Hà Nội: Đồng bộ các giải pháp giảm ùn tắc giao thông

Ngày 25/02/2020
Theo Sở Giao thông vận tải Hà Nội, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn thành phố đã phát sinh thêm 10 điểm ùn tắc giao thông mới, nâng tổng số điểm ùn tắc giao thông lên 33 điểm. Đáng chú ý, có 8/10 điểm ùn tắc mới có nguyên nhân từ việc tổ chức thi công công trình giao thông. Thực hiện mục tiêu giải quyết được 8-10 điểm ùn tắc giao thông trong năm 2020, Hà Nội đang triển khai nhiều giải pháp đồng bộ.

Nút giao thông Liễu Giai - Đào Tấn là một trong 10 điểm ùn tắc mới phát sinh
do rào chắn thi công Dự án đường sắt Nhổn - Ga Hà Nội.

Công trình xây dựng thắt đường giao thông

Đã vài tháng nay, từ 7h sáng hằng ngày, tình trạng ùn tắc giao thông kéo dài đã xảy ra tại nút giao đường Hồ Tùng Mậu - Lê Đức Thọ - Trần Vỹ. Chị Nguyễn Thị Quyên, phường Cầu Diễn (quận Nam Từ Liêm) than thở: “Vào buổi sáng và chiều tối, các phương tiện phải chờ vài nhịp đèn giao thông cùng sự phân luồng của lực lượng Cảnh sát giao thông mới thoát được”.

Tương tự, nút giao đường Kim Mã - Đào Tấn - Liễu Giai cũng thường xuyên xảy ra ùn tắc kể từ khi đơn vị thi công rào chắn một phần lòng đường Kim Mã (đoạn trước tòa chung cư Vinhome Metropolis) để thi công đoạn hạ ngầm tuyến đường sắt Nhổn - Ga Hà Nội. Cùng cảnh ngộ, đường Trường Chinh (phía đầu Ngã Tư Sở) cũng thường xuyên xảy ra ùn tắc từ khi Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 2 triển khai. Tại nút giao đường Láng - cầu 361 - Nguyễn Khang - Vũ Phạm Hàm, ùn tắc cũng xảy ra thường xuyên, đặc biệt vào giờ cao điểm buổi sáng và chiều tối. 

Khi được hỏi về nguyên nhân dẫn đến ùn tắc giao thông, Đại úy Trần Ngọc Trung, Phó đội trưởng phụ trách Đội Cảnh sát giao thông số 6, Phòng Cảnh sát giao thông (Công an thành phố Hà Nội) cho biết, kể từ khi Dự án đường cao tốc trên cao và mở rộng mặt đường Phạm Văn Đồng được triển khai, các phương tiện đổ dồn về đường Hồ Tùng Mậu. Bên cạnh đó, việc rào chắn nhiều tuyến đường quanh khu vực Sân vận động Mỹ Đình để thi công đường đua F1 khiến lượng phương tiện tham gia giao thông tại nút giao đường Hồ Tùng Mậu - Lê Đức Thọ - Trần Vỹ tăng đột biến. Bên cạnh đó, nhiều phương tiện đi sai làn nên tình trạng ùn tắc càng nghiêm trọng.

Còn theo ông Trần Đăng Hải, Trưởng phòng Quản lý kết cấu hạ tầng giao thông, Sở Giao thông vận tải Hà Nội, công trường thi công chiếm dụng mặt đường là nguyên nhân chính gây nên ùn tắc giao thông tại 8/10 điểm mới phát sinh từ đầu năm 2020 đến nay.

Ngoài ra, qua tìm hiểu của phóng viên Báo Hànộimới, ùn tắc còn xảy ra do việc bố trí hệ thống đèn tín hiệu giao thông quá dày đặc, thời gian hoạt động của đèn tín hiệu chưa hợp lý. Đơn cử, cầu 361 có chiều dài chỉ 100m nhưng hai đầu cầu đều có đèn tín hiệu giao thông; phương tiện từ đường Láng chưa kịp lưu thông lên cầu đã phải dừng chờ đèn tín hiệu khác, khiến giao thông luôn bị ùn lại.

Phân luồng phương tiện từ xa

Theo Đại úy Trần Ngọc Trung, Phó đội trưởng phụ trách Đội Cảnh sát giao thông số 6, tại nút giao đường Hồ Tùng Mậu - Lê Đức Thọ - Trần Vỹ, đội đã tăng cường lực lượng ứng trực vào các giờ cao điểm; phối hợp cùng lực lượng Công an phường, quận để phân luồng giao thông từ xa, hướng dẫn xe tải, xe khách lưu thông theo hướng đường 70 để giảm ùn tắc cục bộ. Tương tự, Trung tá Lê Tú, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông số 3 cho biết, trước thực trạng ùn tắc xảy ra triền miên tại đường Trường Chinh, đội thường xuyên bố trí 4 kíp trực/ngày để phân luồng, điều tiết, hướng dẫn giao thông.

Về phía Sở Giao thông vận tải Hà Nội, ông Trần Đăng Hải, Trưởng phòng Quản lý kết cấu hạ tầng giao thông thông tin, mục tiêu của ngành Giao thông trong năm 2020 là giảm 8-10 điểm ùn tắc. Sở Giao thông vận tải và Công an thành phố đã khảo sát các điểm ùn tắc, để có phương án xử lý cụ thể. Trong đó, với những điểm do thi công công trình, liên ngành thành phố tổ chức phân luồng phương tiện từ xa, hạn chế xe tải, xe khách lưu thông trong giờ cao điểm. Đồng thời, ngành chức năng tăng cường kiểm tra đơn vị thi công, bảo đảm sử dụng đúng diện tích lòng đường, thời gian thi công được cấp phép, có đủ biển, đèn báo hiệu, người phân luồng phương tiện qua công trường...; tham mưu thành phố đôn đốc chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ hoàn thành dự án.

Cũng theo ông Trần Đăng Hải, thành phố đang đầu tư, từng bước ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành giao thông, bố trí đèn tín hiệu hợp lý hơn; lắp đặt thêm hệ thống camera giám sát và sẽ tăng cường các lực lượng kiểm tra, xử lý vi phạm về trật tự an toàn giao thông, gây ùn tắc, như đi sai làn đường, vượt đèn đỏ...

Về lâu dài, công tác tuyên truyền về trật tự - an toàn giao thông, trật tự - văn minh đô thị tiếp tục được đẩy mạnh, đi đôi với đó là phát triển mạng lưới vận tải hành khách công cộng, nâng cao chất lượng dịch vụ, khuyến khích và thu hút người dân sử dụng phương tiện công cộng...

Thực hiện đồng bộ các giải pháp, hy vọng Hà Nội sẽ sớm xóa bỏ được các điểm ùn tắc giao thông cũ, không để phát sinh điểm ùn tắc mới, giúp người dân đi lại thuận lợi, an toàn.

10 điểm ùn tắc mới bao gồm: Nút giao Kim Mã - Liễu Giai, Liễu Giai - Đào Tấn, Hồ Tùng Mậu - Lê Đức Thọ, Lê Quang Đạo - Châu Văn Liêm, đường Nguyễn Khang, cầu 361, Ngã Tư Sở, đường Nguyễn Khoái (đoạn Vĩnh Tuy - Vành đai 1), cầu Mai Động, đường dẫn lên đường Vành đai 3 trên cao (đoạn thuộc địa phận quận Thanh Xuân).

Nguồn: Hà Nội mới