Ưu tiên xử lý điểm đen trên các tuyến QL ở Sơn La

Ngày 12/05/2020
Làm việc với UBND tỉnh Sơn La, Thứ trưởng Nguyễn Văn Công đã đồng ý với chủ trương xử lý điểm đen TNGT và lắp đặt đèn tín hiệu để đảm bảo ATGT.

Sơn La còn gặp nhiều khó khăn về hạ tầng giao thông

Sáng 11/5, đoàn công tác của Bộ GTVT do Thứ trưởng Nguyễn Văn Công dẫn đầu đã làm việc với UBND tỉnh Sơn La.

Đoàn công tác của Bộ GTVT làm việc với UBND tỉnh Sơn La.

Theo báo cáo của tỉnh Sơn La, toàn tỉnh hiện có 11.327,7 km đường bộ và 2 sông lớn (Sông Đà, Sông Mã), trong đó Sông Đà dài 234Km đã được Bộ GTVT công bố tuyến đường thủy nội địa quốc gia. Hiện nay đã hoàn thành việc đầu tư cải tạo, nâng cấp và đưa vào khai thác QL 6 đoạn Km193 - Km303, đoạn km 446 đến Km 454+500 trên QL37.

Về vận tải, trên địa bàn tỉnh Sơn La có trên 40 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tham gia vận tải hành khách. Trên 123 tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh và 43 tuyến vận tải hành khách cố định nội tỉnh với 316 xe, 5 tuyến xe buýt. Ngoài ra còn có 632 xe taxi và 181 xe chuyên hợp đồng, 6 xe điện 4 bánh.

Về hàng không, CHK Nà Sản tiền thân là sân bay dã chiến phục vụ nhiệm vụ quốc phòng. Năm 1978-1979 được đầu tư xây dựng trở thành cảng hàng không dùng chung dân dụng và quân sự. Giai đoạn 1996-2004, CHK Nà Sản được khai thác ổn định với tần suất 2-5 chuyến/tuần. Tuy nhiên, đến năm 2004, do cơ sở hạ tầng xuống cấp không đủ điều kiện khai thác nên sân bay đã dừng hoạt động.

Năm 2005, CHK Nà Sản đã được Bộ GTVT phê duyệt quy hoạch chi tiết. Đến năm 2015 quy hoạch được điều chỉnh bổ sung. Năm 2018, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt điều chỉnh bổ sung Quy hoạch tổng thể phát triển CHK Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Trong đó, quy hoạch Cảng hàng không Nà Sản sẽ được đầu tư trong giai đoạn 2021-2030.

Uớc tính tổng thiệt hại do dịch bệnh Covid-19 đối với lĩnh vực vận tải trên địa bàn tỉnh Sơn La khoảng 200 tỷ đồng.

Hiện nay trên các tuyến quốc lộ còn 11 vị trí điểm đen và 70 điểm tiềm ẩn TNGT; đường tỉnh có 6 vị trí điểm đen và 68 điểm tiềm ẩn TNGT là nguyên nhân làm gia tăng tai nạn trên địa bàn.

Bên cạnh đó, tỉnh Sơn La đã tập trung kêu gọi các nhà đầu tư quan tâm triển khai 3 dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn, gồm: Tuyến đường bộ cao tốc Hòa Bình- Mộc Châu, CHK Nà Sản, Tuyến tránh thành phố Sơn La.

Ông Lê Hồng Minh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La nêu kiến nghị

Tại buổi làm việc, ông Lê Hồng Minh - PCT UBND Sơn La cũng kiến nghị Bộ GTVT quan tâm, ủng hộ và giúp đỡ tỉnh trong quá trình thẩm định hồ sơ thiết kế cơ sở, hoàn thiện các thủ tục chuẩn bị đầu tư, cũng như trong quá trình triển khai thực hiện Dự án cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu.

Đối với dự án CHK Nà Sản, đến nay đã được Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đã hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi lần 2. Trong đó, lựa chọn phương án ACV sẽ đầu tư toàn bộ dự án cải tạo, nâng cấp CHK Nà Sản. Đề nghị Bộ GTVT giúp đỡ tỉnh Sơn La trong việc đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện các thủ tục trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư dự án.

Về tuyến đường tránh thành phố Sơn La, đến nay đã thống nhất quy mô, hướng tuyến. Công tác GPMB đã đạt khoảng 70%, dự án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư. Để dự án sớm được hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng, kiến nghị với Bộ GTVT chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ hoàn thành công tác lập hồ sơ và sớm triển khai thực hiện dự án.

