Đường sắt giảm 10-15% cước vận tải cho hàng hóa nông sản

Ngày 14/09/2020
Thông tin trên được nhiều doanh nghiệp đường sắt đưa ra tại “Hội nghị trực tuyến kết nối doanh nghiệp nông sản - đường sắt - hàng không” do Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức.

Vận chuyển quốc tế bằng đường sắt là xu thế

Nhìn nhận thực trạng xuất khẩu ngành nông sản Việt Nam hiện nay, ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu cho rằng, xuất khẩu nông sản của Việt Nam đang đối diện với nhiều khó khăn, thách thức. Trong đó hoạt động logistics đối với nông sản đang là một trong những yếu tố khiến nông sản Việt khó phát huy được lợi thế cạnh tranh.

Từ Diễn đàn logistics 2019, các chuyên gia đã nhìn nhận, việc thiếu kết nối giữa doanh nghiệp nông sản và logistics là một trong những nguyên nhân quan trọng làm giảm hiệu quả kinh doanh nông sản. Việc thiếu thông tin giữa các doanh nghiệp nông sản và doanh nghiệp logistics làm cho hai bên chưa đủ tin tưởng để đẩy mạnh quan hệ hợp tác.

Đoàn tàu container lạnh

“Do tính chất đặc thù đối với một số loại hàng nông sản như chu kỳ sử dụng ngắn, dễ hư hỏng, có tính thời vụ theo mùa... nên hoạt động logistics phục vụ vận chuyển hàng nông sản đòi hỏi một quá trình tích hợp từ khâu sản xuất, thu hoạch, chế biến, đóng gói, lưu trữ, vận chuyển và phân phối đến người tiêu dùng cuối cùng”, ông Trần Thanh Hải nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Chính Nam, Trưởng Ban Kế hoạch - Kinh doanh, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, hiện năng lực vận chuyển hàng hóa nông sản bằng đường sắt qua hai cửa khẩu ở phía Bắc là Lào Cai và Lạng Sơn chỉ chiếm 1,8%/tổng lượng hàng hóa nông sản xuất nhập khẩu qua hai cửa khẩu này.

Ông Nam cho rằng, vận chuyển quốc tế bằng đường sắt là xu thế vì đây là hình thức vận chuyển tiên tiến với nhiều ưu điểm. Trong đó, đường sắt có thể vận tải khối lượng lớn, lên tới 630 tấn/đoàn.

Hiện nay, trung bình Tổng công ty Đường sắt vận chuyển 5 đôi/ngày, tương đương 6.300 tấn/ngày, trong khi năng lực chạy tàu xuất nhập khẩu có thể đạt 13 đôi tàu/ngày.

Đặc biệt, ông Nguyễn Chính Nam nhấn mạnh, trong khi vận chuyển đường biển từ Việt Nam sang châu Âu mất khoảng 40 - 45 ngày thì tàu liên vận đường sắt chỉ mất khoảng 19 - 20 ngày, giá cả lại cạnh tranh, độ an toàn cao, lịch trình cố định, thủ tục thông quan chính ngạch tại cửa khẩu ga nhanh chóng và thuận lợi, giảm ách tắc hàng hóa tại các cửa khẩu, đảm bảo thời gian, chất lượng sản phẩm.

Theo đó, hàng hóa nông sản Việt Nam xuất khẩu chính ngạch có thể đi sâu vào nội địa Trung Quốc mà không cần chuyển tải, từ Trung Quốc tiếp tục vận chuyển qua các nước thứ ba ở khu vực Trung Á hoặc châu Âu (tuyến vận tải đường sắt từ Việt Nam quá cảnh Trung Quốc, Kazakhstan đi Nga, các nước Trung Á và châu Âu được đánh giá có nhiều tiềm năng phát triển).

Tuy nhiên, trong tổng số sản lượng hàng hóa xuất khẩu bằng đường sắt 6 tháng đầu năm 2020 đạt 420.000 tấn, nông sản xuất nhập khẩu qua đường sắt chỉ khiêm tốn 17.400 tấn, chiếm 4% tổng sản lượng xuất nhập khẩu.

Theo ông Nguyễn Chính Nam, đây là thời điểm tàu chở hàng thể hiện thế mạnh nổi bật so với các loại hình vận tải khác. Chẳng hạn một tàu chở container lạnh hàng tươi sống từ phía Nam đến ga Đông Đăng (Lạng Sơn) có thể chở 20 container, có giá cước thấp hơn đường bộ 20% và xong thủ tục thông quan tối đa trong 5 ngày.

Đường sắt giảm 10-15% cước vận tải

Chính bởi những lợi thế vừa nêu cộng với mức độ ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên sản lượng hàng hóa vận chuyển liên vận quốc tế của Công ty Cổ phần Vận tải và Thương mại Đường sắt (Ratraco), đơn vị thuộc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã đạt mức tăng trưởng mạnh trong 6 tháng đầu năm 2020.

Cụ thể, sản lượng số đoàn tàu đạt 168 đoàn, tăng 70% so với cùng kỳ 2019, sản lượng cont nhập khẩu đạt 844 container (tăng 48% so với cùng kỳ). Sản lượng cont xuất đạt 866 cont (tăng 72% so với cùng kỳ), trong đó sản lượng nông sản chiếm 47%.

Để phát triển mạnh tuyến liên vận này, ngành Đường sắt việt Nam đang tích cực làm việc với các nước liên quan để thống nhất các giải pháp kỹ thuật kết nối, thông tin, giá cước biểu phí dịch vụ, từ đó đưa ra sản phẩm, mức giá hợp lý cho hách hàng.

Tàu hàng chuyên tuyến

Hiện tại, các Công ty Vận tải Đường sắt đang quản lý khai thác 1.619 toa xe GG, 6060 xe Mc và 26 toa xe HH có lắp các vấu để chở container. Ngoài ra, ngành đường sắt còn đang đóng mới toa xe chở container để tăng năng lực vận chuyển hàng hóa.

Nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp nông sản trong giai đoạn khó khăn do Covid-19, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam sẽ giảm 10-15% cước vận tải cho hàng hóa nông sản từ khu vực phía Nam vận chuyển ra tiêu thụ tại miền Bắc bằng toa xe G. Giảm 25% giá cước phổ thông nguyên toa nếu vận chuyển bằng container nguyên đoàn từ 17-20 xe. Ngoài ra, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam còn một số chính sách ưu đãi với những đối tác có khối lượng vận chuyển hàng tháng lớn và thường xuyên.

Trong khi đó, đại diện Ratraco cũng chia sẻ, công ty hiện đang cung cấp dịch vụ vận chuyển hàng hóa bằng các loại container khô, lạnh giữa Việt Nam - Trung Quốc; vận chuyển liên vận quốc tế từ Việt Nam quá cảnh qua Trung Quốc sang các nước Á, Âu; vận chuyển từ kho đến kho... với giá cước vận chuyển hợp lý, thời gian vận chuyển bằng 2/3 so với đường biển.

Cùng với đó, hệ thống kho, bãi hàng hóa tại các ga xếp dỡ lớn, đủ tiêu chuẩn thu gom, bảo quản hàng hóa, đóng gói, phân phối hàng hóa… Đặc biệt, Ratraco đang đưa ra chương trình giảm giá 15% phí vận chuyển container cho tất cả các hàng nông sản vận chuyển tuyến Bắc - Nam (thời hạn áp dụng từ 9/9/2020-31/12/2020).

Nguồn: vr.com.vn