTNT được thi công ở những giai đoạn trước đều chưa đáp ứng được các yêu cầu về chiều rộng, chưa có hệ thống cống rãnh tiêu thoát nước và nắp đậy đáp ứng tiêu chí giao thông trong xây dựng NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu...

Chương trình xây dựng NTM nói chung và quá trình hoàn thiện hệ thống GTNT nói riêng là chương trình toàn diện, lâu dài. Bởi vậy, để việc hoàn thành mục tiêu đến giai đoạn 2021-2025 toàn tỉnh có 100% số xã đạt chuẩn NTM, 70 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 50 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, về tiêu chí giao thông rất cần cấp ủy, chính quyền các cấp quyết liệt triển khai thực hiện có hiệu quả việc đầu tư xây dựng đường GTNT theo kế hoạch đã đề ra. Đồng thời, các cấp chính quyền địa phương cần tuyên truyền thường xuyên, sâu rộng, thiết thực với nhiều hình thức khác nhau trong mọi tầng lớp nhân dân; phổ biến cho người dân hiểu rõ về chủ trương, cơ chế, chính sách, quyền lợi và nghĩa vụ của mỗi cá nhân, cộng đồng thôn, bản trong quá trình xây dựng đường GTNT trên địa bàn. Bên cạnh đó, các địa phương cần chú trọng công tác duy tu, bảo dưỡng các tuyến đường GTNT nhằm phát huy hiệu quả và nâng cao thời gian sử dụng cho các tuyến đường.

Nguồn: Báo Thanh Hóa