Bình Phước: Kết nối giao thông - động lực để doanh nghiệp phát triển

Ngày 06/12/2019
Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam gồm 8 tỉnh, thành phố: TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Tiền Giang, Tây Ninh và Bình Phước. Tuy diện tích chỉ chiếm 9,2% và dân số bằng 21% của cả nước, nhưng GRDP vùng chiếm hơn 45% và đóng góp trên 42% tổng thu ngân sách cả nước. Tuy nhiên, theo đánh giá, tốc độ tăng trưởng vùng kinh tế trọng điểm phía Nam bắt đầu có xu hướng chậm dần; tỷ trọng tăng trưởng công nghiệp, dịch vụ giảm theo từng năm. Đây cũng là trăn trở của các doanh nghiệp và chuyên gia kinh tế.

Điểm "nghẽn" phát triển 

Là một trong 3 doanh nghiệp của Bình Phước vừa được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tuyên dương vì có thành tích đóng góp nổi bật trong vùng Đông Nam bộ, Công ty cổ phần Hoàng Sơn 1 (xã Đức Liễu, huyện Bù Đăng) là một trong 5 doanh nghiệp điều xuất khẩu lớn nhất Việt Nam. Hiện nay, công ty đang phát triển ổn định và vững chắc trên các chỉ tiêu cơ bản là doanh thu, tổng số lao động, tổng số vốn, tài sản, lợi nhuận và nộp ngân sách. Là doanh nghiệp xuất khẩu nên để giảm chi phí, tăng năng suất lao động, ông Tạ Quang Huyên - chủ doanh nghiệp, đã chỉ ra biện pháp quan trọng hàng đầu, đó là kết nối giao thông giữa các tỉnh, thành phố phải được thông suốt. “Bình Phước có các khu công nghiệp thì từ nhiều khu công nghiệp đó, mạng lưới giao thông phải được thông suốt với Bình Dương, bởi Bình Dương kết nối tốt với TP. Hồ Chí Minh hoặc Bà Rịa - Vũng Tàu và các cảng biển” - ông Huyên khẳng định.

Kết nối hạ tầng giao thông vùng kinh tế
trọng điểm phía Nam tốt sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển

Tại diễn đàn “Vai trò doanh nghiệp trong phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam” vừa diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh, do VCCI phối hợp UBND, trung tâm xúc tiến thương mại các tỉnh, thành vùng kinh tế trọng điểm phía Nam tổ chức, các địa phương đã kiến nghị Chính phủ và bộ, ngành ưu tiên tập trung nguồn vốn ngân sách đầu tư xây dựng các công trình giao thông trọng điểm của vùng, xây dựng và phát triển hệ thống logistics trong vùng, kết nối với hệ thống cấp quốc gia và liên vùng. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng cần xem xét, xây dựng cơ chế phát huy nguồn lực từ các doanh nghiệp để xây dựng hạ tầng cho vùng, trong đó tiên quyết là hệ thống giao thông logistics gắn với phát triển công nghiệp - đô thị.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Trần Thanh Liêm đã nêu những điểm “nghẽn” trong thực hiện liên kết vùng. Đó chính là kết nối hạ tầng giao thông, vận tải còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu phát triển của vùng, chưa phát huy được tiềm năng, lợi thế, thúc đẩy giao thông hàng hóa giữa các địa phương trong vùng và ảnh hưởng đến hoạt động của các doanh nghiệp. “Trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam chưa hình thành được các trung tâm logistics, cảng cạn quy mô lớn có vai trò trung chuyển hàng hóa của vùng. Bên cạnh đó, các tuyến đường liên vùng, hướng tâm, vành đai, tuyến nối cảng biển, cảng hàng không và cửa khẩu quốc tế chưa hoàn chỉnh. Ngoài ra, tình trạng quá tải diễn ra trong giao thông đô thị, một số tuyến quốc lộ, thậm chí cảng hàng không, cảng biển... cũng gây ra điểm “nghẽn” kềm hãm sự phát triển kinh tế, xã hội của vùng” - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương nhấn mạnh. 

"Kiềng 3 chân"

Là tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Bình Phước có 13 khu công nghiệp; có nguồn nguyên liệu về điều, cao su, hồ tiêu, cà phê dồi dào, đặc biệt hệ thống giao thông thuận lợi, trong đó có 2 tuyến quốc lộ 13 và 14 đi qua. Tuy nhiên, do vị trí khá xa trung tâm TP. Hồ Chí Minh và các cảng biển, sân bay nên vấn đề hạ tầng giao thông đang được các doanh nghiệp đặc biệt quan tâm. Ông Võ Quang Thuận, Giám đốc Công ty TNHH cao su Thuận Lợi (xã Thuận Lợi, huyện Đồng Phú) bày tỏ: “Nếu chúng ta có một tuyến đường kết nối tốt ra Sân bay Long Thành trong tương lai gần và Cảng Cát Lái thì sẽ tạo thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa của doanh nghiệp, góp phần nâng cao năng suất lao động và giảm chi phí”.

Tiến sĩ Trần Du Lịch, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, cho rằng: “Nhà nước cứ làm giao thông cho tốt, những cái còn lại để doanh nghiệp làm. Giao thông ở vùng kinh tế trọng điểm phía Nam cần được mở rộng bằng sự kết nối tốt với Tây Nam bộ và Tây Nguyên, giống như chiếc kiềng 3 chân, sẽ tạo ra một sức mạnh rất lớn trong phát triển kinh tế”.

Trong thời gian qua, hàng loạt dự án giao thông lớn trong khu vực Đông Nam bộ được quy hoạch, triển khai nhằm kết nối với các tỉnh, thành, tạo ra những bước tăng trưởng nhanh về kinh tế, xã hội cho vùng, rút ngắn thời gian vận chuyển hàng hóa và giảm bớt chi phí cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, kết nối giao thông cần có sự thống nhất cao hơn nữa, trách nhiệm hơn nữa từ phía chính quyền các địa phương để các dự án hạ tầng giao thông tại vùng kinh tế trọng điểm phía Nam được đẩy nhanh hơn so với thực tế. Từ đó, các doanh nghiệp yên tâm đầu tư, sản xuất, kinh doanh, góp phần tăng trưởng kinh tế đất nước.

Nguồn: Báo Bình Phước