Hiểm họa từ việc biến đường thành sân phơi thóc

Ngày 27/05/2020
Mùa gặt, nhiều con đường biến thành nơi phơi rơm, thóc. Mà nào riêng chỉ thóc với rơm, các loại phương tiện từ xe đạp, xe bò, công nông đến máy gặt đập hay chiếc đòn gánh, quang thúng… dùng để chắn đường cũng cản trở người và phương tiện tham gia giao thông.

Hành vi bất chấp qui định an toàn giao thông

Những ngày này, nếu ai từng giam gia giao thông qua đoạn cổng chào huyện Yên Lạc (thuộc địa phận xã Đồng Cương), tỉnh Vĩnh Phúc sẽ thấy hàng km đường vàng rực một màu thóc phơi. Ngay trong bán kính khu vực vòng tròn đối diện cổng chào, người dân cũng tận dụng để làm sân phơi kín mít.


Người tham gia giao thông mất đường vì... mùa gặt.
(Ảnh chụp tại địa bàn huyện Vĩnh Tường)

Không chỉ có những ụ lúa mọc lên giữa lòng đường mà còn cả bồ cào, chổi, thúng mủng, thậm chí là vài ba chiếc xe đạp, gạch, đá và những thân cây được chặt thành từng đoạn rồi xếp, dựng hàng ngang, như ngầm cảnh báo cho người đi đường không đi vào địa phận này.

Chưa kể đến giờ trở thóc, hàng chục người “hiên ngang” ra đứng giữa đường cào cào, quét quét. Họ tự tin như đứng giữa sân nhà mình vì nghĩ những chiếc ô tô, xe máy lưu thông qua đây tự có “mắt” mà tránh.

Trên làn đường một chiều, lúa chiếm diện tích từ ngoài vào trong, từ trong ra ngoài, chỉ chừa mỗi khoảng giữa vừa cho một chiếc ô tô và một chiếc xe máy chạy qua. Đáng nói là tại đoạn đường này, lưu lượng xe lưu thông qua đây luôn dày đặc.

Chủ tịch UBND xã Đồng Cương Nguyễn Văn Thà cho biết: “Về thực trạng này, địa phương cũng đã tích cực tuyên truyền đến người dân qua kênh truyền thanh của xã hàng ngày; thậm chí còn trực tiếp đến từng hộ gia đình để tuyên truyền, nhắc nhở, phân tích về nguy cơ mất an toàn giao thông khi phơi lúa trên các đoạn đường. Thế nhưng, cũng phải nhìn nhận cái khó là được mùa nhưng… mất chỗ. Mất chỗ vì đất vườn nhà thu hẹp, diện tích sân ngày càng bé lại để nhường chỗ xây dựng công trình khác”.

Cũng bởi không tự gỡ được cái “khó” đấy nên nhiều người đánh liều mang rơm, thóc ra đường phơi tạm. Một nhà, rồi hai, ba, bốn nhà cứ theo thế mà làm, nên con đường "no ấm" kéo dài hàng km.

Thực trạng trên cũng là vấn đề nan giải cho các địa phương vùng nông thôn. Bởi, đời sống người dân vùng nông thôn chủ yếu vẫn dựa vào sản xuất nông nghiệp với các hoạt động chăn nuôi, trồng trọt.

Nên vào ngày mùa, trên khắp các tuyến đường chạy dọc theo các cánh đồng vẫn diễn ra chuyện thường tình: Người dân chiếm dụng hành lang giao thông, ra sức gặt, đập, phơi lúa, rơm, rạ, thậm chí còn dùng nhiều chướng ngại vật để tự rào chắn khu vực sử dụng, gây nguy hiểm cho người và phương tiện lưu thông trên những đoạn đường nói trên. Việc vận chuyển nông sản thường xuyên trong tình trạng cồng kềnh, quá khổ, dễ va quệt vào người đi đường.

Phương tiện tham gia giao thông tại các vùng quê cũng rất đa dạng. Ngoài ô tô, xe máy, xe đạp, xe đạp điện, còn có thêm sự góp mặt của xe lôi, xe công nông, xe súc vật kéo, đôi khi máy gặt lúa cũng xuống đường vào ngày mùa… và còn nhiều phương tiện tự chế không tên khác không đảm bảo an toàn kỹ thuật khác cùng đua chen tham gia lưu thông trên các tuyến đường nhỏ hẹp, dễ gây ra xung đột giao thông…

Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm

Đội trưởng Đội CSGT, Công an huyện Sông Lô Nguyễn Thế Quyết cho biết: "Đã có không ít vụ va chạm giao thông trên những đoạn đường người dân lấn chiếm phơi rơm, thóc. Hành vi lấn chiếm này là vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ.


Bày " chướng ngại vật" trên đường để chiếm chỗ phơi thóc.(Ảnh chụp tại địa bàn huyện Yên Lạc)

Tuy nhiên, không có biện pháp nào hữu hiệu hơn là tuyên truyền cho người dân ý thức được nguy cơ mất an toàn có thể xảy ra với chính bản thân họ khi đứng trên lòng đường để phơi rơm, thóc và dùng chướng ngại vật để chắn đường. Để công tác tuyên truyền đạt được hiệu quả, các địa phương cần thông qua các kênh từ thôn, làng, đến xã, thị trấn".

Mới đây, huyện Vĩnh Tường cũng đã có văn bản yêu cầu UBND các xã, thị trấn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tuân thủ các quy định về quản lý, sử dụng kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; thường xuyên tổ chức kiểm tra, rà soát trên địa bàn mình quản lý; kiên quyết ngăn chặn và xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về quản lý, sử dụng kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; xử lý dứt điểm các trường hợp lấn chiếm, sử dụng trái phép đất dành cho đường bộ, công trình đường bộ.

Nguồn: Báo Vĩnh Phúc