Huyện Châu Thành (An Giang) xây dựng giao thông nông thôn, phục vụ phát triển KTXH

Ngày 21/04/2020
Xác định công tác phát triển hạ tầng giao thông là một trong những mục tiêu quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội (KTXH), những năm qua, huyện Châu Thành (An Giang) tập trung mọi nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn, với mục tiêu bê-tông hóa, nhựa hóa, hoàn chỉnh hệ thống cầu, đường nông thôn, nhằm đáp ứng nhu cầu giao thương của người dân…

Khánh thành cầu nông thôn

Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Thành Cù Minh Trọng cho biết, Châu Thành là vùng đất ven đô, có hệ thống kênh, rạch chằng chịt, kết cấu hạ tầng nông thôn còn nhiều yếu kém, tạo rào cản trong việc phát triển KTXH. Nhận thấy được những khó khăn đó, những năm qua, Đảng bộ, chính quyền địa phương luôn quan tâm, chú trọng đến công tác phát triển hạ tầng giao thông. Ngoài việc tranh thủ các nguồn vốn của Trung ương, tỉnh và các dự án, chương trình hỗ trợ, huyện còn phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân tham gia xã hội hóa cầu, đường giao thông nông thôn.

Là địa phương có hệ thống kênh, rạch chằng chịt, huyện Châu Thành đã từng bước rà soát, cụ thể quy hoạch nâng cấp, kiên cố hóa cầu giao thông nông thôn trên địa bàn huyện (giai đoạn 2016-2020). Trong đó, tập trung thực hiện tốt công tác huy động sức dân tham gia thực hiện công trình an sinh xã hội gắn với xây dựng nông thôn mới (NTM), bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng, với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân đóng góp, dân hưởng thụ”.

Từ đó, tạo được sự đồng thuận của nhân dân tích cực tham gia các hoạt động an sinh xã hội. Giai đoạn 2016-2020, huyện Châu Thành xây dựng 55 cây cầu, với tổng vốn đầu tư trên 52 tỷ đồng, trong đó nguồn xã hội hóa và nhân dân đóng góp trên 26 tỷ đồng và hơn 22.100 ngày công lao động.

Phó Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Châu Thành Trương Đức Thái cho biết: “Để phát triển hạ tầng giao bền vững, huyện tập trung hoàn thành dứt điểm những công trình đã khởi công. Đồng thời, rà soát, kiểm tra xác định thứ tự ưu tiên đầu tư các công trình trên địa bàn, để có kế hoạch về vốn nhằm cân đối và đầu tư xây dựng công trình…”.

Đến nay, hệ thống giao thông nông thôn trên địa bàn huyện cơ bản đảm bảo nối liền huyện đến trung tâm các xã, thị trấn hay từ xã này đến xã khác, với những tuyến đường được láng nhựa hoặc được đổ bê tông, cầu được xây dựng kiên cố.

Qua đó, không chỉ tạo thuận lợi, đẩy mạnh giao thương, phát triển KTXH mà còn phục vụ đắc lực mục tiêu xây dựng NTM cho các địa phương. Huyện Châu Thành cơ bản đạt 3/9 tiêu chí “Huyện NTM” theo Quyết định số 558/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó có 5 xã đạt chuẩn NTM, gồm: Vĩnh Thành, Vĩnh Nhuận, Cần Đăng, Bình Hòa và An Hòa; các xã còn lại đạt bình quân 14/19 tiêu chí, 41/49 chỉ tiêu…

Ông Nguyễn Văn Hồ (ngụ ấp An Hòa, xã An Hòa) chia sẻ: “Bản thân tôi cũng như bà con ở đây rất vui mừng, phấn khởi, khi đường sá được đầu tư nâng cấp, mở rộng phẳng phiu, cầu thì được xây dựng kiên cố. Giao thông thông suốt đã đáp ứng tốt việc đi lại, vận chuyển nông sản, hàng hóa của người dân. Kết quả đó là nhờ vào sự quan tâm của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương cùng sự chung tay góp sức của nhân dân…”.

Ông Cù Minh Trọng nhấn mạnh, thời gian tới, huyện tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, đẩy mạnh công tác xã hội hóa, huy động sức dân thực hiện phong trào xây dựng cầu, đường giao thông nông thôn gắn với xây dựng NTM. Đồng thời, rà soát, kiểm tra xác định thứ tự ưu tiên đầu tư các công trình trên địa bàn, để có kế hoạch về vốn, nhằm cân đối và đầu tư xây dựng công trình.

Ngoài ra, nhân rộng những mô hình hay, cách làm sáng tạo cũng như kịp thời biểu dương, khen thưởng các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp có nhiều đóng góp trong các hoạt động an sinh, xã hội, xây dựng cầu, đường nông thôn trên địa bàn huyện…

Ông Cù Minh Trọng chia sẻ: “Các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương phát huy tốt vai trò hạt nhân lãnh đạo, tăng cường đổi mới nội dung, phương thức và sáng tạo trong tuyên truyền, vận động để người dân hiểu rõ mục đích, lợi ích của các công trình an sinh xã hội. Từ đó, sẵn sàng đóng góp sức người, sức của cùng chính quyền địa phương tham gia xây dựng cầu, đường, góp phần làm thay đổi dần diện mạo vùng nông thôn…”.

Nguồn: Báo An Giang