Dùng dầu ăn đã qua sử dụng làm nhiên liệu cho ô tô

Ngày 26/02/2020
Tập đoàn Ford chính thức phê duyệt việc sử dụng dầu ăn tái sử dụng làm nhiên liệu mới cho mẫu xe ô tô thương mại Transit.

Các phương tiện vận hành bằng dầu HVO thải ra ít khí NOx và bụi mịn hơn

Ngày 21/2, Hãng Ford đã công bố kế hoạch sử dụng một dạng nhiên liệu mới- dầu thực vật tái sử dụng (Hydrotreated Vegetable Oil - HVO) hay còn gọi là dầu diesel tái tạo, dầu diesel sinh học cho mẫu xe thương mại Transit.

Điểm đặc biệt nhất ở loại nhiên liệu HVO này là nhiên liệu được tái chế từ dầu thải, bao gồm dầu ăn đã qua sử dụng từ các nhà hàng, quầy đồ ăn nhanh và thậm chí là từ chính căn bếp của các hộ gia đình. 

Theo hãng Ford nhận định, khi các phương tiện sử dụng loại dầu HVO thay cho nhiên liệu hóa thạch thông thường hiện nay sẽ góp phần cải thiện chất lượng không khí. Các kết quả nghiên cứu cho thấy, khi ô tô sử dụng HVO, lượng khí nhà kính có thể giảm tới 90% so với việc sử dụng dầu hóa thạch hiện nay. Các phương tiện vận hành bằng dầu HVO thải ra ít khí NOx và bụi mịn hơn, bởi dạng nhiên liệu diesel này không chứa lưu huỳnh hay oxy.

Ngoài ra, HVO khi kết hợp với mỡ động vật và dầu cá, cũng sẽ giúp động cơ diesel khởi động dễ dàng hơn khi nhiệt độ ngoài trời thấp. Quá trình tổng hợp dầu HVO sử dụng hydro làm chất xúc tác giúp nhiên liệu này đạt hiệu quả đốt cháy tốt hơn, đốt sạch hơn và thời gian lưu trữ cũng dài hơn nhiên liệu sinh học thông thường.

Ford cho biết, đã thử nghiệm kỹ lưỡng dầu HVO trên động cơ EcoBlue 2.0L của mình để đảm bảo không phải cải biến động cơ, cũng như không ảnh hưởng đến quy trình bảo dưỡng. Hãng này khẳng định, nhiên liệu HVO không cần phải xử lý gì thêm, mà có thể sử dụng được ngay trên các mẫu Ford Transit mới nhất.

Mô hình sản xuất và sử dụng dầu sinh học cho phương tiện

 

Dầu biodiesel hiện đang được bán ở nhiều nước Châu Mỹ, Châu Âu

Hiện nay, tại châu Âu, nhiên liệu HVO đã được bán tại một số trạm xăng dầu, cùng với các cột bơm xăng dầu truyền thống và chủ yếu tập trung ở vùng Scandianvia và Baltic. Các khách hàng lớn của Ford cũng đã bắt đầu trải nghiệm sử dụng loại nhiên liệu này. Ford cho hay, trong trường hợp các vị khách đã chạy xe bằng HVO nhưng không tìm được trạm bơm HVO, các tài xế vẫn có thể sử dụng dầu diesel thông thường bơm tiếp vào bình nhiên liệu mà không gặp phải bất kỳ vấn đề gì về vận hành an toàn xe.

Nói về kế hoạch này, ông Hans Schep, Giám đốc điều hành mảng Xe thương mại, Ford châu Âu cho hay: "Việc cho phép dòng xe tải (van) vận hành bằng nhiên liệu làm từ chất thải, bao gồm cả dầu ăn đã qua sử dụng nghe có vẻ là một ý tưởng xa vời. Nhưng dầu thực vật HVO thực sự là một phương án rất thực tế dành cho các tài xế và đơn vị vận tải sử dụng Transit khi đóng góp đáng kể vào công cuộc cải thiện chất lượng không khí chung cho mọi người”.

Tại Anh các nhà sản xuất động cơ diesel trước đây chỉ duy trì điều kiện bảo hành cho động cơ của họ khi khách hàng sử dụng tối đa 5% diesel sinh học pha trộn với 95% diesel từ dầu mỏ (B5), nhưng gần đây chỉ số này đang được tăng lên.

Hãng Peugeot và Citroen (Pháp) có tuyên bố động cơ diesel HDI của họ có thể chạy với hàm lượng 30% diesel sinh học, còn hãng Scania (Thuỵ điển) cho phép đa số loại động cơ của họ có thể sử dụng 100% diesel sinh học (B100).

Công nghệ ứng dụng dầu diesel sinh học đã ra đời từ lâu trên thế giới nhưng trong một thời gian dài, các hãng xe còn lo ngại loại nhiên liệu này sẽ làm tăng chi phí bảo hành cho khách hàng, do làm lão hoá các gioăng cao su và ống mềm lắp trên xe (hầu hết được phát hiện thấy trong các xe chế tạo trước năm 1992). Hơn nữa, giá dầu diesel từ nguyên liệu hóa thạch vẫn rẻ khiến nỗ lực thay đổi là chưa cao.

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, tiêu chuẩn khí thải đang trở thành một rào cản buộc nhiều hãng xe phải thay đổi. Xe chạy điện, hybrid và các loại xe sử dụng nhiên liệu sinh học, thân thiện môi trường đã được dần được quan tâm trở lại.