Quảng Nam: Kiên cố hóa đường huyện, góp phần hoàn chỉnh hạ tầng giao thông

Ngày 03/09/2020
Nghị quyết số 134/2014/NQ-HĐND của HĐND tỉnh Quảng Nam về kiên cố hóa mặt đường các tuyến đường huyện (ĐH) giai đoạn 2015 - 2020 đã trả lại “vị thế” vốn có của ĐH trong hệ thống giao thông. Vì vậy, việc tiếp tục duy trì chương trình hợp lòng dân này là rất cần thiết.

Tuyến đường ĐH8.DX (xã Duy Sơn, huyện Duy Xuyên) được kiên cố hóa

Chương trình thiết thực

Qua 5 năm triển khai, toàn tỉnh Quảng Nam có 320km mặt đường ĐH được kiên cố hóa, tổng vốn đầu tư khoảng 1.040 tỷ đồng từ nguồn ngân sách nhà nước. Đối với các huyện đồng bằng, ngân sách tỉnh hỗ trợ 60% (không bao gồm kinh phí giải phóng mặt bằng - GPMB), ngân sách huyện, xã 40%; đối với các huyện miền núi ngân sách tỉnh hỗ trợ 80% (không bao gồm kinh phí GPMB), ngân sách huyện, xã là 20%. Những tuyến ĐH kiên cố hóa hoàn thành đã kết nối mạng lưới giao thông nông thôn với tỉnh lộ và quốc lộ, tạo thuận lợi cho người dân địa phương trong việc đi lại, thông thương, công tác cứu nạn cứu hộ cũng dễ dàng hơn...

Bám phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, kiên cố hóa ĐH nhận được sự đồng thuận rất cao từ nhân dân và cán bộ địa phương. Diện mạo các tuyến ĐH1.BTM (xã Trà Đông, Bắc Trà My), ĐH8.DX (xã Duy Sơn, Duy Xuyên) hay như ĐH1.ĐB (xã Tư, Đông Giang) “lột xác” nhờ nhân dân đồng lòng hiến đất, cây cối, vật kiến trúc bị ảnh hưởng.

Theo ông Võ Công Phúc - Trưởng phòng Quản lý kết cấu hạ tầng (Sở GTVT Quảng Nam), chính vì không tốn kém GPMB và áp dụng thiết kế mẫu nên chi phí đầu tư giảm 20 - 30% so với các dự án đầu tư xây dựng cơ bản khác cùng quy mô nhưng làm theo quy trình thông thường (chi phí GPMB, tư vấn thiết kế, giám sát…). Việc phân cấp mạnh; không qua phê duyệt chủ trương, thẩm định nguồn, khảo sát thiết kế, phê duyệt thiết kế, bản vẽ thi công… nên tiến độ triển khai rất nhanh.

Trưởng phòng Kinh tế và hạ tầng huyện Duy Xuyên - ông Nguyễn Văn Khánh cho hay, ngoài sử dụng vốn theo đề án tỉnh duyệt, huyện linh hoạt lồng ghép nguồn lực khác (nhưng quyết toán riêng biệt - PV) để mở rộng mặt cắt tuyến ĐH lên 11,5m, hoặc 13,5m theo đúng quy hoạch đã tạo sự đồng bộ và không có “nút thắt cổ chai”. 

Cần duy trì

Đề xuất kiên cố hóa 280km mặt đường, 316km lề đường
Theo Sở GTVT, việc đầu tư theo hướng xây dựng hệ thống ĐH nói riêng nhằm bảo đảm sự phát triển đồng bộ, phù hợp với chủ trương của Đảng về phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiệu quả. Chính vì vậy, ngành đã tham mưu cho UBND tỉnh kiến nghị cấp thẩm quyền tiếp tục kiên cố hóa hệ thống đường ĐH giai đoạn 2021 - 2025. Cụ thể, kiên cố hóa 280km mặt đường, 316km lề đường; xây dựng 314km mương thoát nước dọc, 78 cống hộp các loại; sửa chữa và xây dựng 125 công trình cầu với tổng kinh phí dự kiến 1.743 tỷ đồng. Riêng các tuyến ĐH quy hoạch chuyển thành ĐT, các tuyến chồng lấn quy hoạch phát triển các khu đô thị, khu công nghiệp, khu kinh tế và các công trình đường đã quy hoạch nhưng chưa xây dựng sẽ không thực hiện trong đề án.

Theo ông Võ Công Phúc, kiên cố hóa ĐH là một bước đi cụ thể hiện thực hóa chủ trương xây dựng hạ tầng đồng bộ; giải quyết nhanh điểm nghẽn cho giao thông. Theo số liệu UBND tỉnh Quảng Nam công bố, hệ thống ĐH trên địa bàn tỉnh gồm 230 tuyến có tổng chiều dài 2.038,7km. Nếu tính kiên cố hóa theo Đề án 134 cùng với các dự án đầu tư riêng lẻ khác, chiều dài ĐH còn lại bị hư hỏng vẫn rất nhiều. Thực hiện sự chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở GTVT thời gian qua đã tiến hành rà soát và sau khi loại trừ các tuyến ĐH trùng quy hoạch và không phù hợp tiêu chí, hệ thống ĐH còn lại gồm 118 tuyến/1.626,4km. Tuy nhiên, chỉ 70% trong số đó là có mặt đường tốt (chiếm 1.139,1km), còn lại đến 429,4km mặt đường đã xuống cấp và 58,0km chưa có mặt đường. Chưa kể, trên hệ thống này có 529 cầu thì 38 cầu hư hỏng nhẹ cần sửa chữa nhỏ và 165 cầu không bảo đảm an toàn khi khai thác cần xây dựng mới.

Trưởng phòng Kinh tế và hạ tầng Đông Giang - ông Nguyễn Đức Huy cho hay, giai đoạn 2021 - 2025, địa phương cần kiên cố hóa 47,56km đường ĐH với 11 tuyến hiện đã hư hỏng nặng, hoặc chưa có mặt đường bài bản. Đáng chú ý, các tuyến gồm ĐH1.ĐG, ĐH5.ĐG và ĐH12.ĐG giữ vị trí quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện, mang tính kết nối liên xã, liên vùng. Tuy nhiên, tổng chiều dài nền đất của 3 tuyến đường này vẫn còn 8,11km cần đầu tư cho năm 2021. Ngoài ra, các tuyến ĐH trên địa bàn tồn tại 8 ngầm, cầu xuống cấp, hư hỏng là “nút thắt cổ chai” và tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông. Không chỉ riêng Đông Giang, nhân dân và cán bộ các địa phương đều bày tỏ mong muốn tỉnh tiếp tục duy trì đề án kiên cố hóa mặt đường ĐH, kết hợp gia cố lề, bổ sung rãnh thoát nước, sửa chữa hoặc xây dựng mới cầu, cống trên tuyến.

Nguồn: Báo Quảng Nam