Bắc Ninh: Phát triển hệ thống cầu lớn tăng năng lực giao thông

Ngày 27/11/2019
Những năm qua, với mục tiêu tăng khả năng kết nối giao thông, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, tạo điểm nhấn kiến trúc, khai thác giá trị tài nguyên đất đai, Bắc Ninh phối hợp với các tỉnh lân cận tranh thủ nguồn vốn đầu tư từ Trung ương, cũng như huy động tối đa mọi nguồn vốn trong tỉnh đầu tư xây dựng hệ thống cầu đặc biệt là cầu vượt 3 sông lớn (sông Đuống, sông Cầu, sông Thái Bình) và gần 10 sông nhỏ do địa phương quản lý, nối liền các huyện trong tỉnh cũng như với các tỉnh lân cận tạo thuận lợi trong phát triển kinh tế - xã hội.

Đến nay, trên địa bàn tỉnh hiện đã có 2 cầu lớn bắc qua sông Đuống kết nối nội tỉnh gồm cầu Hồ (khánh thành năm 2000) và cầu Bình Than (khánh thành và đưa vào sử dụng từ năm 2015); 3 cầu bắc qua sông Cầu nối Bắc Ninh với Bắc Giang và các tỉnh phía Đông Bắc gồm: cầu Như Nguyệt trên tuyến Quốc lộ 1, cầu Mai Đình - Đông Xuyên và cầu Quế Tân; bắc qua sông Thái Bình là cầu Phả Lại trên tuyến QL18. Các cây cầu được hoàn thành từng bước hoàn thiện hệ thống giao thông của tỉnh, góp phần hình thành mạng giao thông khép kín không chỉ trong tỉnh mà còn kết nối liên hoàn giao thông khu vực với các tỉnh, thành phố phụ cận qua hệ thống Quốc lộ và các tuyến Tỉnh lộ góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh, phòng chống thiên tai, tiết kiệm chi phí vận tải đường bộ, khai thác tiềm năng kinh tế.

Hiện tại, ngành GTVT đang tập trung mọi nguồn lực triển khai xây dựng cầu Phật Tích - Đại Đồng Thành qua sông Đuống dài 1.518 m, tổng mức đầu tư gần 1.927 tỷ đồng để hoàn thành vào năm 2020. Đây là cây cầu được thiết kế quy mô vĩnh cửu, bê tông cốt thép, kết hợp vòm thép và hệ dây cáp treo vào mặt cầu; mặt cắt ngang cầu rộng 22,5m, thiết kế 4 làn xe ô tô, lề bộ hành mỗi bên 2m, khổ thông thuyền rộng 50m, cao 9,5m, cầu chính dài 440m, cầu dẫn hai bên dài gần 800m. Khi hoàn thành đưa vào sử dụng cầu Phật Tích- Đại Đồng Thành sẽ nối liền 2 huyện Thuận Thành, Tiên Du, kết nối liên hoàn giao thông khu vực; từng bước hoàn thiện hệ thống giao thông của tỉnh, góp phần hình thành mạng giao thông khép kín giữa khu vực Bắc Đuống và Nam Đuống của tỉnh. Đồng thời, kết nối với các tỉnh phụ cận góp phần tiết kiệm chi phí vận tải đường bộ, khai thác tiềm năng phát triển. Đặc biệt, khi cây cầu hoàn thành sẽ kết nối các khu di tích lịch sử như: Lăng và Đền thờ Thủy tổ Kinh Dương Vương, chùa Bút Tháp với chùa Phật Tích, Đền Đô... và nhiều di tích khác được nhà nước xếp hạng, tạo điều kiện cho phát triển du lịch và dịch vụ.

Cầu Bình Than nhìn từ trên cao.

Hiện tại, cùng với triển khai thi công cầu Phật Tích - Đại Đồng Thành, ngành GTVT tỉnh cũng đang tích cực triển khai các bước để sang năm 2020 có thể khởi công xây dựng cầu Chì nối 2 huyện Quế Võ, Gia Bình. Theo Quyết định được UBND tỉnh phê duyệt, Dự án có chiều dài hơn 4,1km, trong đó phần cầu hơn 2,1km; vận tốc thiết kế 80km/h, nền đường rộng 17m, tổng kinh phí gần 1.900 tỷ đồng, thời gian thực hiện từ năm 2019-2025… Cầu chính được thiết kế dây văng 1 mặt phẳng dây, 1 trụ tháp; cầu dẫn sử dụng kết cấu dầm Super T đúc sẵn… Cuối tháng 8 vừa qua, Sở GTVT tổ chức lấy ý kiến về thiết kế kiến trúc công trình theo 3 nhóm ý tưởng chính gồm: Ý tưởng từ “Dân ca quan họ Bắc Ninh”, ý tưởng từ “Xứng danh đất học Kinh Bắc” và ý tưởng từ “Bắc Ninh mảnh đất địa linh nhân kiệt”. Từ đó, đánh giá cụ thể tính khả thi của các phương án kiến trúc, công nghệ xây dựng, hiệu quả đầu tư và điều kiện thực tế, giao đơn vị tư vấn thiết kế tiếp thu, điều chỉnh, hoàn thiện các phương án thiết kế kiến trúc khả thi nhất.

Ngoài ra, theo Quy hoạch GTVT tỉnh định hướng đến năm 2030, mạng lưới đường bộ của tỉnh sẽ tiếp tục phải đầu tư xây dựng mới 2 cầu qua sông Đuống gồm: Cầu Vạn Ninh trên trục đường 285B và cầu Hoài Thượng trên tuyến Vành đai IV nối các huyện Thuận Thành, Quế Võ với Gia Bình. Qua sông Thái Bình dự kiến xây dựng cầu Kênh Vàng nối tuyến đường tỉnh 281 từ huyện Lương Tài sang tỉnh Hải Dương. Trong đó, ưu tiên những cây cầu có giá trị kết nối giao thương lớn, trên các tuyến đường tỉnh, đường vành đai và các tuyến đường trục quan trọng. Khi xây dựng, các cầu phải đạt các yêu cầu HL93 về tải trọng thiết kế, khổ cầu (kể cả người đi bộ) tối thiểu rộng 15m…, phù hợp với quy mô của tuyến đường; trên các tuyến đường giao thông nông thôn cầu xây dựng đạt tải trọng 0,5-0,65 HL93. 

Việc xây dựng các cầu lớn vượt sông theo quy hoạch sẽ tăng tính kết nối, đẩy mạnh phát triển giao thương, văn hóa, xã hội theo tính liên vùng, tạo bứt phá mới; sẽ tạo nên một diện mạo mới cho hạ tầng giao thông Bắc Ninh theo hướng hiện đại - thuận lợi - hiệu quả và an toàn, kết nối nhanh hơn với khu vực và quốc tế.

Nguồn: Báo Bắc Ninh