Ngoài ra tỉnh Sơn La cũng kiến nghị Bộ GTVT đầu tư lắp đặt hệ thống đèn tín hiệu giao thông tại khu vực nút giao trên QL6; cho phép xử lý các điểm đen, điểm tiềm ẩn TNGT trên các QL. Địa phương cũng đề xuất bổ sung đường nối QL4G với Cửa khẩu Chiềng Khương (dài khoảng 1km) thành tuyến nhánh QL4G; triển khai cải tạo nâng cấp QL279, QL37 và các quốc lộ đã được đầu tư xây dựng đã lâu đến nay đã hư hỏng, xuống cấp như: QL 43; QL12; QL6C… và cho phép kéo dài QL16, huyện Quan Hóa, Thanh Hóa đến QL43.

Sơn La cũng đề nghị Bộ GTVT hỗ trợ vốn từ nguồn thu phí sử dụng đường bộ để sửa chữa các đường tỉnh trọng yếu của tỉnh như: ĐT101, ĐT110, ĐT112… Đồng thời có cơ chế hỗ trợ tháo gỡ khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Tại buổi làm việc, liên quan đến một số vị trí thường xuyên xảy ra ngập úng trên tuyến QL6 đoạn qua tỉnh Sơn La, ông Phạm Văn Toản - Chi cục trưởng Chi cục QLĐB I.2 (Tổng cục ĐBVN) cho biết những vị trí này đã được đầu tư, đang tiến hành thi công nâng cấp mặt đường. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid - 19, việc triển khai chậm, sắp tới sẽ triển khai dự kiến trong tháng 5/2020.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Công giúp Sơn La "gỡ"
nhiều vướng mắc trong đầu tư phát triển mạng lưới giao thông

Đồng ý chủ trương lắp đặt đèn tín hiệu trên QL6 và xử lý điểm đen TNGT

Sau khi nghe ý kiến của các Vụ, Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Thứ trưởng Nguyễn Văn Công ủng hộ các kiến nghị mà tỉnh Sơn La đề xuất. Đồng thời, đánh giá cao mô hình phát triển KT-XH của tỉnh Sơn La trong nhiều năm qua.

Cụ thể, về tuyến Cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu, Thứ trưởng khẳng định, Bộ đã và đang tiếp tục ủng hộ, đồng hành trong việc triển khai lập dự án, quá trình thực hiện dự án.

"Tuy nhiên, chúng ta phải triển khai đúng quy định và có đề xuất, tính toán mang tính khả thi. Liên quan đến sân bay Nà Sản, Bộ sẽ tiếp tục ủng hộ kiến nghị này, giao Cục hàng không Việt Nam đôn đốc ACV sớm triển khai dự án này', Thứ trưởng Công nói.

Đối với tuyến đường tránh Sơn La, Thứ trưởng cho biết, do tính chất quan trọng của dự án, Bộ có chủ trương từ lâu và đã báo cáo với Thủ tướng chính phủ. Hiện tại, Bộ đang chuẩn bị, điều chỉnh dự án và gia hạn.

"Đề nghị UBND tỉnh tiếp tục làm việc với Tổng cục đường bộ, đôn đốc Ban quản lý dự án 3 triển khai đúng tiến độ, theo đó dự án sẽ được triển khai vào 2021 và hoàn thành năm 2022", Thứ trưởng nói.

Việc lắp đặt đèn tín hiệu QL6, xử lý 11 điểm đem, điểm mất ATGT và việc chuyển điểm nối quốc lộ 4G với cửa khẩu quốc gia Chiềng Khương, Thứ trưởng cho biết, Bộ đồng tình chủ trương và giao cho Tổng cục Đường bộ xem xét giải quyết từng trường hợp. Phía địa phương phải có báo cáo cụ thể, ưu tiên xử lý điểm đen trước, còn điểm mất an toàn còn phụ thuộc vào nguồn vốn.

Về việc nâng cấp, cải tạo Quốc lộ 279, QL37, hiện nay Bộ đang rà soát, bố trí nguồn vốn đưa vào trung hạn các dự án. Thứ trưởng đề nghị Sở GTVT phối hợp chặt chẽ với với kế hoạch và đầu tư xem xét vấn đề ưu tiên.

Liên quan đến xây dựng cầu dân sinh, quản lý kết cấu hạ tầng địa phương, Bộ GTVT đề nghị Tổng cục Đường bộ Việt Nam chủ trì làm việc với UBND tỉnh, Ban quản lý dự án 6 báo cáo về Bộ trong tháng 5.

Đối với đề xuất ban hành mẫu phương tiện đường thủy nội địa, Bộ GTVT giao cho Cục Đăng kiểm việt nam tham mưu báo cáo lại Bộ trong tháng 5.

M.C