Hà Giang: Đảm bảo "huyết mạch" giao thông

Ngày 21/01/2020
Giao thông (GT) là “mạch máu” của nền kinh tế; muốn phát triển kinh tế, GT luôn phải đi trước một bước. Vì thế, cuộc trò chuyện đầu năm mới của chúng tôi với lãnh đạo ngành GTVT Hà Giang đều xoay quanh những câu chuyện về đường sá, những nỗi trăn trở về vấn đề đảm bảo GT thông suốt.

Là tỉnh miền núi với địa hình bị chia cắt mạnh, thường xuyên xảy ra thiên tai khiến việc đầu tư xây dựng các tuyến đường GT và đảm bảo GT thông suốt luôn là thử thách lớn đối với ngành GTVT. Nhưng xác định GT là hạ tầng quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế, các tuyến đường trên địa bàn tỉnh đã được đầu tư tương đối đồng bộ. Toàn tỉnh hiện có 522km đường Quốc lộ; 314km đường tỉnh lộ; 218km đường đô thị; 1.830km đường cấp huyện và trên 5.140km đường liên xã.

Để đảm bảo GT thông suốt trong điều kiện nguồn lực hạn chế và thắt chặt đầu tư công, Sở GTVT đã triển khai các giải pháp bảo trì, bảo dưỡng, sửa chữa thường xuyên các tuyến đường; khơi thông cống rãnh, phát dọn cỏ. Năm 2019, Sở tiến hành bảo dưỡng, sửa chữa gần 100 km đường trên tuyến Quốc lộ 34, 279, 4C và 42km đường tỉnh lộ 176, 182, 183 với tổng mức đầu tư 241 tỷ đồng. Trước đây, các tuyến nền đường thấp, làn đường hẹp chỉ đủ 1 làn xe; với lượng xe lưu thông lớn như hiện nay, các tuyến đường này không đáp ứng được yêu cầu về GT. Sở GT-VT đã thực hiện sửa chữa, gia cố, nâng cấp mặt đường, lề đường, mở rộng mặt đường đảm bảo đủ 2 làn xe chạy, đặc biệt các tuyến Quốc lộ, tỉnh lộ. Những đoạn qua thị trấn, khu đông dân cư đều được mở rộng và trải thảm bê tông nhựa. Tại các vị trí thiết yếu, bán kính cung đường nhỏ, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông và những đoạn đường bị hỏng nặng đều được ưu tiên sửa chữa, nâng cấp và bổ sung hệ thống an toàn GT. Về chất lượng công trình, công tác lựa chọn nhà thầu được thực hiện công khai, minh bạch bằng hình thức đấu thầu qua mạng và được ngành chức năng thẩm tra năng lực kỹ lưỡng. Sở GTVT thường xuyên kiểm tra, giám sát quá trình thi công, đảm bảo đúng thiết kế, tiến độ và chất lượng.

Quốc lộ 279 được sửa chữa, nâng cấp đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân

Bên cạnh đó, năm 2019 xảy ra nhiều đợt mưa lũ kéo dài gây thiệt hại nặng nề về đường GT. Nhiều tuyến bị ngập sâu, xuất hiện hàng trăm điểm sạt lở nghiêm trọng với hàng chục nghìn m3 đất đá đổ xuống mặt đường khiến giao thông ách tắc, mặt đường đứt, trượt,… thiệt hại về GT lên đến hàng chục tỷ đồng. Với phương châm “4 tại chỗ” và có phương án chủ động ứng phó với thiên tai, Sở GTVT đã chỉ đạo Công ty Cổ phần Đường bộ I và Công ty Cổ phần Đường bộ II phối hợp với các địa phương huy động nhân lực, thiết bị máy móc khẩn trương san gạt đất mặt đường; phân luồng giao thông; cắm phao tiêu, rào chắn, báo hiệu ở những vị trí nguy hiểm nhằm đảm bảo tuyệt đối an toàn GT cho người, phương tiện. Nhờ vậy, sự cố đứt mạch GT được ngành chức năng, chính quyền địa phương, người dân sở tại “nối” kịp thời.

Trong câu chuyện với chúng tôi sau những ngày dài tất bật đi cơ sở, kiểm tra, giám sát các công trình bảo dưỡng, sửa chữa các tuyến đường trên địa bàn tỉnh, Phó Giám đốc Sở GTVT Lê Minh Đức chia sẻ: “Về cơ bản, các công trình sửa chữa, nâng cấp các tuyến đường trong năm 2019 đều được thực hiện đúng tiến độ và đã hoàn thành trên 80% khối lượng; các đoạn đường bị hư hỏng nặng đã được ưu tiên sửa chữa xong. Việc đảm bảo GT thông suốt là yêu cầu cấp thiết, không chỉ đáp ứng nhu cầu giao thương, đi lại cho người dân mà còn giảm nguy cơ tai nạn giao thông. Vì vậy, đơn vị luôn chủ động trong công tác sửa chữa, duy tu, bảo dưỡng các tuyến đường đảm bảo chất lượng, tiến độ; có kế hoạch cụ thể ứng phó với thiên tai, kịp thời xử lý mọi tình huống xảy ra”

Nguồn: Báo Hà Giang