Bộ GTVT trả lời kiến nghị cử tri thành phố Hồ Chí Minh gửi tới Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV

Ngày 03/09/2020
Bộ GTVT vừa có Công văn số 8628/BGTVT gửi đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh trả lời kiến nghị cử tri thành phố Hồ Chí Minh gửi tới Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV.

Bộ GTVT nhận được kiến nghị của cử tri thành phố Hồ Chí Minh do Ban Dân nguyện chuyển đến chuyển đến theo Công văn số 288/BDN ngày 24/7/2020, nội dung kiến nghị như sau:

“Kiến nghị sửa đổi, bổ sung ngành nghề có điều kiện đối với các ngành kinh doanh tập trung đông người, theo đó yêu cầu phải đảm bảo diện tích đỗ xe cho khách, đảm bảo các khu vực tiếp cận và không được phép thành lập các trụ sở kinh doanh tại các khu vực thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông”.

Trước tiên, Bộ GTVT trân trọng cảm ơn Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh đã quan tâm, góp ý về lĩnh vực vận tải đường bộ, chống ùn tắc giao thông nhằm giúp công tác quản lý nhà nước của Bộ ngày càng tốt hơn, đáp ứng nhu cầu của xã hội và nhân dân. Về nội dung kiến nghị của cử tri nêu trên, Bộ GTVT xin trả lời như sau:

Nội dung kiến nghị nêu trên của cử tri thuộc lĩnh vực phụ trách của nhiều Bộ, ngành khác nhau như: Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công Thương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch... và trách nhiệm của địa phương. Theo đó, việc đảm bảo diện tích đỗ xe cho khách tại các nơi tập trung đông người là một điều kiện cần trong các điều kiện khác theo quy định mà các đơn vị kinh doanh loại hình kinh doanh có tập trung đông người phải đảm bảo trước khi được cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành cấp phép hoạt động. Vì vậy, việc bổ sung ngành nghề có điều kiện đối với các ngành kinh doanh tập trung đông người cần thực hiện theo hướng dẫn của các Bộ, ngành, địa phương theo quy định.

Đối với ngành Giao thông vận tải đã và đang thực hiện như sau:

Điều 51 và Điều 83 của Luật giao thông đường bộ năm 2008 đã có quy định về bến xe, bãi đỗ xe và tổ chức hoạt động của bến xe ô tô, bãi đỗ xe; trong đó tại khoản 1 Điều 51 đã quy định rõ: “1. Trong đô thị, khi xây dựng trụ sở cơ quan, trường học, bệnh viện, trung tâm thương mại - dịch vụ, văn hóa và khu dân cư phải xây dựng đủ nơi đỗ xe phù hợp với quy mô của công trình ”. Trên cơ sở quy định này, các địa phương hiện nay đã và đang triển khai thực hiện tổ chức các bãi đỗ xe, bến xe phù hợp với tình hình thực tế trên địa bàn địa phương mình.

Tại điểm đ khoản 1 Điều 67 của Luật giao thông đường bộ năm 2008 đã có quy định doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh hoạt động kinh doanh vận tải
bằng xe ô tô phải có nơi đỗ xe phù hợp với quy mô của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, bảo đảm yêu cầu về trật tự, an toàn, phòng, chống cháy nổ và vệ sinh môi trường. Theo đó, trong hoạt động kinh doanh dịch vụ vận tải các đơn vị kinh doanh vận tải đã và đang thực hiện theo đúng quy định của Luật giao thông đường bộ, các văn bản hướng dẫn của Bộ Giao thông vận tải và cơ quan quản lý trên địa bàn địa phương.

Điểm b, điểm d và điểm e mục 15 phần II của Nghị quyết số 12/NQ-CP ngày 19/02/2019 của Chính phủ về tăng cường bảo đảm trật tự an toàn giao thông và chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2019 - 2021 đã giao Ủy ban nhân dân các thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, thành phố Hồ Chí Minh thực hiện nội dung liên quan đến bãi đỗ xe, cụ thể:
“b) Chỉ phê duyệt đầu tư các khu chung cư, nhà cao tầng, trung tâm thương mại khi phù hợp với quy hoạch, đáp ứng yêu cầu và quy định về bãi đỗ xe, hạ tầng giao thông và kết nối giao thông với các trục đường chính trong đô thị.
d)    Đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng giao thông đô thị, đặc biệt là các trục hướng tâm, khép kín các đường vành đai, các dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, bến, bãi đỗ xe, cảng thuỷ nội địa; các công trình hạ tầng giao thông kết nối cảng hàng không, cảng biển trọng điểm trên địa bàn; tăng cường công tác kiểm tra duy tu, duy trì, đảm bảo cầu, đường êm thuận phục giao thông thông suốt, an toàn.
e)    Thường xuyên rà soát, điều chỉnh tổ chức giao thông tại các nút giao thông, các tuyến đường theo thẩm quyền; cấm, hạn chế hoạt động phương tiện cơ giới cá nhân để ưu tiên hoạt động của phương tiện cứu hộ và phương tiện giao thông công cộng khi cần thiết; điều chỉnh, đồng bộ bề rộng lòng đường, vỉa hè nhằm tối ưu hóa khả năng thông qua, tránh ùn tắc; tăng cường bảo đảm trật tự giao thông đô thị, quản lý sử dụng vỉa hè đảm bảo quyền ưu tiên dành cho người đi bộ; sắp xếp hợp lý các hoạt động sử dụng tạm thời vỉa hè, lòng đường để ưu tiên làm điểm trông giữ xe, hoặc kinh doanh, buôn bán... đảm bảo trật tự, an toàn giao thông và hạn chế làm ảnh hưởng đến đời sống của bộ phận người dân nghèo sống phụ thuộc kinh doanh, buôn bán nhỏ; rà soát, tổ chức hợp lý các khu vực gầm cầu, gầm đường trên cao để sử dụng tạm thời làm bãi đỗ xe. ”.

Trên cơ sở các quy định như nêu trên thì đối với ngành Giao thông vận tải đã tham mưu các văn bản quy phạm pháp luật, Nghị quyết của Chính phủ về bến xe, bãi đỗ xe, nơi đỗ xe. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện cần có sự vào cuộc của các Bộ, ngành liên quan, đặc biệt là công tác triển khai thực hiện trên địa bàn địa phương.

Chính vì vậy, Bộ GTVT đồng thuận với kiến nghị của cử tri và đề nghị Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục gửi kiến nghị đến các Bộ, ngành có liên quan và Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh để quan tâm chỉ đạo triển khai thực hiện các nội dung quy định của Luật giao thông đường bộ năm 2008 và Nghị quyết số 12/NQ-CP ngày 19/02/2019 của Chính phủ nhằm giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh cũng như các thành phố lớn trên toàn quốc. 

Trên đây là trả lời của Bộ GTVT đối với kiến nghị của cử tri thành phố Hồ Chí Minh, trân trọng gửi tới Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh để trả lời cử tri và rất mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, góp ý của cử tri đối với ngành GTVT./. 
 

Nguồn: Cổng TTĐT Bộ GTVT