Cần thêm 1.600 cầu dân sinh phục vụ bà con nhân dân vùng sâu vùng xa

Ngày 08/11/2019
Tổng cục Đường bộ VN vừa thực hiện kiểm tra tiến độ thi công 2 cầu dân sinh gồm cầu Xóm Sung (xã Tân Hối, huyện Tân Lạc) và cầu xóm Vé thuộc xã Tân Vinh, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình, đây là 2 cầu thuộc dự án xây dựng cầu dân sinh và quản lý tài sản đường địa phương (LRAMP).

Tổng cục trưởng Tổng cục ĐBVN Nguyễn Văn Huyện kiểm tra bản vẽ thiết kế
cầu dân sinh xóm Sung (Hòa Bình).

Đến thời điểm hiện tại Tổng cục ĐBVN đã khởi công xây dựng 1.972 cầu đã hoàn thành 1.359 cầu dự kiến sẽ hết năm 2019 sẽ hoàn thành 1.800 cầu dân sinh trong năm nay. Tuy nhiên, số cầu này là chưa đủ so với nhu cầu của bà con nhân dân vùng sâu vùng xa.

Qua tìm hiểu của phóng viên, trước khi những cây cầu này được xây dựng, việc đi lại của nhân dân tại các địa phương ở Hòa Bình gặp rất nhiều khó khăn. Đặc biệt vào mùa mưa lũ, các hộ dân phải cùng nhau lắp ghép những cây tre, nứa thành bè để qua dòng nước xiết, nguy hiểm đến tính mạng.

Trao đổi với phóng viên, anh Đinh Quang Hường, trưởng xóm Vé, xã Tân Vinh, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình cho biết, bao đời nay người dân xóm Vé bị chia cắt bởi dòng sông Bùi. Niềm mong ước mấy chục năm có một cây cầu cuối cùng cũng đến. Công trình được đưa vào sử dụng góp phần kết nối giao thông, tạo điều kiện thuận lợi, giúp bà không không còn cảnh lội suối vào mùa hè, đi bè mảng vào mùa nước lũ, phụ huynh không còn lo sợ khi con em mình đi học mùa mưa bão.

Chị Vũ Thị Liên, người dân xóm vé cho biết: khi cây cầu hoàn thành nhân dân vui lắm, cả thôn tối đó không ngủ, trẻ con chạy đi, chạy lại trên cây cầu ca hát, chúng tôi vui lắm giờ không sợ mùa nước lũ về rồi.  

Còn đối với Cụ Bùi Thị Tuất 70 tuổi (người dân tộc Mường) thì niềm vui của Cụ là ngày nào cũng được lên rừng kiếm củi mà không phải băng qua suối nữa. Cụ kể mỗi buổi lên rừng kiếm củi về bán được 20.000 đồng, hồi chưa xây cầu cụ phải đi qua cầu gỗ, cây cầu này xây dựng đã lâu nên đi qua rất nguy hiểm, đến mùa nước lũ thì không thể qua sông kiếm củi được nữa.

 Niềm vui của Cụ Bùi Thị Tuất khi đi trên cây cầu mới.

Ông Bùi Đức Hậu, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Hòa Bình cho biết, cầu Xóm Sung và cầu Xóm Vé là 2 trong 50 cầu dân sinh thuộc dự án LRAMP được xây dựng trên địa bàn tỉnh Hòa Bình, thay thế những cây cầu treo cũ nát, mất an toàn giao thông, hoặc những nơi ngầm nước mùa mưa lũ gây nguy hiểm cho bà con khi lội suối đi lại. Những cây cầu hoàn thành giúp phục vụ nhu cầu đi lại của người dân, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nhất là các huyện, xã vùng sâu, vùng xa.

 Ông Hậu cũng cho biết, qua khảo sát Hòa Bình còn rất nhiều vùng sâu  cần được xây dựng cầu. Vì vậy, thời gian tới, tỉnh Hòa Bình mong muốn Bộ GTVT, Tổng cục Đường bộ VN tạo điều kiện để địa phương có thêm những cây cầu mới, giúp giao thông được thông suốt bốn mùa, tạo động lực thúc đẩy kinh tế tại các vùng khó khăn phát triển.

Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam Nguyễn Văn Huyện, cho biết, hợp phần cầu dân sinh là 1 trong 3 hợp phần chính thuộc dự án LRAMP do Tổng cục Đường bộ VN làm chủ đầu tư.

Ông Nguyễn Văn Huyện cho biết qua gần 3 năm thực hiện, hợp phần này triển khai nhanh khoảng 1 năm so với kế hoạch chung của dự án. Tính đến thời điểm hiện tại, tổng số cầu đã khởi công lên đến 1.972 cầu, đạt 91% số lượng cầu tối thiểu của dự án. Số cầu đã hoàn thành là 1.359 cầu so với kế hoạch là 1.000 cầu. Dự kiến đến hết năm 2019, sẽ có khoảng 1.800 cầu được hoàn thành.

"Đặc biệt, trong quá trình đấu thầu hợp phần cầu đã tiết kiệm và xây thêm được khoảng 270 cây cầu. Hết năm 2020, chúng ta sẽ hoàn thành được 2.444 cây cầu, vượt số cầu thực hiện trong sự án LRAMP so với Hiệp định (2.174 cầu)”, ông Huyện thông tin.

Cũng theo Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Huyện, dự án LRAMP tại Việt Nam được Ngân hàng thế giới (WB) đánh giá rất cao về tiến độ thi công, tiến độ giải ngân và các vấn đề về môi trường, giá thành.

 Có thể nói, những cây cầu được xây dựng đã góp phần hiệu quả giúp các địa phương vùng sâu vùng xa, bà con dân tộc thiểu số xóa đói giảm nghèo, tiến tơi xây dựng nông thôn mới. Trên cơ sở đó, Tổng cục Đường bộ Việt Nam mong muốn Chính phủ đồng thuận cho phép vay vốn WB tiếp tục thi công khoảng 1.600 cầu còn lại (trên tổng số 4.145 cây cầu được Chính phủ phê duyệt) để giúp các đồng bào dân tộc được hưởng sự quan tâm của xã hội, nâng cao đời sống văn hóa", Tổng cục trưởng cho biết.

K.H