Đẩy mạnh các công trình, dự án Giao thông vận tải trọng điểm

Ngày 16/12/2019
Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng - Trưởng ban chỉ đạo tại phiên họp Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án trọng điểm ngành giao thông vận tải.

 

Thông báo kết luận nêu rõ, trong 11 tháng đầu năm 2019, ngành Giao thông vận tải (GTVT) đã hoàn thành một số nội dung quan trọng như: Thông xe toàn tuyến Pháp Vân - Cầu Giẽ giai đoạn 2; thông xe hầm Cù Mông thuộc tổ hợp hầm Đèo Cả; thông xe cầu Vàm Cống; hoàn thành toàn bộ các hạng mục còn lại của cảng Lạch Huyện; đã khởi công một số đoạn đầu tiên của cao tốc Bắc Nam (Cam Lộ - La Sơn và Cao Bồ - Mai Sơn); đã trình Quốc hội về Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án cảng hàng không Long Thành giai đoạn 1; hoàn thành công tác phê duyệt điều chỉnh 02 dự án đường sắt đô thị Thành phố Hồ Chí Minh làm cơ sở triển khai các bước tiếp theo; công tác giải phóng mặt bằng và thẩm định thiết kế kỹ thuật, dự toán nhằm chuẩn bị cho công tác lựa chọn nhà đầu tư 8 dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông thực hiện theo hình thức PPP đang được triển khai khẩn trương và quyết liệt...

Việc đưa các công trình quy mô lớn, đạt chất lượng vào khai thác sử dụng đã đáp ứng được nhu cầu của người dân quanh khu vực dự án đi qua, góp phần rút ngắn khoảng cách và thời gian đi lại giữa các vùng miền, các trung tâm kinh tế, khu công nghiệp, tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội và tăng cường đảm bảo quốc phòng-an ninh, bảo đảm mục tiêu và hiệu quả đầu tư.

Bên cạnh các kết quả đạt được, một số công trình, dự án trọng điểm đang triển khai vẫn còn khó khăn, nhiều dự án chậm tiến độ. Nguyên nhân chủ yếu do pháp luật về đầu tư xây dựng còn bất cập, thiếu đồng bộ; công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng chậm; chất lượng dự án thấp, phải điều chỉnh dẫn đến kéo dài thời gian thi công; vốn đầu tư không đáp ứng yêu cầu, cơ chế giải ngân phức tạp...

Trước tình hình trên, Ban chỉ đạo yêu cầu Bộ GTVT cùng các bộ, ngành cần tập trung tháo gỡ các khó khăn vướng mắc; rà soát để tháo gỡ về thể chế trong phạm vi thẩm quyền của bộ, ngành, của Chính phủ và của Quốc hội. Bộ GTVT cần chủ động, phối hợp với Bộ Xây dựng và các bộ, ngành liên quan đề xuất cơ chế, chính sách để đẩy mạnh đầu tư các công trình, dự án trọng điểm ngành GTVT.

Đồng thời rà soát tất cả các dự án đầu tư để điều chỉnh kịp thời làm cơ sở đề xuất bổ sung vốn nếu cần thiết; đẩy nhanh tiến độ đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư các dự án trên tuyến cao tốc Bắc - Nam từ Hà Nội đến Cà Mau.

Tăng cường kiểm soát quá trình thực hiện đầu tư xây dựng công trình (thiết kế kỹ thuật, tổ chức thi công) đảm bảo an toàn, chất lượng, hiệu quả; tập trung công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, đặc biệt là Dự án Cảng hàng không Long Thành, cao tốc Bắc-Nam phía Đông, Cảng hàng không Tân Sơn Nhất...

Tập trung bố trí đủ vốn cho các dự án trọng điểm như Dự án đường Hồ Chí Minh giai đoạn 2, Dự án đường sắt đô thị Nhổn-Ga Hà Nội, Dự án đường cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận...

Tập trung đẩy nhanh công tác giải ngân cho các dự án; kịp thời tháo gỡ các khó khăn vướng mắc để hoàn thành theo đúng kế hoạch vốn được giao. Đặc biệt đối với các dự án ODA, tăng cường phối hợp với giữa các bộ, ngành liên quan để kịp thời bổ sung nguồn vốn đối ứng phục vụ công tác giải phóng mặt bằng nhằm đẩy nhanh tiến độ thi công, giải ngân.

Về Dự án đường cao tốc Bắc-Nam phía Đông, Phó Thủ tướng giao Bộ GTVT khẩn trương hoàn thiện các thủ tục để triển khai dự án đầu tư công còn lại (cầu Mỹ Thuận 2) trong danh mục Dự án cao tốc Bắc-Nam trong năm 2019;  khẩn trương hoàn thành công tác thẩm định, phê duyệt thiết kế kỹ thuật, dự toán song song với tiến độ sơ tuyển, để tiến tới đấu thầu nhà đầu tư đối với các dự án đầu tư theo hình thức PPP trong đầu năm 2020.

Đối với công tác di dời công trình hạ tầng kỹ thuật như đường điện cao thế, trục bưu chính viễn thông…, Bộ GTVT trực tiếp chỉ đạo các Ban Quản lý dự án/Chủ đầu tư phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chủ quản, EVN, Tập đoàn Bưu chính viễn thông và các địa phương nơi dự án đi qua chủ động đề xuất, kiến nghị bổ sung liên quan đến việc thiết kế, di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật, đảm bảo phát triển bền vững cũng như đảm bảo đời sống sinh hoạt của người dân quanh khu vực dự án.

Dự án xây dựng nhà ga T3 Cảng hàng không Tân Sơn Nhất: Dự án đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định theo quy định của Luật đầu tư, trong đó đề xuất Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam - CTCP (ACV) là nhà đầu tư. Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và Bộ GTVT khẩn trương chỉ đạo triển khai sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư.

Nguồn: Chinhphu.vn