Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể làm việc với Bộ trưởng Trần Hồng Hà về dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi)

Ngày 11/06/2020
Chiều tối 11/6, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể và Bộ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường Trần Hồng Hà đã có buổi họp để thống nhất một số nội dung liên quan đến dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi).
Cùng dự có Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường Võ Tuấn Nhân; cùng đại diện lãnh đạo các cơ quan tham mưu của Bộ GTVT, Bộ Tài nguyên & Môi trường.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể và Bộ trưởng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp

Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 23/6/2014 với 20 chương, 170 điều quy định về hoạt động bảo vệ môi trường; chính sách, biện pháp và nguồn lực để bảo vệ môi trường; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân trong bảo vệ môi trường. Luật áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân trên lãnh thổ nước Việt Nam, bao gồm đất liền, hải đảo, vùng biển và vùng trời.

Sửa Luật để phù hợp với thực tiễn

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, trên cơ sở tuân thủ thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ, dự thảo Luật BVMT đã sửa đổi, bổ sung các quy định về hoạt động BVMT; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân, quản lý nhà nước về BVMT, với rất nhiều nội dung quy định chính sách mới theo hướng thay đổi, đổi mới cơ chế, biện pháp, công cụ quản lý trong hoạt động BVMT cho phù hợp hơn với thực tiễn và thông lệ quốc tế, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về BVMT. 

Theo báo cáo của Bộ GTVT, quá trình góp ý dự thảo Luật BVMT, Bộ GTVT đã ban hành 3 văn bản đề nghị Bộ Tài nguyên & Môi trường sửa đổi, bổ sung 8 nội dung chính liên quan đến chức năng quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường trong GTVT.

Trong đó có 7/8 ý kiến của Bộ GTVT đã được Bộ Tài nguyên & Môi trường cơ bản tiếp thu và điều chỉnh nội dung dự thảo Luật BVMT. Một ý kiến liên quan đến trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ GTVT chưa được Bộ Tài nguyên & Môi trường tiếp thu.

Về vấn đề này, ngày 28/2/2020, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản lấy ý kiến Thành viên Chính phủ đối với dự thảo Luật BVMT. Nội dung dự thảo Luật quy định tại khoản 3 Điều 103 nêu rõ: “Bộ, cơ quan ngang bộ xây dựng và ban hành quy chuẩn kỹ thuật môi trường khác thuộc phạm vi quản lý của ngành theo quy định của pháp luật”; sau khi rà soát, Bộ GTVT thống nhất với nội dung của dự thảo Luật.

Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ phát biểu tại cuộc họp

Về chức năng, nhiệm vụ, Bộ GTVT đang quy định tại 7 Bộ luật/ Luật (Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa, Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, 5 Bộ luật/ Luật chuyên ngành GTVT) và các điều ước quốc tế Bộ GTVT đang chủ trì thực hiện ổn định từ trước đến nay.

Về quản lý nhà nước BVMT đối với phương tiện GTVT, Bộ GTVT đã xây dựng, ban hành và tổ chức thực thi hệ thống văn bản văn bản QPPL, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về BVMT đối với các loại phương tiện GTVT; công tác kiểm tra, chứng nhận về BVMT đối với phương tiện GTVT được Bộ GTVT kết hợp đồng bộ, hài hòa với công tác kiểm tra, chứng nhận về chất lượng.

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể và Bộ trưởng Trần Hồng Hà đã trao đổi, thảo luận những nội dung còn tồn tại và thống nhất một số nội dung của dự thảo Luật BVMT (sửa đổi) nhằm đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, ổn định của hệ thống pháp luật và việc thực hiện các điều ước quốc tế mà Việt Nam đang tham gia; hai Bộ trưởng giao Vụ Pháp chế của hai Bộ GTVT và Tài nguyên & Môi trường tiếp thu ý kiến, hoàn thiện dự thảo Luật với quan điểm, cách tiếp cận coi BVMT ở vị trí trung tâm của các quyết định phát triển, là nền tảng phát triển bền vững, bảo vệ sức khỏe nhân dân là mục tiêu hàng đầu.

Hai Bộ phối hợp xử lý các vướng mắc về quản lý, sử dụng đất

Báo cáo về kết quả phối hợp công tác năm 2019 giữa Bộ GTVT và Bộ Tài nguyên & Môi trường theo Chương trình phối hợp công tác số 01/CTPH-BTNMT-BGTVT ngày 08/3/2018, trong năm 2019, Bộ GTVT và Bộ Tài nguyên & Môi trường đã phối hợp chặt chẽ trong triển khai các nội dung đã ký kết, đặc biệt là trong công tác thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường và thẩm định khung chính sách giải phóng mặt bằng, tái định cư, bảo đảm tiến độ quyết định đầu tư các dự án trọng điểm (thẩm định, phê duyệt 11 báo cáo đánh giá tác động môi trường; thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ 5 khung chính sách GPMB tái định cư của 5 dự án giao thông; phối hợp xây dựng 2 văn bản QPPL liên quan…).

Năm 2020, Bộ GTVT và Bộ Tài nguyên & Môi trường tiếp tục phối hợp xây dựng văn bản QPPL liên quan, đặc biệt phối hợp xử lý các vướng mắc về quản lý, sử dụng đất cảng hàng không, sân bay,… trong dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai; thẩm định các báo cáo đánh giá môi trường chiến lược; thẩm định, phê duyệt các báo cáo đánh giá tác động môi trường; thẩm định, cấp giấy phép nhận chìm và giao khu vực biển cho các công trình nạo vét duy tu luồng hàng hải.

Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) có 16 chương, 192 điều, cụ thể hóa 13 nhóm chính sách đã được đánh giá tác động; trong đó, đã bố cục lại các nội dung theo hướng đưa mục tiêu bảo vệ thành phần môi trường là nội dung trọng tâm, quyết định cho các chính sách khác; quy định chính sách quản lý theo tiến trình thực hiện của dự án đầu tư từ khi chuẩn bị, đưa vào hoạt động cho đến khi kết thúc dự án… Dự kiến Chính phủ sẽ trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 9 và thông qua tại Kỳ họp thứ 10 - Khóa XIV.

Xuân Nguyên